MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Khôi phục ‘mạch máu’ hàng không sau dịch

Trong khi Hàng không thế giới vẫn đang “đóng băng” do ảnh hưởng của dịch COVID-19 thì Hàng không Việt Nam bắt đầu khởi động khai thác các đường bay nội địa, chủ động phương án khôi phục hồi các đường bay quốc tế sau thời gian giãn cách xã hội để phục hồi thị trường vận tải hàng không, bù đắp lợi nhuận “đắp chiếu” những tháng qua và góp phần vực dậy nền kinh tế theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

Phục hồi thị trường nội địa

Tại phiên trực tuyến Chính phủ thường kỳ tháng 4/2020, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã nhấn mạnh, việc khôi phục lại hoạt động sản xuất, kinh doanh của các ngành kinh tế mũi nhọn, trong đó có ngành Hàng không là mục tiêu hàng đầu để vực dậy nền kinh tế của quốc gia.

Còn tại Hội nghị Thủ tướng Chính phủ với doanh nghiệp lần thứ 4 (ngày 9/5), các hãng hàng không Việt Nam đã đón nhận tin vui khi Bộ Giao thông vận tải (GTVT) cho phép khôi phục toàn bộ hoạt động vận tải khách nội địa kể từ ngày 8/5.

Khôi phục ‘mạch máu’ hàng không sau dịch - Ảnh 1.

Các hàng hàng không nội địa đang tập trung khôi phục lại thị trường. Ảnh: Huy Hùng/TTXVN.

Những thông tin này đồng nghĩa với việc gỡ bỏ các quy định về giới hạn số lượng khai thác tại các đường bay, giãn cách trên máy bay, giúp các hãng hàng không bình thường hóa tất cả các hoạt động khai thác thương mại tại thị trường nội địa. “Ngành hàng không đã được hưởng lợi lớn, trực tiếp từ thành tựu chống COVID-19 của Chính phủ. Việc được khai thác các đường bay nội địa như trước thời điểm dịch bùng phát sẽ giúp các hãng sớm gia tăng dòng tiền, từ đó từng bước vượt quá khó khăn”, ông Đinh Việt Thắng, Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam (Bộ GTVT) đánh giá.

Theo thống kê của Cục hàng không Việt Nam, những tháng đầu năm 2020, ảnh hưởng của dịch COVID-19 đã khiến ngành Hàng không là một trong những ngành kinh tế chịu tổn thất nặng nề nhất, với ước tính có thể lên đến con số hơn 40.000 tỷ đồng.

Ngay sau khi có quyết định khôi phục lại thị trường nội địa, các hãng hàng không đã lập tức công bố kế hoạch nối lại các đường bay trong nước theo sự điều hành của Bộ GTVT, Cục Hàng không Việt Nam từ ngày 1/6.

Cụ thể, từ ngày 1/6, Bamboo Airways tăng số lượng chuyến bay Hà Nội-TP HCM lên 16 chuyến bay/ngày bằng dòng máy bay thân rộng Boeing 787-9 Dreamliner, đáp ứng nhu cầu đi lại của du khách dịp cao điểm hè sắp tới trong khung giờ từ 0 giờ 5 phút đến 23 giờ 50 phút, trung bình khoảng 2 tiếng có một chuyến bay/chặng vào tất cả các ngày trong tuần; đồng thời, tung nhiều gói hỗ trợ hành khách như: Thẻ Bamboo Pass Unlimited phục vụ khách hàng có nhu cầu di chuyển nhiều lần bằng máy bay; thẻ không định danh Bamboo Pass Dynamic cho phép khách hàng dễ dàng mua vé và được truy cập sớm các chương trình khuyến mãi lên tới 80% giá vé; thẻ Bamboo Pass Business dành riêng cho khách hàng bay hạng thương gia để tối ưu chi phí mua vé máy bay; thẻ không định danh Bamboo Pass Holiday cho khách hàng mua vé máy bay theo gói sử dụng trong suốt 2 năm, với mức ưu đãi tới 30% so với giá vé thông thường…

Vietjet dành tặng hơn 2 triệu vé siêu tiết kiệm với giá chỉ từ 1.600 đồng (chưa bao gồm thuế, phí) áp dụng cho tất cả 45 đường bay nội địa phủ khắp Việt Nam với hơn 300 chuyến bay xanh/ngày. Đây là món quà Vietjet dành tặng cho các bé và gia đình cùng nhau trải nghiệm mùa hè vui tươi, kết nối yêu thương trên mọi miền đất nước.

Từ ngày 16/5, Vietnam Airlines tăng tần suất lên 23 chuyến/ngày trên đường bay Hà Nội-TP HCM, tăng lên 8 chuyến/ngày trên các đường bay giữa Đà Nẵng và Hà Nội, TP HCM, tăng 6-7 chuyến/ngày giữa TP HCM-Phú Quốc… Dự kiến, đến tháng 6/2020, Vietnam Airlines phục hồi toàn bộ mạng bay nội địa sau khi khai thác trở lại hai đường bay giữa Đà Nẵng và Vân Đồn, Cần Thơ...

Cần thêm chính sách hỗ trợ

Theo Cục Hàng không Việt Nam, sau khi Chính phủ cho phép hoạt động vận tải khách trở lại bình thường, tại thị trường nội địa, các hãng hàng không Việt Nam sẽ chỉ cần khoảng 1 tháng để cơ bản phục hồi toàn bộ mạng đường bay cũng như tần suất khai thác, kịp phục vụ cao điểm hè 2020.

Khôi phục ‘mạch máu’ hàng không sau dịch - Ảnh 2.

Từ ngày 1/6, Bamboo Airways tăng 16 chuyến bay Hà Nội-TP HCM. Ảnh: Bamboo Airways.

Thách thức lớn nhất của ngành Hàng không hiện nay vẫn là toàn bộ đường bay quốc tế đang bị “đóng băng”, chưa thể xác định rõ thời gian bay trở lại khi tình hình COVID-19 vẫn phức tạp tại nhiều quốc gia điểm đến của hàng không Việt. Đơn cử như các đường bay quốc tế kết nối thị trường Đông Bắc Á: Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan… đóng góp doanh thu, lợi nhuận chủ yếu cho các hãng hàng không trong nước.

Để tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp hàng không, theo chỉ đạo của Thủ tướng, Bộ GTVT đang khẩn trương phối hợp với Bộ Tài chính hoàn thiện dự thảo Thông tư quy định về phí, lệ phí trong lĩnh vực hàng không, giảm phí để hỗ trợ đối tượng chịu ảnh hưởng dịch bệnh.

Trước đó, Bộ GTVT cũng đề nghị Chính phủ sớm ban hành chính sách áp dụng chung trong lĩnh vực hàng không như cho phép các cơ quan, đơn vị được giảm thuế, giãn thời hạn nộp thuế và các khoản đóng góp ngân sách (thuế thu nhập doanh nghiệp, thu nhập cá nhân, phí, lệ phí trong lĩnh vực hàng không) cho toàn bộ các nghĩa vụ phát sinh từ ngày 23/1/2020 đến ngày 31/12/2020 hoặc liền kề 90 ngày sau khi Thủ tướng Chính phủ công bố hết dịch, tùy thời điểm muộn hơn.

Đối với các hãng hàng không Việt Nam, Bộ GTVT kiến nghị Thủ tướng xem xét miễn thuế nhập khẩu, thuế bảo vệ môi trường đối với nhiên liệu bay từ ngày 23/1/2020 đến ngày 31/12/2020 hoặc liền kề 90 ngày sau khi Thủ tướng công bố hết dịch... Trong khi đó, các hãng hàng không kiến nghị tới các cơ quan chức năng xem xét miễn phí sử dụng sân đỗ từ ngày 1/3/2020 đến hết ngày 31/12/2020, nhằm giảm bớt khó khăn cho doanh nghiệp.

Từ những tín hiệu tích cực khi “mở cửa bầu trời, “mạch máu” giao thông đang dần được khơi thông. Hy vọng với sự nỗ lực trở lại của ngành Hàng không, nền kinh tế Việt Nam sẽ tiếp tục bứt phá.

Theo Vân Sơn

Báo Tin tức

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên