Khoản vay tín chấp nước ngoài lớn nhất trong ngành chứng khoán hoàn tất sau 4 tháng thương thảo
Trong bối cảnh lãi suất trên thế giới đang giảm, các định chế tài chính toàn cầu cũng mong muốn tìm kiếm được những khách hàng tốt, thâm nhập sâu hơn vào thị trường tín dụng Việt Nam.
Tiếp nối sau khoản vay tín chấp trị giá 55 triệu USD đầu năm 2019, CTCP Chứng khoán SSI vừa tiếp tục hoàn tất khoản vay hợp vốn tín chấp mới trị giá 85 triệu USD, tương đương gần 2.000 tỷ đồng.
Khoản vay có kỳ hạn 1 năm từ nhóm 9 ngân hàng nước ngoài, đứng đầu là Union Bank of Taiwan (UBOT), dự kiến sẽ giải ngân từ đầu năm 2021. SSI sẽ thực hiện phân bổ vào các mảng kinh doanh như dịch vụ chứng khoán, tự doanh trái phiếu nhằm tăng cường sức cạnh tranh đồng thời tối đa hóa lợi nhuận từ các tài sản có độ rủi ro chấp nhận được.
Khoản vay hợp vốn lần này có sự tham gia của nhiều bên cho vay hơn cho thấy việc mở rộng quy mô hợp tác của SSI với các ngân hàng trên thế giới cũng như giúp củng cố định mức tín nhiệm của SSI với với các định chế tài chính nước ngoài sau khoản vay nước ngoài đầu tiên với Sinopac và khoản trái phiếu chuyển đổi phát hành cho DBJ.
SSI cho biết thương vụ này được thực hiện bởi chính đội ngũ IB (dịch vụ ngân hàng đầu tư) của SSI chỉ sau 4 tháng thương thảo, từ tháng 9 đến tháng 12/2020. Thương vụ này là bàn đạp để SSI phát triển hoạt động tư vấn và thu xếp vốn vay quốc tế. Bên cạnh việc tiếp tục thúc đẩy hợp tác chiến lược giữa SSI với các Ngân hàng/Công ty mẹ các Tập đoàn tài chính lớn, các thương vụ kết nối vốn khác cho khách hàng của mảng IB với các ngân hàng nước ngoài cũng đã và đang được đẩy mạnh.
Hiện nay chỉ có rất ít các công ty chứng khoán tốp đầu của Việt Nam có thể vay tín chấp với giá trị lớn tại các ngân hàng nước ngoài. Bên cạnh SSI, các thương vụ trước đó của HSC và VCSC đều có giá trị không quá 50 triệu USD. Không công bố cụ nhưng SSI cho biết lãi suất khoản vay này thấp hơn so với khoản vay nước ngoài của các CTCK khác cũng như thấp hơn so với các đợt huy động trái phiếu.
Đại diện SSI khẳng định việc mở rộng thêm các hạn mức vay nước ngoài với giá trị cao và chi phí vốn thấp là lợi thế rất lớn để gia tăng sức cạnh tranh thông qua việc cung cấp thêm nguồn vốn giá rẻ, đặc biệt là cho vay margin cho các nhà đầu tư. Việc hạ chi phí vốn đang là một trong những vấn đề "sống còn" đối với các công ty chứng khoán nội nói chung khi mà các công ty chứng khoán ngoại đang đổ bộ ngày một nhiều với lợi thế rất lớn là nguồn vốn giá rẻ dồi dào.
Từ kinh nghiệm trực tiếp đàm phán với đối tác, đội ngũ IB của SSI cho biết trong bối cảnh lãi suất trên thế giới đang giảm, các định chế tài chính toàn cầu cũng mong muốn tìm kiếm được những khách hàng tốt, thâm nhập sâu hơn vào thị trường tín dụng Việt Nam.
Vấn đề mấu chốt là các doanh nghiệp Việt Nam muốn tiếp cận được dòng vốn này – mà chính SSI là ví dụ điển hình – phải chứng minh được uy tín, mức độ minh bạch cũng như khả năng hoạt động hiệu quả vì các khoản vay nước ngoài đa số là tín chấp.