"Không ai giàu 3 họ" nhưng gia tộc bí ẩn này đã hưng thịnh 5 đời nhờ bán bánh kẹo suốt trăm năm qua, "cá kiếm" nhiều thứ 2 thế giới nhưng kín tiếng vô cùng
Dù đứng thứ hai thế giới về độ giàu có nhưng gia tộc Mars lại ít được biết đến, vì sống quá kín tiếng suốt hơn trăm năm qua.
- 01-12-2021Vụ thắng kiện "trái khoáy" nhất lịch sử: Tự mở công ty, tự thuê bản thân, rồi tự kiện chính mình để lấy 120.000 USD
- 24-11-2021Thủ khoa nghèo và công tử giàu cùng được số phận ưu ái nhưng đều vấp ngã không thể gượng dậy: Chẳng phải gia cảnh, đây mới là thứ quyết định liệu bạn có "chìm" khi gặp "bão"
- 22-11-2021Của ăn của để đủ sống 3 đời nhưng tại sao người giàu vẫn muốn mình giàu hơn nữa: Tiền chỉ là phụ, quan trọng nhất phải là điều này
Kẹo M&M, kẹo trái cây Skittles, thanh chocolate bơ đậu phộng Snickers, đồ ăn cho mèo Whiskas,... là những thương hiệu hết sức quen thuộc đối với người tiêu dùng. Chúng có mặt trên bàn ăn của nhiều gia đình, được bày bán trên kệ hàng ở nhiều siêu thị, được phân phối đến khắp nơi trên thế giới.
Tuy nhiên, không phải ai cũng biết đến tập đoàn đứng sau những sản phẩm phổ biến này: Mars. Ngay cả khi doanh thu hàng năm vượt mức 39,2 tỷ USD, họ vẫn lựa chọn không lên sàn, không công khai tài chính, cũng ít khi tiết lộ điều gì về mình.
Hành trình phát triển kéo dài hơn trăm năm của đế chế bánh kẹo lớn nhất nước Mỹ bắt đầu vào năm 1923. Khi đó, chàng trai 19 tuổi Forrest Mars đã nảy sinh một ý tưởng nhỏ mà không ngờ rằng nó sẽ thay đổi số phận của công ty kẹo do cha mình - Frank Mars - thành lập.
Ban đầu, các sản phẩm kẹo của công ty này chủ yếu gồm đường cát và syrup lỏng, khá bất tiện khi mang theo người. Forrest đề xuất phủ một lớp chocolate lên kẹo mạch nha, vừa để giữ cho kẹo đỡ chảy, vừa giúp nâng cao mùi vị.
Frank cảm thấy cách làm này không hiệu quả, nhưng Forrest vẫn kiên trì thuyết phục cha mình nhiều lần. Chàng trai trẻ tin rằng làm như vậy sẽ khiến kẹo đậm vị chocolate hơn cả chocolate nguyên chất, trong khi lại có giá thành rẻ hơn, cũng như dẻo và bền hơn.
Trước thế kỷ 20, chocolate vẫn là một mặt hàng xa xỉ ở Mỹ, chỉ có giới thượng lưu mới có cơ hội thưởng thức. Kể cả khi đã trở nên phổ biến, chúng vẫn đắt hơn nhiều so với các loại kẹo thông thường.
Sau khi cân nhắc toàn diện, Frank chấp nhận ý tưởng của con trai và đặt tên cho viên kẹo là Galaxy Bar.
Forrest Mars
Khi đó, đối thủ cạnh tranh trực tiếp với cha con nhà Mars là chocolate Hershey. Frank cố tình đặt Galaxy Bar bên cạnh Hershey trên kệ hàng, bán kẹo với giá 5 xu - rẻ hơn, nhưng lại lớn gấp đôi đối thủ.
Nhờ vậy, người tiêu dùng cảm thấy có lãi hơn khi mua Galaxy Bar nên rất săn đón mặt hàng này.
Sau 2 năm ra mắt, doanh số bán ra của Galaxy Bar đạt 126.000 USD. Con số này cao hơn hẳn so với doanh thu vào thời điểm tốt nhất của Frank trong suốt 12 năm kể từ khi bắt đầu kinh doanh.
Thừa thắng xông lên, Forrest đề nghị cha mình chuyển nhà máy về phía Tây Chicago - nơi có chi phí sản xuất thấp hơn. Năm 1927, công ty kẹo chính thức đổi tên từ Mar-O-Bar thành Mars.
Khoảng 3 năm sau, Mars tiếp tục tạo nên kỳ tích khi tung ra bom tấn Snickers - một sản phẩm làm từ đậu phộng, caramel, kẹo nougat và chocolate. Loại kẹo này trông thì đơn giản, nhưng lại đem đến hương vị vô cùng phức tạp. Frank đã cùng vợ mình mất tới 3 năm nghiên cứu, trải qua hàng trăm thí nghiệm mới có thể thu về trái ngọt.
Sự ra đời của Snicker đã giúp Mars thành công rực rỡ, trở thành nhà sản xuất bánh kẹo lớn thứ hai tại Mỹ, chỉ sau hãng sản xuất chocolate Hershey.
Nhờ giúp cha xoay chuyển tình thế, chàng trai 26 tuổi Forrest cũng bắt đầu nổi tiếng hơn. Thế nhưng, đúng lúc này, cha con nhà Mars bắt đầu xuất hiện những rạn nứt không thể hàn gắn.
Khi ấy, Forrest vừa tốt nghiệp ĐH Yale, tràn đầy năng lượng tuổi trẻ. Với mong muốn xây dựng một đế chế bánh kẹo, ông mạnh dạn đề nghị cha mình mở rộng kinh doanh sang Canada.
Sau nhiều năm làm việc chăm chỉ, Frank cảm thấy mình nên tận hưởng cuộc sống nhiều hơn. Do đó, ông không muốn mở rộng.
Để thực hiện tham vọng, Forrest đã nhiều lần thách thức quyền lực của cha, không ngại cãi vã. Ông liên tục kể lể rằng mình đã cứu vãn sự nghiệp của cha như thế nào. Điều này đã làm Frank tổn thương sâu sắc.
Quá tức giận, Frank đuổi Forrest ra khỏi nhà, chỉ đưa cho ông 50.000 USD và quyền bản Galaxy Bar ở nước ngoài. Thất vọng về cha mình, Forrest chuyển đến Anh tự xây dựng sự nghiệp của riêng mình.
Vào thời điểm đó, chocolate rất phổ biến ở châu Âu. Forrest nhìn thấy cơ hội kinh doanh nhưng không vội vã tung ra sản phẩm. Trước tiên, ông điều tra thị trường, đến nhà máy của các bậc thầy chocolate như Jantab Lyle, Henri Nestlé… để tìm hiểu khẩu vị của người châu Âu.
Sau đó, Forrest đã thành lập công ty của riêng mình là Forrest Mars Food Manufacturing Company. Galaxy Bar được cải tiến để phù hợp với thị trường Anh, với tên gọi mới là Mars Bar.
Doanh thu từ sản phẩm này rất triển vọng. Đến năm 1939, công ty của Forrest đã trở thành nhà sản xuất bánh kẹo lớn thứ ba ở Anh.
Thế nhưng, đối với người đàn ông này, vậy là chưa đủ. Tham vọng cùng sự thức thời của một doanh nhân đã thúc đẩy Forrest không ngừng sáng tạo, cuối cùng tạo ra sản phẩm mới là M&M.
Cuối thế kỷ 19, chocolate đặc ra đời ở Châu Âu. Do kích thước nhỏ, dễ vận chuyển và lượng calo cao, sản phẩm này được quân đội lựa chọn làm khẩu phần ăn cho binh lính.
Chỉ riêng trong năm 1942, 110 triệu thanh chocolate quân sự do Hershey sản xuất đã được cung cấp cho quân đội Mỹ. Tuy nhiên, loại chocolate này rất cứng, phải mất 30 phút mới ăn xong một miếng.
Sau khi Thế chiến 2 bùng nổ, nước Anh bắt đầu áp mức thuế cao đối với các doanh nghiệp nước ngoài. Nhiều công ty rút lui, nhưng Forrest lại nhìn thấy cơ hội kinh doanh hiếm có:
Tại sao không phát triển một loại chocolate nhỏ hơn, ngon hơn, nhưng vẫn đủ calo, lại dễ ăn và dễ bảo quản, đáp ứng được nhu cầu của cả quân đội lẫn đại chúng?
Forrest định làm chocolate có kích thước bằng hạt đậu và bọc nó bằng một lớp đường mỏng. Tuy nhiên, vì không thể tiếp cận trực tiếp quân đội, ông đành tìm đến đối thủ Hershey để hợp tác.
Bất ngờ thay, William Murrie - Chủ tịch của Hershey - đã đồng ý. Không chỉ đầu tư 20% vốn, ông còn cử con trai mình là Bruce Murrie đến hỗ trợ kỹ thuật, nghiên cứu và phát triển.
Những viên chocolate M&M đã được thêm vào khẩu phần ăn của quân đội. Nó nhanh chóng được lính Mỹ yêu thích, thậm chí còn được coi như một loại "tiền tệ" nơi tiền tuyến.
Để chinh phục thêm nhiều khách hàng, Forrest đã tìm đến một bậc thầy tiếp thị. Ông cải thiện hương vị sản phẩm, lên kế hoạch quảng cáo về một loại kẹo "chỉ tan trong miệng, không tan trong tay".
Đến năm 1954, M&M vượt qua Hershey để trở thành thương hiệu chocolate số 1 nước Mỹ. Ngay cả thế hệ phi hành gia đầu tiên của Mỹ cũng sử dụng sản phẩm này làm nguồn cung cấp calo hàng ngày.
Khi M&M đạt được thành công về mặt thương mại cũng là lúc mối quan hệ giữa hai đối tác ngày càng rạn nứt. Không chịu nổi tính cách của Forrest, cha con Murrie bán toàn bộ cổ phần và rời đi. M&M tách khỏi Hershey và trở thành thương hiệu riêng của Mars.
Có thể nói, tình yêu với bánh kẹo và chocolate của người Mỹ đã giúp Mars trở thành đế chế bánh kẹo số 1 thế giới như ngày nay. Từ người bình thường cho đến các chính trị gia, ai cũng mê kẹo. Đến cả Tổng thống Mỹ Ronald Reagan cũng nhờ kẹo của Mars mà cai được thuốc lá, thậm chí còn dùng chocolate để chiêu đãi khách tới Nhà Trắng.
Tuy giàu lên từ bánh kẹo, Forrest không tập trung vào mặt hàng duy nhất này. Ngay từ thập niên 30, ông đã nhìn thấy tiềm năng từ thị trường thức ăn cho vật nuôi.
Vị doanh nhân này mua lại nhà máy sản xuất, liên tiếp tung ra các thương hiệu thức ăn cho chó và mèo. Sau 4 năm, Mars đã chinh phục top 3 trong lĩnh vực chế biến thực phẩm ở Anh.
Hiện tại, hoạt động kinh doanh chăm sóc thú cưng của Mars đã lan rộng đến hơn 200 thị trường trên thế giới. Tập đoàn này sở hữu nhiều thương hiệu trị giá hơn 1 tỷ USD và hơn 2.000 bệnh viện thú y. Theo thống kê, có đến 1/3 số thú cưng trên thế giới tiêu thụ các sản phẩm của Mars.
Với khối tài sản ròng trị giá 141,9 ỷ USD, Mars là gia tộc đứng thứ hai thế giới về độ giàu có. Tuy nhiên, điều khiến họ nổi tiếng hơn cả là lối sống có phần bí ẩn và kín đáo của mình.
Trụ sở chính của tập đoàn Mars ở Washington D.C là một tòa nhà nhỏ 2 tầng chỉ đủ chứa 80 người, thường xuyên kín cổng cao tường. Ngoài logo, trên cửa chỉ ghi vỏn vẹn vài chữ: "Tài sản tư nhân. Không phận sự miễn vào".
