Khởi đầu bấp bênh, giá dầu sẽ diễn biến ra sao trong năm 2020?
Giá dầu thế giới tăng mạnh trong năm 2019, nhưng chỉ trong 3 tuần đầu năm 2020 đã mất đi gần như toàn bộ những thành quả đó. Thị trường đang chịu tác động từ nhiều yếu tố trái chiều, dẫn tới các dự báo cũng có độ chênh lệch lớn.
Năm 2019, giá dầu ngọt nhẹ Mỹ (WTI) đã tăng trên 30%, kết thúc năm 2019 ở mức 60,7 USD/thùng; trong khi đó Brent Biển Bắc tăng trên 20% lên 66,2 USD/thùng. Đó là năm cả 2 loại dầu tăng giá mạnh nhất trong vòng 3 năm. Nguyên nhân chủ yếu do các nước sản xuất dầu lớn cắt giảm nguồn cung và một số sự kiện địa chính trị. Như vậy, mức tăng giá dầu trong năm 2019 nhiều nhất trong vòng 3 năm.
Năm 2020, thị trường dầu thô thế giới được dự báo sẽ chịu tác động từ nhiều yếu tố, trong đó một số mang tính chất rủi ro cao. Có 4 yếu tố khả năng sẽ tác động nhiều đến thị trường dầu mỏ thế giới trong năm nay, đó là:
Nguồn cung
Về lý thuyết, nguồn cung dầu thô thế giới năm 2020 sẽ bị hạn chế do Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ cùng đồng minh (OPEC+) đã nhất trí tiếp tục cắt giảm sản lượng của nhóm, trong đó khối lượng cắt giảm năm nay là 1,7 triệu thùng/ngày, cao hơn 500.000 thùng so với năm 2019. Con số này chiếm tới 1,7% tổng nguồn cung dầu thô toàn cầu, do đó sẽ tiếp tục tác động đáng kể tới thị trường ‘vàng đen’.
Tuy nhiên, nguồn cung từ Mỹ tiếp tục là ‘vật cản’ nỗ lực của OPEC+, bên cạnh đó nguồn cung từ một số nước khác dự báo cũng sẽ tăng lên. Với thành công của công nghệ dầu đá phiến, hiện cung dầu thô của Mỹ đang ở mức trên 12 triệu thùng/ngày, dự báo sẽ tăng thêm khoảng 1 triệu thùng/ngày trong năm nay, lên tổng cộng trên 13 triệu thùng/ngày.
Nhu cầu
Năm 2019, thị trường luôn lo ngại căng thẳng thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc sẽ dẫn tới suy giảm nhu cầu dầu mỏ. Tuy nhiên, ngày 13/1/2020, hai cường quốc lớn nhất thế giới này đã đạt được thỏa thuận Giai đoạn 1, theo đó Bắc Kinh sẽ dành ít nhất 52,4 tỷ USD để mua sản phẩm năng lượng từ Mỹ trong vòng 2 năm tới. Con số đó tương đương mức tăng 18,5 tỷ USD vào năm 2020 và 33,9 tỷ USD vào năm sau đó. Cam kết trên có thể đồng nghĩa Trung Quốc sẽ tăng nhập khẩu dầu thô lên 500.000 thùng/ngày trong năm 2020 và 800.000 thùng/ngày vào năm 2021.
Tuy nhiên, thỏa thuận "Giai đoạn 1" không hề đề cập tới hạn ngạch mua bán cụ thể. Bên cạnh đó, năm 2017 Trung Quốc chỉ nhập khẩu 9,1 tỷ USD năng lượng, và các nhà máy lọc dầu của Trung Quốc hiện chưa được trang bị để xử lý loại dầu thô ngọt nhẹ của Mỹ, do đó con số cam kết với Mỹ ít khả thi. Ngoài ra, giá cả và chi phí vận chuyển sẽ quyết định liệu mức xuất khẩu năng lượng của Mỹ sang Trung Quốc trong hai năm tới có chạm mốc 52,4 tỷ USD hay không.
Cũng tác động tới nhu cầu là tình hình tăng trưởng kinh tế thế giới. Trong 2 năm 2018 - 2019, nền kinh tế thế giới nói chung chịu ảnh hưởng rất lớn của cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung. Dự báo tình hình năm 2020 cũng không khả quan hơn nhiều. Đáng chú ý, kinh tế Trung Quốc năm 2019 tăng trưởng chỉ 6,1%, thấp nhất trong vòng 29 năm, và dự báo sẽ chỉ khoảng 6% trong năm 2020.
Địa chính trị
Trong suốt 100 năm hình thành thị trường dầu thô, địa chính trí là yếu tố luôn ‘nhức nhối’ và khó đoán định. Căng thẳng chính trị giữa Mỹ và Trung Quốc về thương mại, căng thẳng giữa Mỹ và Nga, giữa Mỹ và Iran, Venezuela về chính trị đã kéo dài nhiều năm và chưa có chuyển biến.
Trong thời gian tới, khu vực Trung Đông với trữ lượng dầu mỏ dồi dào dự báo sẽ vẫn là một "điểm nóng" địa chính trị, ảnh hưởng tới tình hình an ninh năng lượng của châu Á. Các quốc gia tiêu thụ dầu lớn nhất ở châu Á - bao gồm Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản và Hàn Quốc - phụ thuộc vào Trung Đông, vì khu vực này cung cấp gần 50% tổng nhu cầu dầu thô của những nước kể trên.
Một cuộc tấn công bằng máy bay không người lái và tên lửa vào các cơ sở dầu mỏ Abqaiq và Khurais của Saudi Arabia hồi tháng 9/2019 đã khiến sản lượng dầu của thế giới sụt giảm khoảng 7%. Mặc dù việc giá dầu thô tăng mạnh đã nhanh chóng "hạ nhiệt" khi Saudi Arabia sử dụng kho dự trữ dầu của nước này để duy trì hoạt động xuất khẩu như bình thường và nhanh chóng sửa chữa các cơ sở sản xuất dầu bị hư hại, song Aramco cảnh báo cơ sở hạ tầng dầu mỏ quan trọng của công ty này rất dễ bị ảnh hưởng bởi những gián đoạn như trên.
Tương tự, các cuộc tấn công vào tàu chở dầu quanh Vịnh Ba Tư vào tháng 5/2019 và tháng 6/2019 đã gây ra những quan ngại nghiêm trọng và từ đó đã đẩy phí bảo hiểm đối với các tàu đi qua khu vực này gia tăng, làm tăng thêm chi phí của các doanh nghiệp dầu mỏ.
Gần đây nhất, hôm 29/12/2019, Mỹ không kích làm thiệt mạng Thiếu tướng Qasem Soleimani, tư lệnh đặc nhiệm Quds của Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC), cùng Abu Mahdi al-Muhandis, phó tư lệnh nhóm dân quân Lực lượng Tổng động viên Iraq (PMU) thân Iran làm bùng phát căng thẳng địa chính trị giữa Mỹ và Iran, đẩy giá dầu tăng mạnh ngay sau đó. Mặc dù cũng giống như mấy lần trên, giá dầu nhanh chóng giảm trở lại, tuy nhiên tình hình Trung Đông thì vẫn còn rất ‘nóng’.
Quy định về tỷ lệ lưu huỳnh
Trong năm 2020, giá dầu thô thế giới sẽ chịu tác động từ quyết định giảm thiểu lượng lưu huỳnh của Tổ chức Hàng hải Quốc tế (IMO) có hiệu lực từ ngày 1/1/2020, theo đó hàm lượng lưu huỳnh với phương tiện hàng hải sẽ giảm từ mức 3,5% xuống còn 0,5%. Quy định này sẽ ảnh hưởng tới cơ cấu sản xuất và lưu chuyển các dòng dầu thô và thông qua đó tác động đến giá dầu. Hiện nay, các dòng dầu thô mà có thể sản xuất sản phẩm có hàm lượng lưu huỳnh thấp được các nhà máy lọc hóa dầu và chế biến sản phẩm dầu khí quan tâm hơn.
Dự báo của các tổ chức về thị trường dầu năm 2020
Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA): IEA cho rằng năm 2020 thị trường dầu mỏ sẽ bị chi phối bởi nguồn cung dồi dào trong khi nhu cầu suy yếu, và hai yếu tố này sẽ tạo áp lực lên giá. Giám đốc điều hành Fatih Birol nhận định, nguồn cung ngoài Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) sẽ tiếp tục mạnh, không chỉ từ Mỹ mà cả Nauy, Canada Guyana và một số quốc gia khác. Trên cơ sở đó, IEA cho rằng giá dầu Brent sẽ vào khoảng 65 USD/thùng.
Cơ quan Thông tin năng lượng Mỹ (EIA): Trong báo cáo Triển vọng năng lượng ngắn hạn cuối năm công bố hồi tháng 12/2019, EIA dự báo giá dầu thô Brent trong năm 2020 sẽ thấp hơn so với mức trung bình của năm 2019 do lượng dầu dự trữ toàn cầu dự báo đang gia tăng, nhất là trong 6 tháng đầu năm 2020. Cụ thể, EIA dự báo giá dầu thô Brent sẽ ở mức trung bình là 61 USD/thùng năm 2020, giảm so với giá trung bình 64 USD/thùng của năm 2019 trong khi giá dầu WTI sẽ là 58,5 USD/thùng trong năm 2020.
Tổ chức các nước Xuất khẩu dầu mỏ: OPEC ngày 15/1/2020 đã nâng mức dự báo tăng trưởng nhu cầu dầu thế giới năm 2020 song lưu ý rằng sản lượng dầu của các quốc gia ngoài khối có thể sẽ tăng nhiều hơn mức cần thiết để đáp ứng khoảng tăng trong nhu cầu.
Cụ thể, OPEC dự báo nhu cầu dầu thô thế giới năm 2020 sẽ tăng khoảng 1,22 triệu thùng/ngày so với mức của năm 2019 (con số này cao hơn mức dự báo trước đó khoảng 140.000 thùng/ngày), từ mức 99,77 triệu thùng/ngày của năm 2019 lên mức 100,98 triệu thùng/ngày trong năm 2020. Cơ sở để điều chỉnh tăng dự báo về nhu cầu là kinh tế toàn cầu năm 2020 được sẽ tăng trưởng cao hơn một chút so với năm 2019.
OPEC cũng nhận định sản xuất dầu thô ở các quốc gia ngoài khối OPEC như Guyana, Mexico và Na Uy cũng sẽ tăng trưởng có thể nhanh hơn mức tăng cầu, theo đó ước tính các quốc gia ngoài khối sẽ nâng sản lượng khoảng 2,35 triệu thùng/ngày lên mức 66,68 triệu thùng/ngày.
Barclays: Ngân hàng Barclay dự báo nhu cầu dầu thô thế giới sẽ tăng thêm 1,4 triệu thùng/ngày trong năm nay, so với mức tăng 900.000 thùng/ngày của năm 2019, do kinh tế toàn cầu hồi phục. Cơ sở dự báo của Barclays là Quỹ Tiền tệ Quốc tế nhận định kinh tế thế giới sẽ tăng trưởng 3,3% trong năm 2020, so với 2,9% năm 2019.
Khảo sát của Reuters: Kết quả thăm dò hơn 9.000 chuyên gia thị trường năng lượng do Reuters tiến hành trong khoảng thời gian 8 - 11/1/2020 cho thấy, giá dầu Brent sẽ đạt trung bình 65 USD/thùng trong 5 năm tới, trong đó năm 2020 là 67 USD/thùng và tăng lên 69 USD/thùng vào năm 2024. Hầu hết các nhà dự báo dự kiến giá trung bình vẫn trong phạm vi 60 tới 75 USD/thùng trong 5 năm tới, và chỉ một số ít người dự báo giá dưới 50 USD hay hơn 90 USD. Chưa tới 5% số người được điều tra cho rằng dầu sẽ đạt trung bình 100 USD hay cao hơn trong năm 2024, giá đó sẽ báo hiệu sức ép lên sản lượng đã từng phổ biến từ năm 2011 tới năm 2014.
Ngược lại, gần 16% người trả lời nghĩ giá sẽ đạt trung bình chưa tới 50 USD/thùng, một dấu hiệu tiêu thụ yếu đi và thị trường trở nên bão hòa một phần do quá trình chuyển đổi từ hệ thống giao thông vận tải dựa trên nhiên liệu dầu.
Khảo sát của CNBC: Kết quả thăm dò do CNBC tiến hành ở các chuyên gia năng lượng trong tuần đầu tiên của tháng 1/2020 cho thấy giá dầu thô có thể lên tới 80 USD/thùng, thậm chí 100 USD/thùng nếu căng thẳng ở Trung Đông nóng lên nữa. James Eginton, chuyên gia phân tích đầu tư tại Tribeca Investment Partners, cho biết động thái đóng cửa hoàn toàn nguồn cung dầu thô ở eo biển Hormuz sẽ kéo giá dầu tăng vọt, có thể đạt 100 USD/thùng. Nằm giữa Iran và Oman, eo biển Hormuz là một tuyến đường thủy hẹp nhưng có tầm quan trọng chiến lược, kết nối các nhà sản xuất dầu thô ở Trung Đông với các thị trường trọng điểm trên toàn thế giới. Năm 2018, dòng chảy dầu hàng ngày tại kênh trung bình đạt 21 triệu thùng/ngày, tương đương với khoảng 21% lượng tiêu thụ dầu mỏ toàn cầu.
Viện Dầu khí Việt Nam: Viện Dầu khí Việt Nam dự báo giá dầu thô Brent sẽ ở mức trung bình 64 USD/thùng. Viện Dầu khí trích dẫn nhận định của nhiều tổ chức quốc tế thì giá dầu thô ở mức từ 60 - 68 USD/thùng sẽ chỉ duy trì trong khoảng 6 tháng đầu năm 2020 bởi một số yếu tố, đặc biệt là việc OPEC tuyên bố cắt giảm sản lượng thêm 500.000 thùng đến hết quý I/2020 và có thể gia hạn sang quý II/2020. Tuy nhiên, 6 tháng cuối năm 2020 sẽ rất khó đoán định với giá dầu thô. Vì vậy, giá dầu thô bình quân năm 2020 sẽ dao động trong khoảng 64 USD/thùng theo mức giá của dầu thô Brent.