Khởi đầu năm, ngành nông nghiệp khó khăn cả về thị trường lẫn giá
SSI cho biết, nhìn sang các quý tiếp theo, nếu thị trường xuất khẩu nông sản không cải thiện, tăng trưởng ngành nông nghiệp sẽ vẫn ở mức thấp.
- 07-03-2019Hà Nội thêm 3 quận huyện có ổ dịch tả lợn châu Phi
- 07-03-2019Nỗi lo trong cơn lốc “vàng đen”
- 06-03-2019Nỗi buồn ngành hàng tỷ đô: 5 năm diện tích trồng tăng gấp 3, "bao" 60% lượng xuất khẩu toàn thế giới, nhưng nay nông dân Việt "cay mắt" khi giá rớt từ 10 USD xuống 2 USD/kg
Theo báo cáo của bộ phận phân tích SSI Retail Research thuộc công ty chứng khoán Sài Gòn (SSI), ngành nông nghiệp trong 2 tháng đầu năm đối mặt với khó khăn về cả thị trường lẫn giá nông sản.
Cụ thể, xuất khẩu các mặt hàng nông sản chủ lực là gạo, rau quả, cà phê đều giảm so với cùng kỳ. Xuất khẩu gạo 2 tháng đầu năm giảm 17,5% so với cùng kỳ năm (cùng kỳ tăng 30,5%), rau quả giảm 14,4% (cùng kỳ tăng 54,6%), cà phê giảm 26,9% (cùng kỳ chỉ giảm 0,5%).
Với gạo và rau quả, việc thị trường lớn nhất là Trung Quốc giảm nhập khẩu đã gây ra khó khăn cho phía Việt nam. Xu hướng xuất khẩu gạo và rau quả sang Trung Quốc đã giảm sút mạnh kể từ cuối năm 2018 và tiếp diễn sang đầu 2019. Xuất khẩu chậm đã kéo giá lúa trong nước giảm xuống chỉ còn khoảng 5.250 đồng/kg với lúa khô tại ĐBSCL, thấp hơn mức trung bình của năm 2017 và 2018 (tương ứng là 5.330 và 6.070 đồng/kg).
Ngoài gạo, giá hàng hóa cũng ảnh hưởng lớn đến kết quả của nhiều mặt hàng nông sản khác. Xuất khẩu hạt tiêu tăng 7,8% về lượng nhưng lại giảm 20,6% về giá trị, xuất khẩu cao su tăng 16,6% về lượng nhưng chỉ tăng 1,3% về giá trị, tương tự hạt điều giảm 2,3% về lượng và giảm 21% về giá trị.
Từ những số liệu trên có thể thấy trước tăng trưởng ngành nông nghiệp trong quý 1 sẽ không khả quan. Việc kinh tế Trung Quốc tăng trưởng chậm lại sẽ còn ảnh hưởng đến các quý tiếp theo nếu không có những đột phá về thị trường xuất khẩu.
Sản lượng ngành thủy sản duy trì được tăng trưởng tương đối khả quan, trong đó ngành thủy sản khai thác có tăng trưởng cao 5,3% (cùng kỳ tăng 1,5%) nhưng ngành thủy sản nuôi trồng gồm tôm và cá tra lại tăng trưởng chậm lại, 3,9% so với cùng kỳ là 4,7%.
Dẫu vậy, giá tôm và cá tra hiện vẫn đang ở mức tốt. Giá cá tra đang ở khoảng 29.000 đồng/kg, xấp xỉ bằng mức trung bình của năm 2018 là 29.500 đồng/kg. Giá tôm hiện dao động trong khoảng 90.000-100.000 đồng/kg, tương đương quý 4/2018 và cao hơn giai đoạn đầu năm 2018 là 80.000-90.000 đồng/kg. Vấn đề tăng trưởng sản lượng thấp trong khi giá ổn định có thể xuất phát từ việc kiểm soát việc gia tăng diện tích nuôi nhằm giữ giá.
Không được tích cực như sản lượng, xuất khẩu thủy sản 2 tháng tăng thấp 2,3%, giảm mạnh so với mức tăng của cùng kỳ là 18,7%. Số liệu xuất khẩu tháng 1 cho thấy sự giảm tốc ở nhiều thị trường lớn như Trung Quốc, Hàn Quốc, Thái lan …. trong khi hai thị trường lớn nhất là Mỹ và Nhật vẫn có mức tăng trưởng cao.
Tình hình chăn nuôi của năm 2019 khởi đầu một cách thuận lợi với việc đàn lợn tăng 3% và gia cầm tăng 6%. Sản lượng thức ăn chăn nuôi 2 tháng đầu năm 2019 đã tăng 4% so với cùng kỳ năm trong khi cùng kỳ giảm 1,1%. Dịch tả lợn Châu Phi ở một số tỉnh miền Bắc khiến giá lợn neo ở mức trên 50.000 đồng/kg và kích thích người nuôi tăng đàn. Nguy cơ dịch bệnh ảnh hưởng đến lạm phát không lớn vì nguồn cung vẫn đang gia tăng trong khi dịch bệnh có thể kiểm soát và giá lợn tại Trung Quốc đang trong xu hướng giảm.
SSI Retail Reseach cho biết, nhìn sang các quý tiếp theo, nếu thị trường xuất khẩu nông sản không cải thiện, tăng trưởng ngành nông nghiệp sẽ vẫn ở mức thấp.