Khổ vì thuế chống bán phá giá
Quyết định áp thuế chống bán phá giá đối với inox từ các nước của Bộ Công Thương vô tình làm nhiều doanh nghiệp trong nước lao đao.
- 06-07-2019Thị trường ngày 6/7: Giá vàng giảm mạnh, thép đi xuống, cao su có tuần giảm sâu nhất 15 tháng
- 04-07-2019Việt Nam lên tiếng việc Mỹ áp thuế hơn 450% với sản phẩm thép
- 04-07-2019Thị trường ngày 4/7: Giá xăng, dầu tăng mạnh, thép hạ nhiệt, cao su thấp nhất 3 tháng
Giám đốc một doanh nghiệp (DN) sản xuất đồ gia dụng từ thép không gỉ (inox...) cho biết sau khi Bộ Công Thương quyết định áp thuế tự vệ đối với thép không gỉ (nhôm, inox...) từ Trung Quốc, Indonesia, Malaysia, Đài Loan (Trung Quốc) với mức cao nhất lên tới 37,29% từ năm 2014, giá nguyên liệu đầu vào đã tăng 20%, dẫn đến giá thành sản phẩm tăng theo.
Giảm khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp
Theo vị giám đốc trên, từ năm 2014, sản phẩm đồ gia dụng của ông đã không thể cạnh tranh được với hàng nhập ngoại từ Trung Quốc, Thái Lan… Nguyên nhân là vì các nước này có lợi thế giá thành rẻ, thuế thấp. Thậm chí, công ty của ông đã phải dừng toàn bộ dây chuyền sản xuất chậu rửa inox bởi chi phí nguyên liệu quá cao. "Mức thuế tiếp tục được duy trì đến nay dù cho ngành inox cán nguội trong nước hiện không có dấu hiệu thừa cung còn cầu lại rất lớn do sự phát triển của đô thị, xây dựng. Bảo hộ quá dài không chỉ khiến DN sản xuất nguyên liệu không lớn lên được mà chúng tôi còn phải đối mặt với tình trạng độc quyền cung cấp nguyên liệu. Chúng tôi buộc phải nhập từ 1 DN trong nước kể từ khi hàng rào thuế được dựng lên" - vị giám đốc than phiền.
Việc áp thuế tự vệ khiến doanh nghiệp sản xuất đồ gia dụng trong nước gặp nhiều khó khăn Ảnh: TẤN THẠNH
Còn ông Nguyễn Đại Thắng, Tổng Giám đốc Công ty CP Tập đoàn Sunhouse, cho biết công ty ông chuyên sản xuất kinh doanh các mặt hàng gia dụng như nồi, xoong, chảo bằng nhôm và inox với nhu cầu sử dụng hàng ngàn tấn nguyên liệu mỗi năm. Từ khi có quyết định áp thuế chống bán phá giá, nguyên liệu inox cuộn để sản xuất hàng gia dụng đã tăng giá khoảng 15%-25%, dẫn đến giá thành sản phẩm cũng tăng tương ứng. Trong khi đó, hàng hóa tương tự nhập khẩu từ Trung Quốc vừa rẻ vừa chịu thuế nhập khẩu thấp. "Việc này dẫn đến làm mất khả năng cạnh tranh của các DN sản xuất, DN nhập khẩu, vô hình trung "giết chết" các công ty sản xuất như chúng tôi" - ông Thắng nhấn mạnh.
Vì lý do trên, ông Thắng đề nghị Bộ Công Thương không áp thuế bán phá giá inox cán nguội hoặc nếu áp thuế thì nên cho DN được hoàn thuế nhập khẩu nguyên liệu đầu vào.
Hiệp hội DN nhỏ và vừa TP Hà Nội mới đây cũng có đề nghị Bộ Công Thương xem xét lại Quyết định số 1656 về việc điều chỉnh thuế chống bán phá giá mặt hàng inox. Theo hiệp hội, quyết định này làm cho khả năng cạnh tranh của DN sản xuất với các đơn vị kinh doanh nhập khẩu rất yếu ớt. "Quy định mức thuế cao dẫn đến giá thành sản phẩm cao, do đó khó cạnh tranh với sản phẩm nhập khẩu thành phẩm. Mặt khác, theo Hiệp định Thương mại ASEAN - Trung Quốc trong giai đoạn 2015-2018, thuế nhập khẩu đối với các mặt hàng gia dụng inox từ Trung Quốc chỉ từ 0%-5%" - hiệp hội chỉ rõ.
