MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Khối BRICS muốn ra mắt đồng tiền chung, sẵn sàng 'ngăn chặn' sự thống trị của đồng USD

02-06-2023 - 15:59 PM | Tài chính quốc tế

Khối BRICS muốn ra mắt đồng tiền chung, sẵn sàng 'ngăn chặn' sự thống trị của đồng USD

Việc sử dụng đồng tiền chung có thể giúp các nước thành viên BRICS né tránh tác động của các biện pháp trừng phạt như phương Tây áp dụng với Nga.

Theo Bloomberg, các quốc gia trong BRICS đã yêu cầu ngân hàng đặc biệt của khối này đưa ra văn bản soạn thảo về cách thức hoạt động của một đồng tiền tệ chung. Theo đó, với việc sử dụng đồng tiền tệ này, các quốc gia thành viên của BRICS có thể né tránh tác động của các biện pháp trừng phạt như phương Tây áp dụng với Nga.

Bộ trưởng Ngoại giao các nước Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi đã có cuộc gặp tại Cape Town vào ngày 1/6, để thảo luận về cách khối này có thể giành được sức ảnh hưởng lớn hơn trên toàn cầu và sẵn sàng cạnh tranh với Mỹ. Dù chưa đi đến kết luận chắc chắn, nhưng việc khối này sử dụng các loại tiền tệ khác là một trong những điểm đáng chú ý.

Naledi Pandor, Bộ trưởng Quan hệ Quốc tế của Nam Phi, cho biết với các phóng viên sau cuộc họp: “BRICS đang tìm cách đảm bảo rằng chúng tôi không trở thành nạn nhân của các biện pháp trừng phạt, vốn ảnh hưởng đến các quốc gia không liên quan.”

Dù bà không đề cập trực tiếp đến Nga, nhưng rõ ràng rằng quốc gia này đã bị các nước phương Tây áp đặt các lệnh trừng phạt hà khắc trên diện rộng, sau khi mở chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine.

Bà Pandor cho biết nhưng không đưa thêm thông tin chi tiết, các quan chức tại Ngân hàng Phát triển Mới (NDB) có trụ sở tại Thượng Hải do các quốc gia BRICS thành lập xem xét. Khối này “sẽ cung cấp thông tin cho họ về những mô hình trong tương lai có thể sẽ như thế nào”.

Tổng thống Brazil - Luiz Inacio Lula da Silva, là người lên tiếng ủng hộ việc BRICS sử dụng đồng tiền chung. Hồi tháng 4, da Silva cho biết ông ủng hộ việc tạo ra một loại tiền tệ để giao dịch giữa các nước BRICS.

Tuy nhiên, Jim O’Neill, người nghĩ ra từ viết tắt BRIC vào năm 2001 khi là nhà kinh tế trưởng của Goldman Sachs, cho biết trong một cuộc phỏng vấn rằng đồng tiền chung của khối là không khả thi. Theo ông, việc sử dụng đồng NDT của Trung Quốc và rupee của Ấn Độ sẽ có nhiều khả năng đạt được tầm ảnh hưởng quan trọng trên toàn cầu hơn.

Thống đốc NHTW Nam Phi - Lesetja Kganyago, cũng có chung quan điểm với O’Neill. Tháng trước, ông Kganyago cảnh báo rằng việc tạo ra một đồng tiền chung có thể sẽ yêu cầu khối này thành lập một NHTW riêng.

Trong hoạt động thương mai của các nước thành viên của BRICS, việc thanh toán bằng đồng nội tệ đã trở nên phổ biến hơn trong những tháng gần đây, cho thấy khối này đang nhắm mục tiêu giảm sự thống trị của đồng USD. Hơn 70% thương mại giữa Nga và Trung Quốc đã được thanh toán bằng đồng nội tệ. Cuối tháng 4, Bộ trưởng Bộ Tài chính Nga Anton Siluanov cho biết con số này đã tăng mạnh từ mức chỉ 30% vào 2 năm trước.

Cuộc họp của các bộ trưởng BRICS cũng có sự tham dự của những người đồng cấp từ các quốc gia bao gồm Ả Rập Xê Út, UAE, Ai Cập và Kazakhstan. Ngoài ra, quy mô của chương trình nghị sự mở rộng, với hơn 20 quốc gia mong muốn tham gia.

Khi được hỏi về cuộc gặp được tổ chức với phái đoàn Ả Rập Xê Út, Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov chỉ nói rằng việc quốc gia này gia nhập đã được thảo luận, trong bối cảnh các cuộc đàm phán quy mô lớn hơn về cách mở rộng số lượng thành viên của khối đang được thực hiện.

Hiện tại, BRICS vẫn chưa thể hiện được thế mạnh là một khối liên minh, dù các thành viên đại diện cho hơn 42% dân số thế giới, đóng góp 23% GDP và 18% thương mại toàn cầu.

Kế hoạch bổ sung thêm thành viên lần đầu tiên được đề xuất tại cuộc họp thượng đỉnh năm ngoái ở Trung Quốc và 13 quốc gia đã chính thức yêu cầu tham gia, cùng ít nhất 7 quốc gia bày tỏ sự quan tâm.

Cuộc họp ngày 1/6 là tiền đề cho sự kiện hội nghị thượng đỉnh các nguyên thủ quốc gia BRICS ngày 22 đến 24/8, đang được lên kế hoạch tổ chức tại Johannesburg (Nam Phi). Quốc gia này đang cân nhắc việc chuyển địa điểm đến nơi khác vì lo ngại về vấn đề chính trị liên quan đến Nga.

Tham khảo Bloomberg

Vu Lam

Nhịp sống thị trường

Trở lên trên