Khó tiếp cận tín dụng vẫn là trở ngại lớn nhất của doanh nghiệp
Doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp vừa và nhỏ đang gặp vô vàn rào cản trong hoạt động kinh doanh. Trong đó, khả năng tiếp cận tín dụng vẫn đang là một trong những trở ngại lớn nhất.
Sáng nay, ngày 22 tháng 3 năm 2018, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân đã phối hợp cùng Ban Kinh tế Trung ương và Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội đồng tổ chức Hội thảo khoa học Quốc gia về Kinh tế Việt Nam năm 2017 và Triển vọng năm 2018.
Báo cáo tại Hội thảo cho thấy, kinh tế Việt Nam năm 2017 đã đạt được những kết quả khả quan. Tăng trưởng kinh tế đạt 6,81%, cao hơn kế hoạch 6,7%, và là mức tăng cao nhất trong 7 năm trở lại đây. Môi trường kinh doanh được cải thiện đã tạo điều kiện tốt hơn cho sự phát triển của khu vực kinh tế tư nhân. Khu vực kinh tế đối ngoại đạt được những con số ấn tượng. Kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa tăng mạnh dẫn đến thặng dư cán cân thương mại hàng hóa ở mức 2,7 tỷ USD. Vốn FDI giải ngân đạt mức kỷ lục 17,5 tỷ USD. Lạm phát năm 2017 được kiểm soát ở mức thấp và tỷ giá ổn định. Với những thuận lợi từ thế giới, và động lực từ phía khu vực FDI và sự vươn lên của khu vực tư nhân; từ ngành dịch vụ và công nghiệp chế biến chế tạo; từ nhu cầu nội địa gia tăng, kinh tế Việt Nam năm 2018 có thể tăng trưởng ở mức 6,6-6,8% với mức lạm phát duy trì ở dưới 4%.
Tuy nhiên, nền kinh tế cũng đang đối diện với nhiều tồn tại và thách thức. Trong đó, khu vực doanh nghiệp còn đối diện nhiều rào cản phát triển. Mặc dù môi trường kinh doanh cải thiện hơn sau những nỗ lực xây dựng Nhà nước kiến tạo, số lượng doanh nghiệp và lượng vốn đăng ký đã tăng mạnh trong năm 2017, nhưng khu vực doanh nghiệp vẫn còn gặp nhiều khó khăn.
Tiến sĩ Tô Trung Thành cho biết, khoảng 98% tổng số doanh nghiệp hiện đang hoạt động là thuộc khu vực kinh tế tư nhân, trong đó đại đa số là DN vừa và nhỏ. Tỷ lệ doanh nghiệp kinh doanh thua lỗ tăng cao liên tục từ năm 2012, và hiện nay lên đến hơn 48% tổng số doanh nghiệp. Trong 3 khu vực, các DN tư nhân, DN FDI có tỷ lệ doanh nghiệp thua lỗ cao hơn DN nhà nước. Nếu DN FDI thua lỗ có thể một phần từ hoạt động "chuyển giá" thì con số hơn 48% doanh nghiệp thuộc khu vực tư nhân thua lỗ. Từ đó cho thấy các doanh nghiệp tư nhân ở Việt Nam đang phải đối mặt với rất nhiều khó khăn như thế nào.
Trong đó, tiếp cận tín dụng vẫn được coi là một trong những trở ngại lớn nhất khiến cho doanh nghiệp khó phát triển.
Trong số các doanh nghiệp khảo sát thì có 58% doanh nghiệp cho biết đều đã từng nộp đơn xin vay ngân hàng. Trong đó, những doanh nghiệp khó tiếp cận được nguồn vốn tín dụng của ngân hàng thường là doanh nghiệp vừa và nhỏ. Ngoài nguyên nhân thủ tục vay còn phức tạp, đa số bị ngân hàng từ chối giải ngân chủ yếu là vì tài sản thế chấp không đủ điều kiện.
Bên cạnh đó, lãi suất cao và các chi phí phi chính thức cũng là những rào cản lớn hạn chế khả năng tiếp cận vốn vay và làm gia tăng chi phí sản xuất của các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp tư nhân. Trong quá trình xử lý các hồ sơ xin vay từ các tổ chức tín dụng, vẫn tồn tại sự phân biệt đối xử giữa các doanh ngiệp vừa và nhỏ với các doanh nghiệp lớn, giữa các loại hình doanh nghiệp sở hữu tư nhân và sở hữu nhà nước.
Ngoài ra, rào cản còn đến từ chi phí sử dụng lao động có xu hướng tăng nhẹ, cơ sở hạ tầng logistics chưa hiệu quả về chất lượng. Tỷ trọng của chi phí cho bảo hiểm xã hội, y tế, thất nghiệp và kinh phí công đoàn có xu hương tăng. Chi phí vận tải chiếm tỷ trọng lớn trong cơ cấu chi phí doanh nghiệp nhưng hạ tầng logistic chưa chất lượng và kết nối còn kém khiến chi phí vận chuyển ngày càng tăng cao, vẫn là gánh nặng cho các doanh nghiệp. Chưa kể, hiện nay, mặc dù chi phí chính thức về thuế đối với doanh nghiệp đã được cắt giảm nhưng chi phí phi chính thức gây ra bởi thủ tục hành chính còn gây nhiều khó khăn cho doanh nghiệp.