Không ai đăng ký mua, SCIC huỷ đợt đấu giá trọn lô 36,3% vốn Vocarimex
Về cơ cấu sở hữu của Vocarimex (VOC) hiện tại, Tập đoàn KIDO là công ty mẹ nắm giữ 51%, tiếp đến là SCIC sở hữu 36,3% vốn.
Tổng Công ty Đầu tư Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) vừa thông báo hủy bán đấu giá trọn lô hơn 44,2 triệu cổ phiếu Tổng Công ty Công nghiệp Dầu thực vật Việt Nam (Vocarimex, UPCoM: VOC), tương đương với 36,3% vốn vào ngày 15/8 đến đây.
Nguyên nhân, đến hết thời hạn đăng ký và đặt cọc (16 giờ 00 ngày 14/8/2019) không có nhà đầu tư nào đăng ký tham dự đấu giá.
Theo kế hoạch trước đó, SCIC đưa ra giá khởi điểm 22.300 đồng/cp, tương ứng tổng số tiền thu về xấp xỉ 986 tỷ đồng. Mức giá này cao hơn 34% thị giá hiện nay của cổ phiếu VOC, ghi nhận những tháng trở lại đây mã này tăng tương đối tốt, chốt phiên 26/7 tại mức 16.600 đồng/cp.
Về Vocarimex, Công ty được thành lập năm 1992 với tên gọi Công ty Dầu thực vật Hương liệu Mỹ phẩm Việt Nam, hoạt động chính là kinh doanh dầu mỡ động thực vật, hương liệu, mỹ phẩm... Hiện tại, Công ty có vốn điều lệ 1.218 tỷ đồng, bao gồm 1 công ty con là CTCP Bao bì Dầu Thực vật (VPK) và 4 công ty liên kết gồm Dầu thực vật Cái Lân, Dầu thực vật Tường An, Mỹ phẩm LG Vina, Dầu ăn Golden Hope Nhà Bè.
Tập đoàn KIDO là công ty mẹ nắm giữ 51%, tiếp đến là SCIC sở hữu 36,3% vốn.
Năm 2018, Vocarimex đạt doanh thu ở 4,357 tỷ đồng, xấp xỉ năm trước nhưng lãi ròng giảm 12% về 280 tỷ đồng. Năm qua dưới sự tác động của chiến tranh thương mại Mỹ - Trung, Cục dự trữ liên bang (FED) có nhiều biện pháp thắt chặt tiền tệ, tỷ giá USD/VND leo thang, kéo theo sự giảm sâu và đột ngột của giá nguyên liệu đầu vào như dầu cọ giảm 21%, dầu nành giảm 16%, khiến các doanh nghiệp dầu nói chung và Vocarimex nói riêng đối diện nhiều khó khăn trong năm 2018.
Công ty đã tiến hành dịch chuyển từ cung cấp nguyên liệu thô, dầu ăn thương mại sang nhà cung cấp các sản phẩm dầu công thức chuyên biệt cho các doanh nghiệp sản xuất, đồng thời mở rộng sang xuất khẩu.
Đặt kế hoạch cho năm 2019, Vocarimex dự kiến tiếp tục dịch chuyển ngàng hàng, hoàn thiện chuỗi cung ứng, khai thác lợi thế về mối quan hệ với các doanh nghiệp trong lĩnh vực thực phẩm… Trong đó, với kênh thương mại vẫn duy trì, tuy nhiên Công ty sẽ tích cực chuyển sang lĩnh vực dầu cho kênh công nghiệp cũng như xuất khẩu. Hiện, kênh công nghiệp chiếm hơn 1/3 quy mô ngành (15.000 tỷ đồng) và tiếp tục tăng trưởng do sự mở rộng của các doanh nghiệp FMCG. Kênh xuất khẩu Vocarimex đang xuất sang các quốc gia như NewZealand, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc…
Kết thúc 6 tháng năm 2019, doanh thu Vocarimex giảm 39% còn 1.320 tỷ, tương ứng thu về lãi ròng 105 tỷ, giảm gần 30% so với cùng kỳ năm 2018.
Trí Thức Trẻ