Bản thân Forrest Mars cũng sống khá kín tiếng. Ông không thích bị chụp ảnh hay tham gia các cuộc phỏng vấn. Lần duy nhất Forrest khiến báo chí phải tốn giấy mực là thương vụ thống nhất Mars ở Anh và Mỹ.
Khoảng 2 năm sau khi Forrest bỏ nhà ra đi, cha ông qua đời vì một cơn đau tim. Theo di chúc, mẹ kế và em gái Patty mỗi người sẽ nhận được 1/3 vốn chủ sở hữu. Người em cùng cha khác mẹ của bà mẹ kế cũng nhận được 1/6 vốn chủ sở hữu, còn Forrest lại chẳng nhận được gì.
Thế hệ thứ 3 của gia tộc Mars: Forrest Jr., John và Jacqueline (từ trái sang phải)
Khi đó, Forrest vẫn chưa tạo ra phép màu M&M. Ông không muốn thế giới có hai Mars nên đã tham gia cuộc chiến giành quyền kiểm soát công ty ở Mỹ suốt hơn 20 năm. Cuối cùng, ông cũng làm được điều này vào năm 1964.
Với quyền lực tối thượng trong tay, Forrest đã thực hiện một loạt cải cách, đưa Mars thống trị ngành bánh kẹo thế giới.
Năm 1969, Forrest Mars nghỉ hưu ở tuổi 65. Ông mở một cửa hàng kẹo nhỏ để vui thú tuổi già, sống tại đó cho đến khi qua đời vào năm 1999. Quyền tiếp quản tập đoàn được giao lại cho thế hệ thứ ba của gia tộc, gồm các con trai Forrest Jr. và John, cùng con gái Jacqueline.
Tuy không có trí tưởng tượng về sản phẩm như cha nhưng họ lại sở hữu tầm nhìn quốc tế rộng hơn, bằng cách mua lại các thương hiệu ăn nên làm ra khác. Nhờ đó, vinh quang của gia tộc Mars tiếp tục được duy trì.
Sau khi Forrest Jr. qua đời vào năm 2016, John và Jacqueline mỗi người sở hữu 1/3 tập đoàn, tương ứng với khối tài sản trị giá 31,8 tỷ USD. Phần còn lại được chia đều cho 4 con gái của Forrest Jr. (Victoria, Pamela, Valerie và Marijke), mỗi người nhận được 8 tỷ USD.
Giống như cha, các con của Forrest cũng sống khá giản dị. Dù được cho học ở trường nội trú đắt đỏ, họ vẫn làm việc nhà để kiếm tiền tiêu vặt. Khi lớn lên, Forrest Jr và John cũng chọn sống trong những căn hộ chung cư khá khiêm tốn.
"Tôi lớn lên một cách rất bình thường", Pamela Mars - con gái của Forrest Jr. - tiết lộ. "Cuộc sống của tôi không khác mấy bạn bè đồng trang lứa. Chúng tôi vẫn phải làm việc nhà và đến trường."
Jacqueline là người duy nhất có lối sống "giống tỷ phú". Bà sở hữu một biệt thự ở New Jersey (Mỹ) trị giá 2 triệu USD, ngoài ra còn một số điền trang và penthouse khác. Dù vậy, bà cũng ít khi nói về đời tư của mình.
Ngày nay, dù đã được truyền đến thế hệ thứ năm nhưng Mars vẫn kiên trì với định hướng của mình, nhất quyết không niêm yết trên thị trường. Các thành viên trong gia tộc vừa kinh doanh, vừa tích cực tham gia các hoạt động từ thiện vì cộng đồng.
"Triết lý gia đình, cũng như triết lý kinh doanh của chúng tôi, là công ty gia đình", bà Pamela Mars. "Quan trọng hơn, chúng tôi muốn duy trì loại hình doanh nghiệp tư nhân như bây giờ."
(Theo Zhihu, BI)