Khoản thuế 'khủng' bị thất thoát từ taxi công nghệ
Chỉ trong vòng 4 năm qua, xe cá nhân chạy hợp đồng điện tử đã tăng khoảng 240 lần.
- 07-06-2019Trình Chính phủ Nghị định quản taxi công nghệ trước ngày 15/6
- 05-06-2019Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể: Taxi công nghệ hay truyền thống đều phải gắn mào
- 17-05-2019Bộ Thông tin và Truyền thông: Nên coi Grab, Go-Viet là chủ thể mới, cần tăng khả năng cạnh tranh cho taxi truyền thống thay vì giảm khả năng cạnh tranh của taxi công nghệ
Theo số liệu cập nhật mới nhất của Sở GTVT TP.HCM, số lượng xe 9 chỗ tham gia kinh doanh vận tải theo xe hợp đồng cứ năm sau lại tăng cao hơn nhiều lần so với năm trước.
Cụ thể, năm 2014 số lượng xe kinh doanh vận tải dưới 9 chỗ chỉ có 177 chiếc nhưng đến cuối năm 2015, thời điềm áp dụng thí điểm Quyết định 24 với loại hình taxi công nghệ, thì số lượng tăng vọt lên 1.877 xe.
Tiếp đến, năm 2016 số lượng xe này bật tăng lên 17.360 xe, năm 2017 là 34.562 xe và năm 2018 là 41.651 xe. Như vậy, sau 4 năm thí điểm, loại hình taxi công nghệ thì số lượng xe cá nhân dưới 9 chỗ đăng ký kinh doanh tại các hợp tác xã đã tăng gấp 240 lần. Số lượng xe dưới 9 chỗ đăng ký kinh doanh tăng mạnh, kéo theo số lượng HTX cũng biến động theo. Cụ thể, năm 2016 chỉ có 180 HTX đến nay đã là 284.
Cũng theo Cục thuế TP.HCM, thực trạng cần nhìn rõ hiện nay xã viên vào HTX chỉ với 2 mục đích: để được cấp phù hiệu và chạy xe hợp đồng, HTX không còn trách nhiệm gì khác.
Phóng viên PLO trao đổi với anh Nguyễn Hùng , tài xế hoạt động kinh doanh theo mô hình ứng dụng gọi xe, thì được cho biết: "Để chạy xe hợp đồng, tôi phải gia nhập HTX để được cấp phù hiệu với mức phí hơn 1 triệu/năm đồng để chạy ngoại tỉnh và khoảng 900.000 đồng để chạy trong thành phố.”
Tuy nhiên, khi phóng viên hỏi anh Hùng về mức thuế thu nhập , thuế VAT phải đóng là bao nhiêu, rồi tài xế có phải ủy quyền cho HTX đóng thay hay không... thì anh Hùng hoàn toàn không biết mình cần phải đóng những khoản thuế đó, thậm chí còn chưa từng nghe đến việc mình phải đóng những loại thuế nào.
Đây là thực trạng chung của rất nhiều tài xế chạy xe hợp đồng điện tử (ứng dụng gọi xe) chứ không riêng gì vài người.
Đại diện lãnh đạo Cục thuế TP.HCM nhận định, hoạt động vận tải trong HTX khá "lộn xộn". Vì Theo Nghị định 86, các DN kinh doanh vận tải nói chung, tài sản như xe ô tô là tài sản thuộc DN nên DN phải có trách nhiệm kê khai doanh thu và xuất hoá đơn, đóng thuế. Còn đối với HTX quy định xe đưa vào kinh doanh vận tải lại thuộc tài sản cá nhân.
Theo quy định cũ, các xã viên bắt buộc phải uỷ quyền cho HTX kê khai và đóng thuế. Nhờ đó việc thu thuế đầy đủ, minh bạch. Thế nhưng kể từ khi Thông tư 92/2015/BTC ra đời lại cho phép xã viên uỷ quyền hoặc không uỷ quyền cho HTX. Trên thực thế phần lớn các xã viên không kê khai, không uỷ quyền cho HTX mà cũng không kê khai, đóng thuế cho cơ quan thuế. Đó là lý do số thuế thu được chưa tương xứng với quy mô, hoạt động của taxi công nghệ.
Trước thực trạng này, mới đây UBND đã yêu cầu các HTX kinh doanh vận tải bằng ô tô nói riêng phải rà soát lại toàn bộ các xã viên, số lượng xã viên uỷ quyền và không uỷ quyền cho cơ quan thuế. HTX cũng phải gửi danh sách xã viên đã được cấp phù hiệu nhưng hiện không còn liên hệ với HTX, không thực hiện thanh lý hợp đồng dịch vụ đối vơí HTX để thông báo cho Sở GTVT thu hồi phù hiệu.
HTX phải khai thuế và nộp thuế thay cho xã viên theo quý. Đồng thời, HTX phải gửi danh sách các xã viên không uỷ quyền cho HTX khai thuế cho Sở GTVT để thu hồi phù hiệu.
Pháp luật Tp Hồ Chí Minh