Khó xảy ra sốt đất trong thời gian tới
Thời gian gần đây, thị trường bất động sản đang có dấu hiệu phục hồi tích cực. Đặc biệt, ở phân khúc đất nền đã dần sôi động trở lại, nhưng các chuyên gia dự báo sẽ khó xảy ra sốt đất vì thị trường đã thận trọng hơn trước đó.
- 24-12-2021Phân khúc bất động sản nào sẽ sôi động trong thời gian tới?
- 24-12-2021Nhà thấp tầng ven nội đô Hà Nội tăng giá mạnh
- 24-12-2021Nhà đầu tư tự tin xuống nhiều tiền vào bất động sản, kỳ vọng thị trường "dậy sóng" sau Tết Nguyên đán
Phân khúc đất nền phục hồi nhanh
Tại tọa đàm: “Giao dịch trở lại, đất nền có sốt giá cuối năm?”, do Báo Dân trí tổ chức mới đây. Ông Nguyễn Hoàng - Giám đốc R&D DKRA Vietnam cho biết, sau thời gian giãn cách, vào giai đoạn bình thường mới từ tháng 10. Các hoạt động kinh tế - xã hội cũng đã từng bước quay trở lại và thị trường bất động sản cũng vậy.
Theo quan sát của DKRA Vietnam, TPHCM, 5 tỉnh lân cận (Đồng Nai, Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu, Tây Ninh và Long An) và xa hơn là các tỉnh Bình Phước, Bình Thuận có khoảng 700 nền đất được đưa ra thị trường, với tỷ lệ tiêu thụ khoảng 55%. Trong khi tháng 10 chỉ có khoảng 650 nền và tiêu thụ chỉ hơn 1/3.
Dòng tiền vẫn đổ mạnh vào bất động sản.
Như vậy, diễn biến thị trường trong tháng 11 đã cao hơn nhiều so với tháng 10, trong khi nếu so sánh tháng 10 với tháng 9 thì tháng 9 là giai đoạn còn giãn cách, gần như không có dự án đất nền nào được đưa ra.
Khi các hoạt động kinh tế - xã hội phục hồi trở lại, thì bất động sản - đặc biệt là phân khúc đất nền, luôn luôn có phản ứng nhanh nhất với thị trường. Điều đó cho thấy rằng, sức mua đang rất tích cực trong thời điểm này.
Theo quan sát của chúng tôi, những ngày đầu tháng 12, xu hướng này vẫn tiếp tục tích cực. Chúng tôi tin tưởng rằng, đây là cơ sở cho những giai đoạn tiếp theo, đặc biệt vào đầu năm 2022.
Còn TS. Cấn Văn Lực - Chuyên gia kinh tế cho hay, gần đây, dòng tiền đầu tư đổ mạnh vào bất động sản, đặc biệt là phân khúc đất nền.
“Sau khi Chính phủ cho phép thực hiện Nghị quyết 128 từ ngày 1/10, chúng tôi theo dõi các chỉ số kinh tế - xã hội thì thấy đã phục hồi được khoảng 80 - 85% ở các loại hoạt động khác nhau. Một số doanh nghiệp ở TP. HCM đã phục hồi đến 90 - 95%”, vị chuyên gia cho biết.
Bên cạnh đó, nguồn cung mới không nhiều. Một vài dự án vừa rồi xong pháp lý, rõ hơn quy hoạch và bắt đầu bung ra trong khi nhu cầu rất lớn, nên giao dịch cũng sẽ sôi động hơn trong thời gian vừa qua, đặc biệt là các tỉnh giáp ranh với các thành phố lớn như TP. HCM và Hà Nội.
Ngoài ra, trong và sau dịch, người dân thấy cần có một chỗ hơi xa một chút nhưng riêng tư và đảm bảo môi trường, hệ sinh thái. Hiện nay, chúng ta thấy, một số người từ TP. HCM chạy lên Bảo Lộc (Lâm Đồng) khá nhiều. Ông Lực cho rằng, đó cũng là một xu hướng đã và đang xuất hiện sau dịch bệnh.
Khó xảy ra "sốt đất"
Mặc dù đất nền có tốc độ phục hồi nhanh chóng, nhưng ở góc nhìn chuyên gia, ông Nguyễn Hoàng cho rằng lại khó xảy ra. “Nếu gọi là sốt đất trên diện rộng hoặc sôi động như những năm trước thì hầu như không có. Sốt ảo chỉ xuất hiện ở một vài nơi nào đó, do một số người đưa ra những thông tin để tạo sóng. Những cơn sốt đất ảo như vậy cũng qua đi rất nhanh, khoảng một tuần đến 10 ngày là hết. Bởi vì những nhà đầu tư bây giờ rất thận trọng, quan sát kỹ chứ không chạy theo đám đông”.
Khó xảy ra sốt đất.
Theo ông Hoàng nhận định: “Gọi là cơn sốt đất thì cũng không đúng, mà tôi nghĩ rằng ở một số khu vực, hoặc một số địa phương sẽ có sự sôi động và được quan tâm nhiều hơn, đặc biệt là ở những nơi gần các dự án hạ tầng giao thông hoặc những nơi mà sắp có sự chuyển đổi về mặt đô thị. Chính vì thế, những năm vừa qua, đất đai tại các khu vực gần sân bay Long Thành hoặc gần các tuyến đường cao tốc mà nhà nước đang chuẩn bị đầu tư được hưởng lợi và có những tiềm năng phát triển trong tương lai. Những khu vực này cũng sẽ sôi động hơn”.
Theo vị chuyên gia, sẽ khó sốt đất, bởi vì có những nhà đầu tư hiện nay đang thận trọng hơn trong việc quan sát thị trường. Hơn nữa, thị trường thứ cấp - tức thị trường mua đi bán lại, cũng kém sôi động hơn trong năm 2021. Thông thường thị trường thứ cấp phải sôi động thì mới tác động đến thị trường sơ cấp là những người mua ban đầu.
Cộng thêm chính sách của nhà nước về việc kiểm soát dòng vốn cho vay bất động sản cũng hạn chế dòng tiền đổ vào thị trường này. Khi tác động đến sức mua sẽ giảm khả năng xảy ra sốt đất.
“Tôi cũng đánh giá cao phản ứng kịp thời của địa phương, khi xuất hiện những thông tin bơm thổi trên thị trường. Điều đó giúp cho những rủi ro xảy ra sốt ảo bất động sản bớt đi”, vị chuyên gia nói.
Bên cạnh đó, những dự án có lợi thế về mặt vị trí, pháp lý luôn có sự quan tâm của người mua, chứ không phải sốt đất như 2018 trở về trước.