Khởi công rồi để không, TP.HCM bế tắc với nhà ở xã hội
Mặc dù đã được khởi công rầm rộ, song kết quả thực tế không như kỳ vọng nên TP.HCM đang loay hoay với bài toán phát triển nhà ở xã hội và dường như đã đi vào bế tắc.
- 24-04-2023Cuộc đua xây nhà ở xã hội bắt đầu
- 24-04-2023Khơi thông điểm nghẽn gói vay mua nhà ở xã hội
- 23-04-2023Vì sao nhiều doanh nghiệp địa ốc 'bẻ lái' làm nhà ở xã hội?
Vào dịp 30/4/2022, TP.HCM đã tổ chức khởi công, động thổ nhiều dự án nhà ở xã hội. Sau đó vài tháng, nhân dịp 2/9, một số dự án nhà ở xã hội khác cũng được tổ chức lễ động thổ. Mặc dù tiến hành rầm rộ là vậy, song kết quả thực tế đã không như kỳ vọng. Có thể thấy, TP.HCM đang loay hoay với bài toán phát triển nhà ở xã hội và dường như đã đi vào bế tắc.
Rầm rộ động thổ, khởi công
Ngày 26/4/2022, tại TP. Thủ Đức, Sở Xây dựng TP.HCM phối hợp tổ chức lễ khởi công dự án nhà ở xã hội phường Long Trường, dự kiến cung cấp khoảng 720 căn hộ. Cùng ngày, tại huyện Bình Chánh cũng diễn ra lễ động thổ dự án nhà ở xã hội thuộc Khu nhà ở Nguyên Sơn, với quy mô 242 căn hộ.
Tiếp đến, ngày 30/8/2022, tại Quận 7, Sở Xây dựng TP.HCM phối hợp tổ chức lễ động thổ dự án nhà ở xã hội MR1 thuộc dự án Khu dân cư Tân Thuận Tây, dự kiến cung cấp khoảng 712 căn hộ. Ngay hôm sau (31/8/2022), tại TP.Thủ Đức, Sở Xây dựng TP.HCM lại tiếp tục phối hợp tiến hành lễ động thổ dự án nhà ở xã hội tại Khu nhà ở phường Phú Hữu với quy mô 764 căn hộ.
Đến thời điểm này, loạt dự án nêu trên đều chưa hoàn thành. Như vậy, quyết tâm của TP.HCM mới chỉ dừng ở ý chí chính trị, còn thực tế đang rất nhiều khó khăn, trở ngại.
Ông Lê Hữu Nghĩa, Giám đốc Công ty Lê Thành - một DN chuyên phát triển nhà ở xã hội cho rằng, vướng mắc đầu tiên là việc điều chỉnh quy hoạch. Dẫn chứng chính dự án của công ty mình, ông Nghĩa cho biết để điều chỉnh từ 12 tầng lên 14 tầng, DN phải mất đến 4 năm. Ngoài ra, thủ tục chấp thuận đầu tư cũng mất rất mất nhiều thời gian.
“Đầu tiên, Sở Quy hoạch – Kiến trúc phải xin ý kiến khoảng 10 Sở, ngành, nhiều khi 6 tháng không thấy Sở, ngành nào trả lời. Như vậy cần phải đột phá chỗ này, làm sao khi Sở này có văn bản thì 15 ngày phải trả lời, nếu không trả lời xem như chấp thuận”, ông Nghĩa nêu.
Một DN khác có nhiều kinh nghiệm phát triển nhà ở xã hội là Tập đoàn Hoàng Quân. Ông Trương Anh Tuấn – Chủ tịch Tập đoàn Hoàng Quân đồng ý rằng thủ tục thực hiện các dự án nhà ở xã hội còn nhiều khó khăn. Với các thủ tục hành chính hiện nay, DN phải mất 5 - 10 năm mới hoàn thành dự án.
Theo ông Tuấn, vấn đề quỹ đất là một khó khăn cho DN, do TP.HCM hiện quỹ đất công không còn nhiều. Ngoài ra, vốn hỗ trợ cũng là trở ngại. Trước đây, khi có gói tín dụng 30.000 tỷ đồng, Tập đoàn Hoàng Quân đã triển khai 10 dự án nhà ở xã hội, cung cấp khoảng 10.000 căn hộ. Đến khi kết thúc gói tín dụng này thì thị trường nhà ở xã hội đi xuống, kéo theo nhiều khó khăn. “Khẩn thiết kiến nghị Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước làm sao để có gói vay với lãi suất khoảng 4,8% và thời hạn tối thiểu khoảng 20 năm. Như vậy, người lao động mới tiếp cận, thực sự mua được nhà ở và tạo động lực để họ phấn đấu”, ông Tuấn nói.
Đề xuất điều chỉnh chỉ tiêu
Giám đốc Sở Xây dựng TP.HCM Trần Hoàng Quân cho biết, thành phố đặt mục tiêu phát triển khoảng 35.000 căn nhà ở xã hội, nhà lưu trú công nhân nhưng đến nay mới có 1 dự án hoàn thành với 260 căn. Trong 18 dự án nhà ở xã hội đăng ký, có 9 dự án khởi công, động thổ nhưng đều vướng chính sách liên quan các luật về nhà ở, đất đai, tài sản công.
Về giải pháp, Sở Xây dựng đang tham mưu UBND TP.HCM phân nhóm dự án và xác định trách nhiệm tháo gỡ của từng sở, ngành. Cụ thể, lĩnh vực đầu tư có 25 khu đất, lĩnh vực tài chính có 12 khu đất, lĩnh vực xây dựng có 11 khu đất, lĩnh vực đất đai có 4 khu đất, giải phóng mặt bằng có 5 khu đất.
“Nếu giải quyết được trên 60 dự án, sản phẩm đưa ra thị trường trong quý II và các quý tiếp theo của năm 2023 sẽ có chuyển động. Đề xuất thành phố nghiên cứu tính toán lại các chỉ tiêu của chương trình phát triển đô thị trong thời gian tới. Mong muốn của chính quyền và DN rất lớn, tuy nhiên nguồn vốn ngân sách gặp nhiều khó khăn”, ông Trần Hoàng Quân cho biết.
TP.HCM là đô thị đặc biệt của cả nước, do đó, để không còn tình trạng loay hoay về nhà ở xã hội, cần thiết có cơ chế đặc thù riêng cho thành phố về lĩnh vực này. Đặc biệt, đây là giai đoạn chuẩn bị thay thế Nghị quyết 54/2017 của Quốc hội, TP.HCM cần nghiên cứu, tính toán để đề xuất thêm các cơ chế về phát triển đô thị./.
VOV