Khối ngoại đua nhau gom cổ phiếu ngân hàng, mã nào tăng giá mạnh nhất tuần qua?
Có tới 21 cổ phiếu ngân hàng tăng giá trong tuần qua, trong đó mã tăng mạnh nhất 10,4%. Đáng chú ý, khối ngoại có động thái gom mạnh nhiều cổ phiếu ngân hàng.
- 26-05-2022Triển vọng nào cho ngành ngân hàng và "cổ phiếu vua" thời gian tới?
- 25-05-2022Cổ phiếu ngân hàng ngập trong sắc xanh, SHB và VPB tăng hơn 5%, một mã được khối ngoại mua ròng phiên thứ 9 liên tiếp
Thị trường chứng khoán tiếp tục có tuần giao dịch tích cực, chỉ số VNIndex đóng cửa tuần này (23-27/5/2022) ở mức 1.285,45 điểm, tương đương tăng 3,61% so với tuần giao dịch trước.
Nhóm cổ phiếu ngân hàng có nhiều điểm sáng khi trong 27 mã đang giao dịch trên sàn chứng khoán thì có 21 mã tăng giá tuần qua, chỉ 1 mã giữ nguyên và 5 mã còn lại giảm nhẹ.
EIB là cổ phiếu bank tăng mạnh nhất, đóng cửa ở giá 34.100 đồng/cp, tăng 10,4% so với tuần trước. EIB tăng mạnh nhất ngành phiên 27/5 (tăng 4,9%) khi ngân hàng tổ chức thành công đại hội đồng cổ đông thường niên và thông qua nhiều nội dung quan trọng. Trong đó, EIB đã thông qua kế hoạch tăng vốn điều lệ bằng chia cổ tức bằng cổ phiếu tỷ lệ 20%. Đây là lần đầu tiên ngân hàng trả cổ tức sau 8 năm không chia.
Đáng chú ý, tại đại hội, Chủ tịch Eximbank Lương Thị Cẩm Tú cho hay, những mâu thuẫn nội bộ của ngân hàng đã kết thúc ở nhiệm kỳ VI. Còn ở nhiệm kỳ hiện tại, Hội đồng quản trị đề ra mục tiêu đặt lợi ích cổ đông và phát triển ngân hàng lên hàng đầu.
Sau EIB, các cổ phiếu ngân hàng tăng mạnh tiếp theo là ACB (9,5%), MSB (6,2%), HDB (6%),… Các cổ phiếu lớn cũng tăng giá mạnh như TCB (4,9%), CTG (4,2%), MBB (3,7%), VCB (2,8%), BID (2,3%),…
Chỉ có 5 cổ phiếu bank giảm giá tuần qua là NVB (-1,4%), KLB (-1,1%), SSB (-0,7%), SGB (-0,7%), BAB (-0,5%).
Thanh khoản thị trường nói chung và nhóm ngân hàng nói riêng có sự cải thiện so với tuần trước đó. Hơn 410 triệu cổ phiếu ngân hàng được giao dịch tuần qua, giá trị hơn 10.200 tỷ đồng. STB dẫn đầu với gần 100 triệu cổ phiếu được khớp lệnh, tiếp theo là VPB (53 triệu cp), SHB (50 triệu cp),…
Về giao dịch khối ngoại, nhà đầu tư nước ngoài bán ròng 280 tỷ đồng trên toàn thị trường. Tuy nhiên, khối ngoại lại có động thái gom mạnh cổ phiếu ngân hàng khi mua ròng hơn 10,6 triệu cổ phiếu.
Trong đó, HDB dẫn đầu với hơn 3,9 triệu đơn vị được khối ngoại mua ròng. Cổ phiếu này ghi nhận chuỗi 11 phiên liên tiếp mua ròng với tổng hơn 182 tỷ đồng. HDB cũng là một trong 5 cổ phiếu ngân hàng tăng giá mạnh nhất tuần qua (tăng 6%).
Sau thời gian "miệt mài" gom vào, khối ngoại đã nâng sở hữu lên hơn 330,7 triệu cổ phiếu HDB, tương đương 16,32% vốn cổ phần ngân hàng. Hiện HDBank chốt "room" ngoại ở mức 21,5%, tương đương hơn 435,8 triệu cp. Như vậy, nhà đầu tư nước ngoài được phép nắm giữ thêm hơn 105 triệu cp HDB.
Ngoài HDB còn có 15 cổ phiếu ngân hàng khác được mua ròng trong tuần qua. Các mã được gom mạnh nhất gồm có CTG (khối ngoại mua ròng hơn 2,8 triệu cp), STB (hơn 2,4 triệu cp), VCB (hơn 1,1 triệu cp),…
Ở chiều ngược lại, nhà đầu tư nước ngoài bán ròng LPB (hơn 400.000 cp), BID (hơn 133.000 cp), MBB (50.700 cp),…
Ngành ngân hàng có một số thông tin quan trọng được công bố trong tuần qua. Thông tin tại Hội nghị trực tuyến toàn Ngành triển khai chương trình hỗ trợ lãi suất 2% diễn ra vào sáng 27,5, Phó Thống đốc Thường trực NHNN Đào Minh Tú cho biết, tính đến 20/5/2022 tín dụng đạt trên 11 triệu tỷ đồng, tăng 7,66% so với cuối năm 2021 và gấp đôi cùng kỳ năm trước.
Cũng tại cuộc họp, nhiều ngân hàng cho biết nhu cầu tăng trưởng tín dụng cao và xin Ngân hàng Nhà nước nới "room" tín dụng thời gian tới. Liên quan đến vấn đề nới room tín dụng, Phó Thống đốc Đào Minh Tú cho biết ngay từ khi phân bổ room tín dụng kỳ đầu tiên, NHNN đã nhận thấy tín dụng năm nay sẽ tăng mạnh hơn năm trước rất nhiều. Tuy nhiên, điều quan trọng là kiểm soát tăng trưởng tín dụng ở mức độ nào để kiểm soát lạm phát.
Đáng chú ý, về tín dụng các lĩnh vực rủi ro, Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú khẳng định, NHNN chưa bao giờ đưa thông điệp siết tín dụng vào bất động sản, chứng khoán. Xuyên suốt quan điểm của đơn vị này là kiểm soát tín dụng vào lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro cao, trong đó có một số phân khúc của bất động sản và chứng khoán.