MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Khởi công Khu công nghiệp VSIP Quảng Trị trong Quý II/2023

Khu công nghiệp VSIP là dự án trọng điểm mang tính động lực của tỉnh Quảng Trị. Ảnh minh hoạ: Vsip.com.vn

Khu công nghiệp VSIP là dự án trọng điểm mang tính động lực của tỉnh Quảng Trị. Ảnh minh hoạ: Vsip.com.vn

Quá trình giải phóng mặt bằng dự án Khu công nghiệp VSIP gặp rất nhiều khó khăn, tuy nhiên, tỉnh Quảng Trị phấn đấu sẽ sớm hoàn thành bàn giao mặt bằng và hoàn thiện các thủ tục pháp lý để nhà đầu tư có thể khởi công trong Quý II/2023.

Dự án Khu công nghiệp Quảng Trị (VSIP Quảng Trị) được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương đầu tư tại Quyết định số 418/QĐ-TTg ngày 23/3/2021; do 3 nhà đầu tư liên doanh hợp tác thực hiện gồm: Công ty liên doanh TNHH khu công nghiệp Việt Nam – Singapore (VSIP JV); CTCP đô thị Amata Biên Hòa (huộc Tập đoàn Amata Thái Lan) và Tập đoàn Sumitomo Corporation Nhật Bản.

Dự án được thực hiện tại thị trấn Diên Sanh, xã Hải Lâm và xã Hải Trường, thuộc huyện Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị với quy mô 481,1ha, tổng vốn đầu tư 2.074 tỷ đồng. Trong đó, giai đoạn 1 có quy mô 97,4 ha - tổng vốn đầu tư 504,39 tỷ đồng.

Sau khi được khởi động vào ngày 30/4/2022, đến nay dự án đã hoàn thành một số thủ tục pháp lý như: Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, thành lập khu công nghiệp, giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp; phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường, chuyển đổi mục đích sử dụng rừng, phê duyệt đồ án Quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/2000.

Ông Phạm Ngọc Minh, Trưởng BQL Khu kinh tế tỉnh Quảng Trị cho biết, hiện nay nhà đầu tư và BQL Khu kinh tế đang phối hợp thực hiện việc điều chỉnh cục bộ quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/2.000 đối với dự án; cùng với đó, dự án đang hoàn thiện hồ sơ thẩm định báo cáo nghiên cứu khả thi dự án (Hồ sơ FS) để trình Bộ Xây dựng thẩm định. Tuy nhiên do thủ tục đấu nối giao thông dự án vào tuyến Quốc lộ 1A và tuyến đường sắt Bắc - Nam vẫn chưa hoàn thành nên thành phần hồ sơ thẩm định chưa đủ thành phần để trình Bộ Xây dựng tiến hành thẩm định.

Cũng theo ông Minh, đối với công tác giải phóng mặt bằng, hiện nay UBND huyện Hải Lăng đã quyết định thu hồi đất 5 đợt cho dự án với tổng diện tích 18ha; phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ 4 đợt với giá trị 10,67 tỷ đồng.

Tuy vậy, trong quá trình thực hiện, việc đo đạc quy chủ thu hồi đất gặp rất nhiều khó khăn do người dân sử dụng đất không có giấy tờ theo quy định nên việc xác định loại đất, chủ sử dụng đất mất nhiều thời gian.

Đồng thời, phạm vi thu hồi đất để xây dựng dự án khá lớn (97,4ha), ảnh hưởng nhiều thửa đất (551 thửa), nhiều loại đất, đối tượng sử dụng nên cơ quan chức năng mất khá nhiều thời gian cho công tác đo đạc, quy chủ, kiểm đếm. Đặc biệt, đến nay, vẫn còn một số hộ dân chưa chưa đồng ý với loại đất thu hồi; nhiều hộ dân xây dựng, làm nhà ở ổn định ngay trên đất nông nghiệp, đất nhà nước quản lý… nên khó khăn trong việc quy chủ, xác định tài sản hợp pháp khi lập biên bản kiểm kê.

"BQL Khu kinh tế hiện vẫn đang phối hợp với Tổ công tác giải phóng mặt bằng tỉnh, UBND huyện Hải Lăng để tiến hành đối thoại với các hộ dân bị ảnh hưởng trong vùng dự án nhằm trực tiếp nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của người dân. Từ đó, giải quyết các vướng mắc và đẩy nhanh tiến độ bồi thường, hỗ trợ giải phóng mặt bằng để hoàn thành bàn giao toàn bộ mặt bằng giai đoạn 1 (96,1 ha) cho nhà đầu tư trong Quý I/2023, cũng như hoàn thành các thủ tục đầu tư có liên quan nhằm đảm bảo các điều kiện khởi công dự án trong Quý II/2023", ông Minh thông tin.

Theo Ngọc Tân

Nhà đầu tư

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên