MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Khối ngoại gom mạnh 2 cổ phiếu ngân hàng tuần qua, trong khi "xả" ròng hơn 7 triệu cp LPB

19-03-2022 - 09:38 AM | Tài chính - ngân hàng

Khối ngoại gom mạnh 2 cổ phiếu ngân hàng tuần qua, trong khi "xả" ròng hơn 7 triệu cp LPB

Cổ phiếu ngân hàng tuần qua (14-18/3) diễn biến khá tích cực, sau 2 phiên "đỏ lửa" 14-15/3, nhóm ngành này đã đồng loạt tăng trong 3 phiên cuối tuần.

Trong 27 cổ phiếu ngân hàng đang giao dịch trên sàn chứng khoán, chỉ 2 mã giảm giá trong tuần qua. Trong đó, VBB giảm mạnh nhất (-2,4%), VPB giảm nhẹ (-0,4%).

Trong khi đó có 23 mã tăng giá, có mã tăng tới 23% trong tuần qua. KLB có tới 2 phiên đều tăng kịch trần 15% đầu tuần với thanh khoản tăng mạnh giữa lúc toàn thị trường đi xuống. Tuy nhiên, khi các cổ phiếu ngân hàng khác phục hồi trong ngày 17-18/3 thì KLB lại quay đầu giảm mạnh. Theo đó, đóng cửa tuần này, giá cổ phiếu KLB đứng ở mức 36.800 đồng/cp, tăng 23% so với tuần trước. 

Các cổ phiếu tăng mạnh tiếp theo là NVB (7,8%), BID 94,9%), STB (3,3%), SHB (2,9%), NVB (2,6%),…

Khối lượng khớp lệnh cổ phiếu ngân hàng không có nhiều đột biến trong tuần này. Trong khi ở phương thức thoả thuận có một số mã đáng chú ý. LPB ghi nhận gần 47 triệu cp trị giá hơn 1.000 tỷ đồng được trao tay theo phương thức thoả thuận phiên 16/3. Cũng trong ngày 16/3, MSB có hơn 9,4 triệu cp được giao dịch theo phương thức này. 

Khối ngoại giao dịch khá sôi nổi các cổ phiếu bank như LPB, STB, CTG, HDB,.... Trong đó, nhà đầu tư nước ngoài "xả" mạnh LPB khi bán ra 9,4 triệu cp nhưng mua vào chỉ 2,4 triệu cp, tức bán ròng hơn 7 triệu đơn vị tuần qua. 

Ngược lại, nước ngoài lại gom mạnh STB, CTG. Cụ thể, khối ngoại đã mua hơn 25,4 triệu cp STB, trong khi chỉ bán ra hơn 9 triệu cp, tương đương mua ròng hơn 16,3 triệu cp STB trong tuần qua, giá trị hơn 563 tỷ đồng. CTG cũng được mua ròng hơn 3 triệu đơn vị, giá trị gần 100 tỷ đồng. 

Mới đây, ngân hàng đầu tư toàn cầu Credit Suisse vừa có báo cáo đánh giá về ngành ngân hàng Việt Nam với nhận định giá cổ phiếu hiện vẫn còn rất rẻ so với khu vực khi xét về hiệu quả kinh doanh. Trong báo cáo, định chế tài chính hàng đầu này đã gọi tên 6 ngân hàng tiềm năng và nổi bật nhất trong ngành ngân hàng là Vietcombank, Techcombank, VPBank, MB, ACB và VIB. Tại báo cáo lần này, Credit Suisse đưa ra giá mục tiêu cho cổ phiếu VIB ở mức 70.000 đồng, tương đương upside tăng giá hơn 60%.

Tuần qua, VIB đã tổ chức họp Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2022. Theo đó, cổ đông nhà băng này đã thông qua kế hoạch tăng vốn điều lệ lên trên 21.000 tỷ đồng thông qua việc chia cổ phiếu thưởng tỷ lệ 35% cho cổ đông hiện hữu và và 0,7% cho cán bộ nhân viên từ nguồn vốn chủ sở hữu. Năm 2022, VIB đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế đạt tới 10.500 tỷ đồng, tăng 31% so với năm 2021.

Một số ngân hàng cũng đã công bố tài liệu họp ĐHĐCĐ với các kế hoạch lớn trong năm 2022. Trong đó, ACB đặt mục tiêu tổng tài sản tăng 11% lên 588.187 tỷ đồng. Tiền gửi của khách hàng tăng 11% lên 421.897 tỷ đồng. Dư nợ cho vay khách hàng dự kiến tăng 10% lên 398.299 tỷ đồng theo chỉ tiêu được Ngân hàng Nhà nước giao hồi đầu năm. Ngân hàng cũng đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế năm 2022 tăng 25% lên 15.018 tỷ đồng. Tỷ lệ nợ xấu kiểm soát dưới 2%.

Năm nay, ACB dự kiến phát hành hơn 675 triệu cổ phiếu để trả cổ tức cho cổ đông, tương đương tỷ lệ chia là 25%. Thời gian dự kiến hoàn thành trong quý 3 năm nay.

Khối ngoại gom mạnh 2 cổ phiếu ngân hàng tuần qua, trong khi xả ròng hơn 7 triệu cp LPB - Ảnh 1.
https://cafef.vn/khoi-ngoai-gom-manh-2-co-phieu-ngan-hang-tuan-qua-trong-khi-xa-rong-hon-7-trieu-cp-lpb-20220319093803911.chn

Thu Thuỷ

Doanh Nghiệp Tiếp Thị

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên