Khoác ba lô lên và đi du lịch cùng AI
Trào lưu ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) cho các chuyến du lịch được người trẻ ưa chuộng bởi sự tiện lợi. Đặc biệt, trên những hành trình du lịch với chiếc "xế hộp" yêu, trợ lý giọng nói tiếng Việt đang xuất hiện phổ biến.
- 22-06-2023Trình duyệt nào tốn ít RAM nhất trên máy tính ?
- 22-06-2023Australia: Cảnh báo phạt Twitter nếu không xử lý các nội dung độc hại
Bạn đồng hành không cần ghế ngồi
Minh Trang (31 tuổi, Hà Nội) vừa hoàn thành chuyến du lịch 3 ngày 2 đêm tại Đà Lạt theo lộ trình "nhờ" Chat GPT gợi ý. Cụ thể, Chat GPT giúp Trang lên lộ trình chi tiết từng ngày; các hoạt động nên làm vào buổi sáng, chiều, tối; các điểm du lịch nổi tiếng hay quán ăn đặc sản địa phương.
Theo Trang, chuyến đi này được thực hiện hoàn toàn theo sự gợi ý của AI. Những địa điểm được giới thiệu là những nơi nổi tiếng như: đi dạo Hồ Xuân Hương, thăm Nhà thờ Domaine de Marie, Thung lũng Tình Yêu, Thác Prenn, Đồi Mộng Mơ,... với lịch trình hợp lý. "Rất thú vị khi hành trình được lên kế hoạch bởi trí tuệ nhân tạo", chị chia sẻ.
Tương tự, Nam Trần (30 tuổi, TP.HCM) cũng vừa kết thúc kỳ nghỉ hè với chuyến đi xuyên Việt từ TP.HCM ra Hà Nội. Nam tự lái xe ô tô đi du lịch với sự trợ giúp chỉ đường, tìm kiếm điểm vui chơi ở các trạm dừng chân, thông tin về ẩm thực địa phương hoàn toàn bằng trợ lý giọng nói trên ô tô. Đối với Nam, đây là hành trình có nhiều trải nghiệm đáng giá.
"Đi qua Hội An (Quảng Nam) thì quán cơm gà nào ngon, bánh mì Phượng nổi tiếng ở đâu… ? Hay ra Hà Nội thì ăn bún chả, phở bò, chả cá ở đâu… Những địa điểm ăn uống được trợ lý giọng nói gợi ý rất hợp lý", Nam kể lại.
Có thể nói, những chuyến đi với "bạn" AI đồng hành như Minh Trang và Nam Trần đang là trào lưu trải nghiệm du lịch của giới trẻ hiện nay. Việc tận dụng AI đúng cách giúp hành trình mang lại nhiều trải nghiệm thú vị, "nhàn tênh" và có thêm nhiều thời gian tận hưởng cuộc vui.
Theo Thạc sĩ Bùi Văn Niên - Giảng viên khoa Du lịch - Đại học Đại Nam, Trong thời đại 4.0, trí tuệ nhân tạo đã có tác động sâu rộng, khiến diện mạo của nền kinh tế, trong đó có kinh tế du lịch biến đổi theo chiều hướng tích cực.
Đối với du khách, AI hỗ trợ tốt trong tìm kiếm thông tin và đánh giá chất lượng sản phẩm, dịch vụ, nghĩa là giải quyết tốt phần chuẩn bị sẵn sàng cho chuyến đi.
Bên cạnh đó, đối với các doanh nghiệp du lịch, AI sẽ giúp ích trong việc xây dựng sản phẩm du lịch. Từ sự hỗ trợ của AI, doanh nghiệp có thể đưa ra dự báo về xu hướng du lịch trong tương lai như: thị hiếu du khách, xu hướng ẩm thực, xu hướng trải nghiệm,… Thêm vào đó, AI cũng giúp doanh nghiệp du lịch thuận tiện hơn khi chăm sóc khách hàng.
