MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Khóc rưng rức nhìn vàng tăng giá

06-07-2016 - 09:04 AM | Tài chính - ngân hàng

Vay vàng từ thuở giá 18 triệu đồng/lượng để đầu tư chứng khoán, nhưng rồi thị trường chứng khoán chìm nghỉm, vàng vì thế cũng bốc hơi theo. Đến năm ngoái, giá vàng ổn định quanh 33-34 triệu đồng/lượng, chị lại vay vàng, chưa kịp trả nợ thì nay giá đã leo lên 38 triệu đồng.

Đó là câu chuyện của chị Hằng ở Thanh Xuân, Hà Nội – một trường hợp đang phải chịu cay đắng với diễn biến của giá vàng.

Chị Hằng kể, đầu năm 2009, người thân của chị tích cóp được 20 cây (lượng) vàng muốn nhờ chị mang đến ngân hàng để gửi lấy lãi. Biết chuyện, vợ chồng chị bàn nhau âm thầm vay vàng của người kia để đầu tư chứng khoán vì cổ phiếu đang rẻ, một thời gian nữa thị trường hồi phục sẽ bán đi và mua vàng trả nợ.

Thời điểm ấy, giá vàng chỉ quanh vùng 17 – 18 triệu đồng/lượng. Bán số vàng người thân gửi được hơn 300 triệu đồng, anh chị chia nhau mở tài khoản ở hai nơi, hai người đầu tư để phân tán rủi ro.

Khi mới đầu tư, anh chị mừng rỡ vì mua mã nào là mã đó tăng giá nhưng vẫn chưa dám dốc hết tiền, các mã mua vào cũng phải “bán lúa non” vì sợ giảm nên lời lãi chẳng bao nhiêu. Nhờ tư vấn của một vị môi giới là người quen, anh chị sau đó quyết mạo hiểm hơn là chỉ để chị đầu tư (vì từ khi chị mua chưa mã nào giảm giá) và đổ hết tiền về tài khoản này.

Nhưng đời không như là mơ, từ sau khi chị dốc hết tiền vào chứng khoán thì thị trường lại liên tục đi xuống. Vì vốn vay hoàn toàn nên chị lại không dám cắt lỗ, dần dần thị trường giảm quá sâu, dò mãi chẳng thấy đáy, các mã chứng khoán chị mua đều giảm giá tới 30 – 50%, lúc này chị lại càng hoang mang hơn.

Éo le thay, từ khi chị bán vàng để mua chứng khoán thì giá vàng lại cứ liên tục đi lên. Năm 2011, thấy giá vàng đắt, lên trên 40 triệu đồng/lượng, người thân của chị muốn bán bớt một nửa để lấy tiền lo cho con cái học hành. Trót bán vàng đi đổ vào chứng khoán nên không còn cách nào khác, anh chị đành phải tất toán tài khoản. 20 lượng vàng với hơn 300 triệu đồng đầu tư cách đó hơn 2 năm chỉ còn lại chưa nổi 100 triệu đồng, tức chỉ còn hơn 2 cây vàng.

Tưởng chừng những “đau đớn” mà vàng ập đến làm cho anh chị tỉnh ngộ chạy xa khỏi tài sản này. Nhưng một lần nữa, chị lại phải chịu đắng cay với vàng.

Chị Hằng kể tiếp, đến năm ngoái, phần nợ vàng của người thân anh chị đã lo xong. Sẵn có chút tiền tiết kiệm, lại được tuổi, anh chị quyết định sửa nhà, thấy giá vàng ổn định quanh 33-34 triệu đồng, anh chị lại… vay vàng.

“Mấy hôm trước tôi định mua vàng trả nợ, nhưng nghĩ giá 34 vẫn còn cao, có khi đợi xuống 32-33 thì mua, ai ngờ chưa kịp mua thì giá cứ nhảy múa liên tục, chục ngày đã tăng thêm 4 triệu đồng/cây rồi. Cả hai vợ chồng cứ đứng ngồi không yên, nếu mua giờ lỡ nó giảm lại tiếc, mà không mua thì lo giá lại tăng nữa, giờ đang chẳng biết làm thế nào, suốt ngày mở mạng ra xem cập nhật giá vàng”, chị Hằng nói.

Trường hợp như của chị Hằng không phải hiếm gặp trong xã hội ngày nay, bởi nhiều người vẫn sử dụng vàng như của để dành và vay mượn lẫn nhau. Nhiều người phải “ngậm đắng nuốt cay” với vàng, nhưng cũng có không ít người “thắng lớn” vì chọn đúng thời điểm mua bán.

Trên thị trường, giá vàng thế giới vừa có phiên tăng thứ 5 liên tiếp tính đến ngày 5/7 và đang ở vùng cao nhất trong vòng 2 năm trở lại đây với hơn 1.360 USD/ounce vì nhà đầu tư đổ xô mua kim loại quý sau số liệu về kinh tế Trung Quốc không tốt như dự đoán trong khi những lo lắng về khủng hoảng kinh tế toàn cầu hậu Brexit vẫn thường trực. Nhiều dự báo cho rằng, giá vàng ngắn hạn sẽ lên 1.400 USD/ounce, thậm chí sẽ thiết lập mức cao lịch sử trong vòng 18 tháng tới.

Ở trong nước, giá vàng cũng “nhảy múa điên loạn” trong mấy ngày qua theo vàng thế giới. So với cách đây chục ngày, tức trước thời điểm Anh bỏ phiếu rời EU, giá vàng hiện đang đắt hơn 4 triệu đồng mỗi lượng.

Tùng Lâm

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên