Khoảng trống Fintech trên thị trường chứng khoán Việt
Đại dịch COVID-19 tạo nên nhiều sự đứt gãy trong hoạt động kinh doanh toàn cầu, nhưng cũng đồng thời là động lực tăng tốc hóa sự phát triển của công nghệ trong các hoạt động kinh tế - xã hội.
- 02-06-2020Ngân hàng Nhà nước: Fintech hiện nay tiềm ẩn nhiều rủi ro
- 02-06-2020Dự kiến năm 2021 sẽ cho thử nghiệm Fintech, trong đó có P2P Lending
- 11-02-2020Ngân hàng Nhà nước sẽ bỏ giới hạn tỷ lệ sở hữu nước ngoài tối đa 49% tại fintech thanh toán
Ông Nguyễn Thành Long, Chủ tịch HĐQT Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX) đánh giá như vậy đồng thời cho rằng, TTCK Việt Nam chưa có nhiều sản phẩm kết hợp giữa tài chính và công nghệ, trong khi ngành ngân hàng đang đi nhanh hơn trong mảng này.
TTCK Việt Nam chưa có nhiều sản phẩm kết hợp giữa tài chính và công nghệ
Fintech ngân hàng đi trước TTCK
Fintech là những sản phẩm được tạo ra từ sự kết hợp giữa tài chính và công nghệ. Tại Việt Nam, trong khi các sản phẩm Fintech xuất hiện ngày càng nhiều trên thị trường tiền tệ như ví điện tử, tiền số, P2P… thì trên TTCK, thị trường vốn đang thiếu vắng các nghiên cứu, giải pháp để triển khai loại sản phẩm này.
"Chúng ta phải đánh động khoảng trống này để thị trường vốn sớm cân bằng hơn với thị trường tiền tệ về mức độ thực thi sản phẩm mới", ông Long nói.
Theo thống kê, thị trường tiền tệ, tín dụng ngân hàng hiện nay tương đương 130 - 140% GDP, trong khi đó, trên TTCK, tổng giá trị thị trường cổ phiếu (HOSE, HNX, UPCoM) và trái phiếu tại Việt Nam cũng đã xấp xỉ 130% GDP.
Giống như hai mặt của một đồng xu, Fintech mang đến cơ hội và rủi ro song hành. Những rủi ro lớn nhất nhà đầu tư phải đối mặt là mua phải các chứng khoán không được cấp phép, tiếp cận các thông tin không đảm bảo tính chính xác, rủi ro bị lừa đảo khi sử dụng các sản phẩm tài chính công nghệ qua các tổ chức cung ứng dịch vụ…
Tuy nhiên, nếu sợ rủi ro thì sẽ không bao giờ tận dụng được những ưu việt của sản phẩm công nghệ tài chính.
Fintech có khả năng cung cấp nền tảng huy động vốn trên thị trường sơ cấp cho các doanh nghiệp, nhất là khối doanh nghiệp startup, cũng như cung cấp nền tảng huy động vốn bằng các công cụ tài chính như trái phiếu…
Nó cũng giúp các nhà tư vấn cung cấp tốt hơn các dịch vụ như môi giới, so sánh giá, quản lý danh mục, nhận diện khách hàng…
Rủi ro và lợi ích song hành, nên để Fintech đến với TTCK, ông Long cho rằng, cơ quan quản lý phải mở lối bằng việc nghiên cứu, xây dựng các hành lang pháp lý, dẫn dắt, hỗ trợ các thành viên triển khai.
Trên TTCK Việt Nam, một số công ty chứng khoán (CTCK) như BSC, FPTS, TCBS, VNDS, MBS, SSI, VPS… mới đây đã được Diễn đàn dịch vụ tài chính do IDG và VASB tổ chức vinh danh do có ứng dụng công nghệ thông tin tiêu biểu/có sản phẩm dịch vụ sáng tạo tiêu biểu.
Tuy nhiên, số công ty thực sự ứng dụng công nghệ trong cung cấp sản phẩm, dịch vụ chứng khoán mới chiếm tỷ lệ rất nhỏ tại Việt Nam.
Một số sản phẩm kết hợp tài chính và công nghệ bước đầu được triển khai cho thấy tính hữu dụng cao trong việc hỗ trợ chăm sóc danh mục hàng chục nghìn nhà đầu tư, không phụ thuộc vào không gian, thời gian như cách tương tác giữa con người với con người.
Chẳng hạn, tại Công ty Chứng khoán BSC, ông Trần Thăng Long, Trưởng phòng Phân tích cho biết, một trong ba sản phẩm BSC sáng tạo, I-Invest có sự kết nối rất tốt với hơn 100.000 khách hàng, nhất là trong giai đoạn đại dịch.
Sản phẩm tạo ra một tương tác thông minh giữa BSC và nhà đầu tư, từ tư vấn xây dựng danh mục, đến việc quản lý danh mục, trả lời tự động tất cả các câu hỏi của nhà đầu tư về tình hình thị trường, diễn biến đáng chú ý của môi trường kinh doanh, hay sức khỏe tài chính từng doanh nghiệp cụ thể…
"TTCK có trên 1.600 cổ phiếu, hàng chục loại chứng quyền và các sản phẩm phái sinh, nếu không có sự hỗ trợ của công nghệ, sẽ rất khó để CTCK chăm sóc được tất cả các khách hàng của mình", ông Long nói.
