MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Khốc liệt ‘cuộc chiến’ cửa hàng tiện lợi

Các đại gia bán lẻ đang cạnh tranh “từng tấc đất” tại các vị trí đắc địa để mở rộng độ phủ trên thị trường.

Việc tập đoàn bán lẻ lớn nhất Nhật Bản 7-Eleven vừa mở cửa hàng đầu tiên tại TP.HCM đã làm nóng thị trường, nhất là ở phân khúc cửa hàng tiện lợi. Trước đó, hàng loạt thương hiệu bán lẻ lớn như FamilyMart, B’smart, Circle K… đã xuất hiện càng tạo thêm áp lực cạnh tranh đối với các nhà bán lẻ Việt.

Ra ngõ gặp cửa hàng tiện lợi

Có thể nhận thấy cửa hàng tiện lợi đang bùng nổ tại Việt Nam. Đặc biệt tại TP.HCM, cửa hàng tiện lợi len lỏi vào từng con phố, ngõ hẻm. Chỉ riêng ở khu vực Bàu Cát, quận Tân Bình gần đây đã mọc lên hàng chục cửa hàng tiện lợi.

Trước sự tấn công dồn dập của các đại gia ngoại, những “ông lớn” trong nước như Vingroup, Saigon Co.op, Satra… đã có những nỗ lực trong việc mở rộng hệ thống phân phối, đa dạng hàng hóa, dịch vụ nhằm đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng, giành thị phần.

Đơn cử như Satra vừa đưa thêm một cửa hàng thực phẩm tiện lợi Satrafoods vào hoạt động tại huyện Hóc Môn, TP.HCM. Đây là cửa hàng thứ tám của đơn vị này tại Hóc Môn. Như vậy, sau hơn sáu năm hình thành, chuỗi cửa hàng thực phẩm tiện lợi Satrafoods đã cán mốc 120 cửa hàng.

Đáng chú ý hệ thống cửa hàng tiện lợi Vinmart+ thuộc Tập đoàn Vingroup sau hơn hai năm gia nhập thị trường, đến nay đã có 900 cửa hàng. Riêng trong năm 2016, cứ mỗi ngày có thêm khoảng hai cửa hàng Vinmart+ xuất hiện trên thị trường.

Có thể thấy việc phủ rộng hệ thống nhanh chóng đã giúp Vinmart+ giành được những vị trí đẹp khi nằm ở mặt tiền hoặc chân các khu chung cư, tiện lợi cho việc mua sắm của khách hàng. Đây là một trong những yếu tố quan trọng đối với kinh doanh bán lẻ.


Việt Nam hiện là một trong 30 thị trường bán lẻ mới nổi hấp dẫn nhất thế giới. Ảnh: TU

Việt Nam hiện là một trong 30 thị trường bán lẻ mới nổi hấp dẫn nhất thế giới. Ảnh: TU

Trong khi đó, các đại gia bán lẻ ngoại cũng không ngừng gia tăng sự hiện diện ở thị trường. Chẳng hạn hiện FamilyMart có 130 cửa hàng, chủ yếu tập trung ở TP.HCM. Đơn vị này dự kiến năm nay sẽ mở thêm 50 cửa hàng. Gã khổng lồ Nhật Bản 7-Eleven dù mới vào thị trường cũng đã nuôi tham vọng sẽ mở 300 cửa hàng tại Việt Nam trong vòng ba năm và sẽ phát triển lên 1.000 cửa hàng sau 10 năm.

Tuy nhiên, theo TS Đào Xuân Khương, chuyên gia tư vấn phân phối và bán lẻ, không phải cứ thuê địa điểm, mua sản phẩm vào bán rồi thành bán lẻ. Bán lẻ phải xác định rất rõ khách hàng mục tiêu của bạn là ai.

Chính vì vậy mỗi nhà bán lẻ đang hướng đến một phân khúc khách hàng khác nhau. Hệ thống cửa hàng tiện lợi B’smart, Circle K, FamilyMart… chủ yếu bán các sản phẩm thuận tiện cho việc mang đi, đồ ăn và thức uống có thể sử dụng ngay. Trong khi Co.opFood, Satrafoods, Vinmart+... bán các sản phẩm chăm sóc cá nhân, chăm sóc gia đình.

