Khoản phải thu hơn 10.000 tỷ đồng của Hòa Bình có đáng lo ngại?
Theo báo cáo tài chính năm 2018, tổng các khoản phải thu ngắn hạn (bao gồm phải thu theo tiến độ hợp đồng, phải thu khách hàng và các khoản phải thu khác) của Hòa Bình lên tới 11.089 tỷ đồng, tăng 1.898 tỷ đồng so với đầu năm. So với tổng tài sản ở mức 15.900 tỷ đồng thì con số phải thu ngắn hạn kể trên là khá lớn khi chiếm xấp xỉ 70%.
Năm 2018, Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình (HBC) ghi nhận kết quả kinh doanh khá tích cực với doanh thu hợp nhất 18.299 tỷ đồng, tăng 14% so với năm trước. Lợi nhuận sau thuế dù giảm 27% xuống còn 620 tỷ đồng nhưng là kết quả chấp nhận được trong bối cảnh thị trường bất động sản không quá thuận lợi, cũng như giá nguyên vật liệu đầu vào gia tăng.
Dù vậy, trong năm qua, yếu tố khiến giới đầu tư quan tâm hơn cả với Hòa Bình là vấn đề khoản phải thu. Theo báo cáo tài chính năm 2018, tổng các khoản phải thu ngắn hạn (bao gồm phải thu theo tiến độ hợp đồng, phải thu khách hàng và các khoản phải thu khác) của Hòa Bình lên tới 11.089 tỷ đồng, tăng 1.898 tỷ đồng so với đầu năm. So với tổng tài sản ở mức 15.900 tỷ đồng thì con số phải thu ngắn hạn kể trên là khá lớn khi chiếm xấp xỉ 70%.
Tín hiệu tích cực trong quá trình thu hồi nợ
Mặc dù khoản phải thu lớn, nhưng chất lượng các khoản phải thu của Hòa Bình đã có sự cải thiện đáng kể khi mà các khoản phải thu theo tiến độ (chưa xuất hóa đơn) đã giảm mạnh về cả giá trị lẫn tỷ lệ. Tính tới cuối năm 2018, phải thu theo tiến độ hợp đồng cuối năm 2018 là 4.107 tỷ đồng, giảm 732 tỷ đồng so với cuối quý 1. Sau khi hoàn thành toàn bộ các hồ sơ thanh toán, khoản công nợ sẽ được chuyển từ mục "Phải thu theo tiến độ hợp đồng" sang mục "Phải thu khách hàng".
Công nợ hiện tập trung chủ yếu ở khoản phải thu khách hàng (đã xuất hóa đơn) với giá trị cuối năm 2018 là 6.140 tỷ đồng, tăng 3.218 tỷ đồng so với cuối quý 1. Đây là khoản nợ đã được xác nhận của khách hàng và sẽ được thanh toán theo thời hạn trong hợp đồng. Cách đây không lâu, ông Lê Viết Hải – Chủ tịch Hòa Bình cho biết công ty đã thu hồi được gần 2.900 tỷ đồng công nợ trong tháng 1/2019.
Theo chuẩn mức kế toán quốc tế ISA 11, chuẩn mực kế toán Việt Nam (VAS), "Phải thu theo tiến độ hợp đồng xây dựng" được ghi nhận cùng lúc với doanh thu. Khoản mục này dùng để ghi nhận phần trăm công việc mà Hòa Bình đã hoàn thành và được xác minh bởi bên tư vấn thứ ba, nhưng chưa lập hóa đơn cho khách hàng.
Trong khi đó, "Phải thu khách hàng" được chuyển từ "Phải thu theo tiến độ hợp đồng xây dựng" đã lập hóa đơn và chuyển đến khách hàng. Theo đó, khách hàng có nghĩa vụ phải thanh toán cho Hòa Bình và bất kỳ khoản thanh toán chậm nào sẽ bị phạt.
Trong báo cáo mới được công bố, CTCK Bảo Việt (BVSC) cũng cho rằng mặc dù khoản phải thu của Hòa Bình vẫn ở mức cao nhưng chất lượng các khoản phải thu đã có sự cải thiện đáng kể.
Theo chia sẻ của Hòa Bình, để đạt được những bước tiến về thu hồi nợ chỉ sau thời gian ngắn là do công ty đã quyết liệt triển khai nhiều biện pháp phù hợp, không có ngoại lệ (thuê McKinsey tư vấn tái cấu trúc) như Siết chặt điều kiện với một số chủ đầu tư thường kéo dài thời gian xác nhận nghiệm thu; Tích cực làm việc với các chủ đầu tư để đẩy nhanh tiến độ thanh toán và cùng thỏa thuận thực hiện đúng các cam kết về thanh toán theo tiến độ; Chỉ tiêu về thu hồi công nợ đã được đưa vào KPI của các công trường cũng như của toàn công ty với trọng số cao hơn khi chấm điểm hoàn thành công việc của các nhân sự có trách nhiệm; Với khoản nợ kéo dài lâu nay, Hòa Bình đang làm việc với từng chủ đầu tư để lên phương án thu hồi nợ và có trường hợp tính toán đến phương án kiện ra tòa; Cơ cấu lại danh mục khách hàng, tập trung hơn nữa vào các chủ đầu tư uy tín, các dự án có tính khả thi cao và có nguồn tài trợ rõ ràng.
Sau khi trải qua giai đoạn tăng trưởng nhanh, mở rộng thị phần, Hòa Bình đang xử lý vấn đề khoản phải thu, cải thiện bức tranh tài chính để chuẩn bị cho nền tảng phát triển mạnh trong giai đoạn tiếp theo.
Kỳ vọng gì cho năm 2019?
Đầu năm 2019, Hòa Bình đã trúng thầu các dự án của Vingroup và Tập đoàn Sunshine với tổng giá trị hợp đồng lên tới 2.500 tỷ đồng. Giá trị hợp đồng chưa thực hiện mang sang năm 2019 là 24.583 tỷ đồng, gấp 1,5 lần doanh thu thuần năm 2018 của công ty mẹ cũng là một yếu tố thuận lợi cho triển vọng kinh doanh năm nay.
Bên cạnh đó, Hòa Bình cũng dự phòng cho lợi nhuận của mảng xây lắp với các dự án bất động sản góp vốn liên doanh đầu tư. Chung cư Ascent Lakeside dự kiến mang về cho Hòa Bình 38,1 tỷ đồng lợi nhuận trong năm 2019 cùng với khả năng sang nhượng 3 dự án bất động sản đã được đề cập trong ĐHCĐ năm 2018. Năm 2020, 2021 các dự án Ascent Plaza, Ascent Garden Home dự kiến đóng góp 60 và hơn 100 tỷ đồng lợi nhuận.
Theo chia sẻ tại cuộc gặp mặt với các nhà phân tích mới đây, lãnh đạo Hòa Bình chia sẻ rằng vẫn tiếp tục nhận được sự tin tưởng tuyệt đối từ các ngân hàng, với hạn mức tín dụng gần 6.000 tỷ đồng và mức lãi suất 5,2% - 6,5%/năm. Ngoài ra, trong quý 2/2019 Tập đoàn dự kiến sẽ hoàn thành việc phát hành riêng lẻ cho nhà đầu tư chiến lược trong cùng ngành.
Trí Thức Trẻ