Thua đơn thiệt kép
Luật sư Trương Thanh Đức, Chủ tịch HĐTV Công ty Luật Basico, nhìn nhận phòng vệ thương mại là biện pháp hữu hiệu cần thiết để bảo vệ sản xuất trong nước, song tác động của nó lại trở thành vấn đề lớn trong bối cảnh hiện nay. Do đó, cần hết sức cân nhắc để tránh ảnh hưởng xấu đến sản xuất và sức cạnh tranh của những ngành hàng khác có liên quan.
"Khi ngành sản xuất trong nước được bảo hộ độc quyền thì nguy cơ lớn nhất là việc bảo vệ sản xuất cho một DN sẽ gây thiệt hại cho nhiều ngành sản xuất khác. Đang diễn ra nghịch lý là hàng trăm DN sử dụng nguyên liệu mua của nhà sản xuất độc quyền trong nước phải chấp nhận giá cao, chất lượng chưa chắc đã bảo đảm, thậm chí phải chịu nhiều điều kiện giao dịch bất lợi khác, hoàn toàn không có sự cạnh tranh. Như vậy, không cẩn thận sẽ rơi vào tình trạng lợi bất cập hại, thua thiệt cho sản xuất trong nước nhiều hơn là được. Nghịch lý này sẽ còn lớn hơn đối với những ngành nhập khẩu hàng hóa thành phẩm có thuế thấp hơn nhập khẩu nguyên liệu hoặc sản xuất từ nguyên liệu mua trong nước" - ông Đức nêu quan điểm.
Theo luật sư Trần Hữu Huỳnh, Chủ tịch Trung tâm Trọng tài quốc tế (VIAC), sử dụng các biện pháp tự vệ là nhu cầu chính đáng của mỗi quốc gia khi đối mặt với việc mở cửa cho hàng hóa của nước khác tràn vào thị trường nội địa. Tận dụng tốt các biện pháp này cũng thể hiện bước tiến của quốc gia. "Tuy nhiên, mục tiêu cuối cùng vẫn là bảo vệ sản xuất trong nước. Khi sản xuất trong nước bị thiệt hại nghiêm trọng hoặc có nguy cơ gây ra thiệt hại nghiêm trọng mà chứng minh được thiệt hại thì DN được quyền làm đơn đề nghị xem xét. Cơ quan có thẩm quyền là Cục Phòng vệ thương mại, Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng - Bộ Công Thương phải có nghĩa vụ giải quyết" - luật sư Huỳnh lưu ý.
Vị chủ tịch VIAC cũng phân tích về mặt lý thuyết, tự vệ là biện pháp bắt buộc phải làm, mang tính chất ngắn hạn, nhằm giúp DN, ngành hàng trong nước có thời gian nâng cao năng lực, đối phó được với áp lực cạnh tranh từ nước ngoài. Do đây là việc bắt buộc phải làm nên DN hoặc ngành hàng khác nếu bị ảnh hưởng ít nhiều cũng nên chia sẻ với lợi ích quốc gia.
Nhấn mạnh phải cân nhắc áp dụng biện pháp tự vệ cho đúng, luật sư Huỳnh lưu ý: "Mỗi biện pháp đưa ra đều có các ý kiến trái chiều nhưng nhà nước khi quyết định một biện pháp nào cũng trên cơ sở cân nhắc được - mất. Mặc dù bảo hộ sản xuất không phải là biện pháp sai hay vô lý, song cũng cần nhìn nhận rằng những DN sản xuất thuộc đối tượng được bảo hộ không vượt qua được khó khăn, không nâng cao được sức cạnh tranh của hàng hóa thì rõ ràng quốc gia đã bị thua đơn thiệt kép" .
Áp thuế tự vệ phải theo thực tiễn
Các chuyên gia kinh tế cũng nhiều lần nhắc bài học năm 2009, Công ty Kính nổi Viglacera và Công ty TNHH Kính nổi Việt Nam yêu cầu áp dụng biện pháp tự vệ bằng cách đánh thuế đối với kính nhập khẩu trong vòng 4 năm ở mức 0,6 USD/m2 kính. Tuy nhiên, sau khi điều tra, Bộ Công Thương đã không áp dụng biện pháp tự vệ do thấy nhiều lý do không hợp lý. Vì vậy, theo các chuyên gia, việc áp thuế tự vệ nên xuất phát và cân bằng từ thị trường thực tế.
Người lao động