Thực tế, không nhà môi giới nào có thể chăm sóc quản lý được nhiều khách hàng cùng một lúc, nên khi quy mô TTCK lớn lên sẽ buộc các CTCK phải tìm đến các giải pháp công nghệ để kết hợp xây dựng các sản phẩm tài chính, vận hành bộ máy thông minh hơn. Nếu chuyển động chậm, sẽ rất khó cho CTCK trụ lại trên thương trường.
Quan sát trên thị trường Việt Nam cho thấy, một số ứng dụng Fintech cũng đã bắt đầu xuất hiện như công cụ tư vấn tài chính online TCWealth Advisor, nền tảng đầu tư và tiết kiệm thông minh Finhay, công cụ cố vấn đầu tư chứng khoán FinBox…
Mới đây, CTCP Chứng khoán Thiên Việt (TVS) hoàn tất thương vụ đầu tư vào Finhay, ứng dụng quản lý tài sản đang được định giá khoảng 1 tỷ USD của nhà sáng lập Acorns của Mỹ.
Đầu tư vào lĩnh vực được coi là một bước đi mới của TVS trong bối cảnh TTCK đang ở trong giai đoạn khó khăn với sức ép cạnh tranh từ cả CTCK nội và các đối thủ mới từ nước ngoài.
Mở không gian cho Fintech trên TTCK, cần quyết tâm và bước đi cụ thể
Bên cạnh những thách thức về rủi ro, Fintech có những mặt thuận lợi để phát triển trên TTCK Việt Nam như sự ủng hộ tích cực của Chính phủ, hay các chính sách ưu đãi dành cho doanh nghiệp, sự quan tâm của các nhà đầu tư vào lĩnh vực này tại Việt Nam, lượng người dùng Internet, smartphone cao.
Cùng với đó, số lượng doanh nghiệp Fintech đang tăng trưởng nhanh, tăng gần gấp 4 lần từ con số khoảng 40 công ty cuối năm 2016 lên tới gần 150 công ty ở thời điểm hiện tại.
Riêng với TTCK, các định chế và nhà đầu tư có lợi thế về nắm bắt, ứng dụng, làm chủ công nghệ mới hơn nhiều lĩnh vực khác, cũng là một điểm thuận lợi nếu Fintech được triển khai mạnh hơn.
Chủ tịch HNX cho rằng, chính sách cần đi trước một bước trong việc tạo hành lang cho Fintech trên TTCK. Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia được thành lập theo Quyết định số 1269/QĐ-TTg năm 2019 cần có thêm không gian nghiên cứu các sản phẩm phối hợp giữa công nghệ và tài chính.
Theo đó, cần có sự phối hợp với Ủy ban Chứng khoán, Sở Giao dịch chứng khoán và Trung tâm Lưu ký chứng khoán nghiên cứu khả năng phát triển công nghệ mới như IA, Bigdata, công nghệ sinh trắc học, công nghệ chuỗi khối… các công nghệ nền tảng để ứng dụng Fintech.
Trước mắt, thị trường cần có quy định hướng dẫn chấp thuận, cấp phép cho áp dụng thí điểm các dịch vụ Fintech cơ bản như E-KYC, giao dịch thuật toán, tư vấn và môi giới đầu tư, quản lý danh mục đầu tư… Việc này áp dụng trước tiên cho các tổ chức kinh doanh chứng khoán, còn đối với các doanh nghiệp Fintech không phải là tổ chức kinh doanh chứng khoán thì cần một thời gian để đánh giá các rủi ro đi kèm.
Fintech đã và đang mở ra một xu hướng phát triển mới trên thị trường chứng khoán trên quốc tế. Nhiều nước trên thế giới đã áp dụng các biện pháp hỗ trợ nhằm tạo điều kiện cho Fintech phát triển.
Chẳng hạn, tại Anh, Úc, Singapore, Malaysia, Thái Lan, Nhật Bản, các cơ quan nhà nước đã được lập ra để thúc đẩy sự phát triển của các Fintech.
Chính phủ các nước này cũng xây dựng khung pháp lý thử nghiệm để tạo hành lang pháp lý cho các công ty Fintech phát triển, trước khi chính thức mở rộng cung ứng dịch vụ trên thị trường.
Năm ngoái, Mỹ giành vị trí dẫn đầu về con số gọi vốn cho lĩnh vực Fintech. Tổng giá trị đầu tư tại thị trường Mỹ tăng vọt 52% lên 23,1 tỷ USD trong năm 2019.
Đầu tư Fintech tại Anh cũng tăng 63%, lên ngưỡng 6,3 tỷ USD, trong khi Ấn Độ, Brazil và Đức cũng có những bước tăng trưởng đáng kể. Singapore, Hồng Kông ghi nhận mức tăng gấp đôi vốn đầu tư vào lĩnh vực này trong năm qua.
Tại Trung Quốc, cách đây vài năm, cộng đồng Fintech ra đời, phát triển như vũ bão và bùng nổ. Nhờ việc các nhà hoạch định chính sách Trung Quốc mạnh dạn tạo ra một hành lang pháp lý thử nghiệm để nuôi dưỡng sự sáng tạo và phát triển, Alibaba hay Tencent trở thành những tập đoàn có tầm vóc và sức cạnh tranh toàn cầu.
Diễn đàn doanh nghiệp