Vị chuyên gia nhận định, AI sẽ khiến diện mạo ngành du lịch thay đổi nhanh chóng. Nếu các công ty du lịch biết cách tận dụng tốt nguồn dữ liệu từ hành vi khách hàng, họ có thể điều chỉnh các sản phẩm, dịch vụ du lịch phù hợp để đáp ứng kịp nhu cầu thị trường, khiến du khách chấp nhận "móc hầu bao".
Trên thực tế, ở bối cảnh du lịch toàn cầu. Khách du lịch ngày càng sử dụng công nghệ nhiều hơn. Dẫn chứng, 74% du khách sử dụng Internet để lên kế hoạch chuyến đi (Google Travel); hơn 45% người sử dụng điện thoại thông minh để đặt các kỳ nghỉ (TripAdvisor); hơn 36% khách hàng có thể chi trả nhiều hơn nếu giao dịch dễ dàng và tương tác tốt; khoảng 80% khách hàng thích tự mình tìm hiểu thông tin… Nhiều doanh nghiệp du lịch đã ứng dụng AI để tìm kiếm khách hàng, nâng cao chất lượng dịch vụ.
Giải đáp thắc mắc 24/7
Trên thế giới, những công cụ dựa trên nền tảng AI đã trở thành nhân viên đắc lực cho các công ty du lịch và là "trợ lý" 24/7 cho du khách.
Trang đặt phòng Booking.com cho biết, chỉ chưa đầy 5 phút, công cụ Chatbots (nói chuyện tự động) của họ có thể trả lời 30% câu hỏi phổ biến của khách hàng như "Thời tiết ở đó như thế nào?" hay "Tôi có thể chơi gì với 200 USD?". Hơn nữa, Chatbot sẽ cung cấp đầy đủ những thông tin về chuyến bay, xe thuê, các chọn lựa về hành trình và thậm chí đề xuất những hoạt động mới trong chuyến đi.
Còn hệ thống khách sạn Hilton sử dụng rô-bốt "Connie" với AI và Máy học (machine learning) để nói chuyện với khách hàng. Rô-bốt này thu nhận dữ liệu, tự học và ngày càng trở nên thông minh hơn sau mỗi lần tương tác với khách.
Trong khi đó, Halo Travel - ứng dụng của hãng WEX thậm chí cho phép người dùng đặt vé máy bay và phòng lưu trú chỉ bằng giọng nói, với sự trợ giúp của Google Assistant.
Có thể nói, AI giúp lập kế hoạch và đặt các dịch vụ cho chuyến đi nhanh chóng, chuyên nghiệp và cá nhân hóa. Khi cần tìm thông tin, du khách chỉ cần lựa chọn nhanh các hạng mục là sẽ nhận được những đề xuất theo yêu cầu, các hoạt động nên thử, lộ trình di chuyển phù hợp... Hay thậm chí, chỉ cần nói ra yêu cầu là du khách sẽ được trả lời ngay.
Tại Việt Nam, Kiki là trợ lý giọng nói tiếng Việt phổ biến và đang được ưa chuộng bởi tính "bản địa" của mình. Travel Blogger nổi tiếng Trần Đặng Đăng Khoa cho biết, trợ lý Kiki có khả năng hiểu tiếng Việt tốt với nhiều ngữ điệu vùng miền khác nhau.
Trong các video gần đây của anh được chia sẻ lên nền tảng mạng xã hội, Đăng Khoa tìm đường, thông tin giao thông, gợi ý điểm ăn uống, vui chơi ở các tỉnh/thành hoàn toàn bằng trợ lý giọng nói tiếng Việt Kiki.
"Tôi thích những chuyến đi tự lái ô tô trải nghiệm các cung đường theo cách của mình. Trợ lý tiếng Việt Kiki thực sự đã trở thành một người bạn đồng hành, tăng trải nghiệm tiện lợi cho chuyến đi du lịch", Travel Blogger chia sẻ.
Trí thức trẻ