Béo bở nhưng không dễ ăn

Để giành lợi thế ngay trên sân nhà, các nhà bán lẻ Việt cần làm gì? Bà Nguyễn Hương Quỳnh, Tổng Giám đốc công ty nghiên cứu thị trường Nielsen Việt Nam, cho biết hiện nay các nhà bán lẻ Việt đã và đang tận dụng khá tốt các ưu thế vốn có tại thị trường nội địa của mình. Trong đó đặc biệt là lựa chọn vị trí tốt để mở cửa hàng tiện lợi, số lượng mặt bằng, hiểu biết nhiều về người tiêu dùng Việt và thị trường.

Tuy vậy, bà Quỳnh khuyến cáo: “Các doanh nghiệp bán lẻ trong nước nên xem xét các yếu tố nổi bật có thể ảnh hưởng đến sự phát triển của cửa hàng tiện lợi. Chẳng hạn cần thực sự “tiện ích”, tức không chỉ đơn thuần là một cửa hàng mà đó còn là dịch vụ, trải nghiệm của khách hàng và doanh nghiệp phải thay đổi nhanh chóng để bắt kịp với cuộc sống bận rộn của khách hàng”.

Đại diện Saigon Co.op cho hay nhằm mang đến sự thuận tiện hơn cho người tiêu dùng, các cửa hàng Co.opFood đã mở cửa linh hoạt từ 6 giờ đến 21 giờ mỗi ngày. Tại đây, người tiêu dùng nhận được nhiều lợi ích gia tăng như giữ xe miễn phí, đặt hàng qua điện thoại, giao hàng tận nhà cho đến việc cửa hàng chấp nhận thanh toán trực tiếp qua thẻ ngân hàng.

Vinmart+ cũng khá thức thời khi mới tung ra sản phẩm Vinmart Cook với nhiều món ăn gia đình chế biến sẵn, tập trung vào đối tượng gia đình và người trẻ bận rộn. Bên cạnh đó, chuỗi cửa hàng tiện lợi này cũng cung cấp dịch vụ bán SIM điện thoại, thẻ nạp tiền, hỗ trợ thu tiền điện, nước...

TS Đào Xuân Khương nhận định muốn thắng được ở phân khúc này, cửa hàng tiện lợi phải đáp ứng được hai yêu cầu là tiện lợi cho việc đi lại (hoặc là gần) và hàng hóa phải tươi sống. Đồng thời, các nhà bán lẻ cần xác định khách hàng mục tiêu là ai, thế mạnh so với cửa hàng tạp hóa là gì.

Thực tế cửa hàng tiện lợi được đánh giá là miếng bánh hấp dẫn cả nhà bán lẻ nội lẫn ngoại. Thế nhưng để chiếm được thị phần miếng bánh này không dễ trước sự cạnh tranh ngày càng khốc liệt trên từng con phố. Bằng chứng là thời gian qua đã có không ít “ông lớn” ngoại phải rút lui, thu hẹp sản xuất do cạnh tranh không nổi trước các đối thủ.

Nhu cầu về tiện ích tăng

Công ty nghiên cứu thị trường Nielsen cho hay hiện nay Việt Nam có khoảng 1.500 cửa hàng tiện lợi. Kênh bán lẻ này được dự đoán sẽ còn tăng trưởng mạnh mẽ trong tương lai. Vì Việt Nam có dân số trẻ tăng nhanh.

Bên cạnh đó, thói quen và thu nhập của người Việt đã thay đổi. Theo đó, nhu cầu về sự tiện ích tăng lên, mong muốn được trải nghiệm những dịch vụ tiện ích ngay tại cửa hàng trong mỗi lần đi mua sắm.

Theo tin mới nhất từ Nikkei, chuỗi 7-Eleven tại Indonesia sẽ đóng cửa toàn bộ vào ngày 30-6 tới. Một trong những nguyên nhân là do không cạnh tranh được với các thương hiệu bán lẻ địa phương. Điều này cho thấy lợi thế thấu hiểu thị trường nội địa của các nhà bán lẻ thuần Việt là rất quan trọng.

Theo Tú Uyên

Pháp luật Tp Hồ Chí Minh

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên