Khối ngân hàng nào “bơm” tiền mạnh nhất vào nền kinh tế?
Vẫn là những ngân hàng thương mại Nhà nước thực hiện nhiệm vụ bơm tiền ra nền kinh tế nhiều nhất, tỷ lệ cấp tín dụng trên vốn huy động luôn trên 90%.
Số liệu từ Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho thấy tỷ lệ cấp tín dụng trên tổng vốn huy động toàn ngành ngân hàng tính đến hết tháng 10/2018 ở mức 88,19%. Đây cũng là tỷ lệ duy trì từ đầu năm đến tháng 10/2018.
Trong đó, khối ngân hàng thương mại Nhà nước tỷ lệ này là 95,3%; khối ngân hàng thương mại cổ phần gần 82,1%; khối ngân hàng liên doanh nước ngoài khoảng 59%; khối công ty tài chính, cho thuê tài chính lên tới 263%; khối tổ chức tín dụng hợp tác 104% trên tổng vốn huy động được.
Nguồn: NHNN
Các ngân hàng thuơng mại Nhà nước, chủ yếu là 4 "ông lớn": BIDV, Agribank, Vietcombank, Vietinbank chiếm khoảng 50% thị phần tín dụng vẫn là những ngân hàng "bơm" tiền chủ lực ra nền kinh tế, tỷ lệ cấp tín dụng rất cao luôn trên mức 90% trên tổng nguồn vốn huy động được.
Thống kê từ Ngân hàng Nhà nước về dư nợ tín dụng toàn ngành ngân hàng đối với nền kinh tế tính đến tháng 7/2018 tăng 8,1% so với cuối năm 2017 và đạt 6,84 triệu tỷ đồng.
Tương ứng, tính đến tháng 7/2018, tỷ lệ cấp tín dụng trên tổng vốn huy động toàn ngành ngân hàng ở mức 87,57% cho thấy tổng nguồn vốn huy động ước đạt 7,81 triệu tỷ đồng.
Tương ứng với tháng 7/2018, tổng phương tiện thanh toán ước đạt 8,84 triệu tỷ đồng, tăng 7,93% so với cuối năm 2017.
Theo TS. Nguyễn Thị Kim Thanh, Nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược, Ngân hàng Nhà nước, từ lý thuyết đến thực tế đều cho thấy có 3 nhân tố chính làm tăng tổng phương tiện thanh toán. Đó là tốc độ tăng tín dụng nền kinh tế, dự trữ ngoại tệ tăng và net (tiền Chính phủ vay hệ thống ngân hàng và tiền gửi Chính phủ tại hệ thống ngân hàng) cho vay Chính phủ ròng. Trong đó, tác động của tín dụng là mạnh nhất vì tín dụng chiếm tỷ trọng lớn trong tổng phương tiện thanh toán khoảng 70 - 77% .
Tính đến tháng 7/2018, tăng trưởng tín dụng đạt 8,1%, tăng trưởng tổng phương tiện thanh toán đạt 7,93% cho thấy những năm gần đây, NHNN đang có xu hướng điều chỉnh tốc độ tăng trưởng tín dụng về ngang bằng với tốc độ tăng tổng phương tiện thanh toán, giảm áp lực vốn lên hệ thống ngân hàng. Chẳng hạn, năm 2018, NHNN có kế hoạch tăng tín dụng 17%, tăng tổng phương tiện thanh toán 16%. Năm 2017, NHNN có định hướng dư nợ tín dụng tăng khoảng 18%, tổng phương tiện thanh toán tăng khoảng 16-18%...
Tuy nhiên, áp lực vốn lên hệ thống ngân hàng vẫn rất lớn khi có đến 80% lượng trái phiếu Chính phủ phát hành do các ngân hàng nắm giữ, theo bà Nguyễn Thị Hồng, Phó Thống đốc NHNN tại Diễn đàn Kinh tế Việt Nam 2018 (tháng 8/2018).
Với nguồn vốn được cung cấp cho nền kinh tế chủ yếu đến từ hệ thống ngân hàng khiến cho quy mô tín dụng cho nền kinh tế so với tổng thu nhập quốc dân (GDP) tại Việt Nam thuộc hàng cao so với các nước tương đương.
Số liệu của Tổng Cục thống kê cho biết, năm 2018 tăng trưởng GDP đạt 7,08%, tương ứng quy mô nền kinh tế ở mức 5,535 triệu tỷ đồng. Ước tính năm 2018, tín dụng toàn ngành ngân hàng tăng trưởng 15 - 16% so với năm 2017, tương ứng quy mô tín dụng khoảng 7,55 triệu tỷ đồng.
So sánh với quy mô nền kinh tế cuối năm 2018, quy mô tín dụng đang ở mức 135% GDP, lớn hơn nhiều so với quy mô vốn hóa của thị trường chứng khoán (bằng khoảng 70% GDP), thị trường trái phiếu doanh nghiệp (1,25% GDP) và thị trường trái phiếu chính phủ (20% GDP). Như vậy, ngân hàng vẫn là kênh “bơm” vốn chủ lực vào nền kinh tế và nguồn vốn lớn nhất vẫn từ 4 "ông lớn" ngân hàng thương mại Nhà nước.
BizLive