MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Khối ngoại mua bán ra sao ở các thị trường chứng khoán khu vực châu Á trong tháng 11?

Khối ngoại mua bán ra sao ở các thị trường chứng khoán khu vực châu Á trong tháng 11?

Chứng khoán châu Á chứng kiến dòng vốn vào dòng trong tháng 11 khi nhu cầu đối với các sản phẩm bán dẫn thúc đẩy nhà đầu tư nước ngoài mua vào tại thị trường Hàn Quốc và Đài Loan, mặc dù vẫn có những lo ngại về sự phục hồi trong bối cảnh lây lan của biến thể Omicron hạn chế dòng vốn vào khu vực.

Thị trường châu Á có tháng được nhà đầu tư nước ngoài mua ròng trở lại

Các nhà đầu tư nước ngoài trong tháng trước đã mua ròng cổ phiếu trị giá 2,04 tỷ USD ở các thị trường Hàn Quốc, Đài Loan, Philippines, Việt Nam, Indonesia và Ấn Độ, so với mức bán ròng 6,05 tỷ USD trong tháng 10.

Cổ phiếu của Hàn Quốc và Đài Loan lần lượt thu hút dòng vốn đầu tư giá trị 3,04 tỷ USD và 676 triệu USD. 

Xuất khẩu Hàn Quốc trong tháng 11 tăng với tốc độ nhanh nhất trong 3 tháng do sự phục hồi của các đối tác thương mại lớn với nước này sau đại dịch. Trong khi, xuất khẩu của Đài Loan tăng lên mức cao mới trong tháng 10. 

Cổ phiếu Philippines cũng chứng kiến dòng vốn vào ròng 5 triệu USD. 

Theo chuyên gia phân tích, dòng vốn vào Hàn Quốc và Đài Loan có thể được củng cố bởi sự phục hồi trong ngành bán dẫn. 

Tuy nhiên, thị trường chứng khoán khu vực phải đối mặt với những con gió ngược vào cuối tháng khi biến thể Omicron lan rộng gây ra những bất ổn với kinh tế toàn cầu. 

Nhà đầu tư nước ngoài đã bán ròng lượng cổ phiếu Ấn Độ trị giá 790 triệu USD, đánh dấu tháng thứ hai liên tiếp. Chứng khoán Việt Nam bị bán ròng tháng thứ tư liên tiếp, trị giá 393 triệu USD.

Cổ phiếu của Thái Lan và Indonesia cũng bị bán ròng lần lượt 300 triệu USD và 204 triệu USD. 

Khối ngoại mua bán ra sao ở các thị trường chứng khoán khu vực châu Á trong tháng 11? - Ảnh 1.

Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) có khả năng sẽ đẩy nhanh chương trình mua trái phiếu và nâng lãi suất ngay từ giữa năm 2022 để giải quyết các vấn đề tăng trưởng việc làm đình trệ cũng như rủi ro lạm phát. 

Khối ngoại bán ròng 2,5 tỷ USD tại thị trường Việt Nam kể từ đầu năm 

Theo báo cáo cập nhật dòng vốn của CTCP Chứng khoán SSI, trong tháng 11, khối ngoại đã bán ròng 14/22 ngày với giá trị bản ròng lớn nhất lên tới 2.000 tỷ đồng. Tổng lượng bán ròng tại thị trường Việt Nam trong 11 tháng đầu năm là 57.700 tỷ đồng (2,5 tỷ USD), cao hơn nhiều so với mức cùng kỳ năm ngoái chỉ hơn 16.000 tỷ đồng. 

Khối ngoại mua bán ra sao ở các thị trường chứng khoán khu vực châu Á trong tháng 11? - Ảnh 2.
Khối ngoại mua bán ra sao ở các thị trường chứng khoán khu vực châu Á trong tháng 11? - Ảnh 3.

Báo cáo của SSI Research

Dòng tiền từ các quỹ chủ động và ETF đều có giao dịch tương đối cân bằng trong 3 tuần đầu tiên của tháng 11, sau đó rút ròng vào 2 tuần cuối tháng. 

Trái ngược với kỳ vọng, xu hướng rút vốn của các quỹ ETF và các quỹ chủ động chưa có nhiều cải thiện trong tháng 11, mặc dù hoạt động sản xuất đã được khôi phục trở lại và nền kinh tế đang từng bước quay lại trạng thái bình thường mới. 

Bên cạnh đó, lý do khách quan đến từ việc FED phát tín hiệu có thể thắt chặt sớm hơn kỳ vọng khiến dòng tiền rút ra khỏi thị trường mới nổi. Lý do chủ quan đến từ việc đồng VND tương đối mạnh so với các đồng tiền khác trong khu vực (tăng 1,6% so với USD) và tỷ trọng các nhóm ngành trong thị trường chứng khoán Việt Nam chưa đa dạng và bị giới hạn về tỷ lệ sở hữu nước ngoài. Hầu hết doanh nghiệp niêm yết tại Việt Nam thuộc các lĩnh vực tài chính, bất động sản; trong khi những ngành hút dòng tiền mạnh trên thế giới như công nghệ, bán lẻ, y tế, giáo dục không có nhiều lựa chọn và bị giới hạn sở hữu nước ngoài. 

Đông A

Nhịp sống kinh tế

Trở lên trên