‘Không ai nói trực thăng chữa cháy giá 1.000 tỉ’
Giám đốc Sở Cảnh sát phòng cháy,chữa cháy TP.HCM khẳng định chưa có đề xuất mua trực thăng chữa cháy vàcũng không ai nói trực thăng này có giá 1.000 tỉ đồng/chiếc.
“Chúng tôi chưa trình nhưng chúng tôi thấy cần thiết mua máy bay trực thăng chữa cháy. Bởi vì TP.HCM là một đô thị đặc biệt, có rừng, có nhiều nhà cao tầng, nhiều khu dân cư với nguy cơ cháy cao. Máy bay trực thăng sẽ phát huy hiệu quả trong cứu nạn, cứu hộ nhà cao tầng, nhà trong hẻm sâu hoặc chữa cháy rừng”. Ngày 11-4, Đại tá Lê Tấn Bửu (ảnh), Giám đốc Sở Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy (PCCC) TP.HCM, thông tin với Pháp Luật TP.HCM xung quanh thông tin đơn vị này đề xuất mua máy bay trực thăng PCCC.
Muốn mua Thủ tướng phải đồng ý
. Phóng viên: Chủ trương trang bị máy bay trực thăng PCCC trị giá 1.000 tỉ đồng/chiếc cho TP.HCM thế nào, thưa ông?
+ Đại tá Lê Tấn Bửu: Năm 2015, Bộ Công an ban hành Thông tư 60 quy định định mức, tiêu chuẩn trang bị phương tiện PCCC và cứu nạn, cứu hộ cho cảnh sát PCCC. Thông tư này đề cập đến việc trang bị máy bay trực thăng phục vụ công tác chữa cháy và tìm kiếm cứu nạn, cứu hộ cho đô thị đặc biệt, trong đó có TP.HCM.
Tuy vậy, Thông tư 60 nêu chỉ trang bị khi đảm bảo các điều kiện về phi công, đội ngũ kỹ thuật viên phục vụ bay, cơ sở hạ tầng phục vụ bay và được Thủ tướng phê duyệt chủ trương.
Hiện Cảnh sát PCCC TP đang tham khảo ý kiến của một số đơn vị tư vấn và khi xét thấy phương án khả thi, hiệu quả thì mới báo cáo đề xuất đầu tư. Chúng tôi chưa có tờ trình nhưng việc đầu tư trực thăng chữa cháy là cần thiết để phục vụ việc chữa cháy cho TP.HCM và công tác tìm kiếm cứu nạn, cứu hộ.
. Ông có thể nói rõ hơn về sự cần thiết phải trang bị trực thăng này và chúng sẽ được sử dụng thế nào?
+ Ở TP.HCM có nhiều nhà cao tầng, ngoài các đường thoát nạn theo quy định, theo xu hướng nếu cháy ở tầng dưới thì nhiều người sẽ chạy lên. Cho nên phải có phương án ứng cứu. Việc trang bị các loại phương tiện cứu nạn, cứu hộ, như có trực thăng thì những người dân sinh sống trong các tòa nhà cao tầng sẽ yên tâm hơn.
Ngoài ra, hiện nay khi xảy ra cháy rừng hoặc cháy ở các khu dân cư, trong hẻm sâu với điều kiện tiếp cận chữa cháy khó khăn thì máy bay chữa cháy sẽ có tác dụng tích cực.
Trong việc chữa cháy nhà cao tầng khó thể đánh giá hiệu quả của trực thăng chữa cháy vì khi cháy bên trong, máy bay khó thể phun nước, phun chất chữa cháy vào. Tuy vậy, trực thăng có thể được dùng để đưa lực lượng, phương tiện từ trên xuống để chữa cháy.
“Không ai nói 1.000 tỉ đồng/chiếc”
. Người dân rất quan tâm đến thông tin mỗi chiếc trực thăng chữa cháy có giá đến 1.000 tỉ đồng, ông đánh giá như thế nào về mức giá này?
+ Tôi xin khẳng định không ai nói 1.000 tỉ đồng/chiếc. Mỗi loại máy bay trực thăng tùy theo số lượng chỗ như thế nào sẽ có giá khác nhau. Người ta chào giá là một chuyện nhưng chúng tôi chưa báo cáo đầu tư, chưa có báo cáo đề xuất bằng văn bản nên cũng chưa biết giá trị mỗi chiếc máy bay như thế nào.
Chúng tôi mới chỉ mời các công ty tư vấn để làm rõ sự cần thiết và nghiên cứu về điều kiện hạ tầng, nguồn nhân lực… như bãi đáp, đội ngũ phi công, chế độ bay. Ngoài ra, chúng tôi còn phải liên kết với Bộ Quốc phòng về vấn đề quản lý không lưu. Khi thỏa đủ các yếu tố này thì chúng tôi mới có báo cáo đầu tư. Tuy nhiên, trước tính cấp thiết cần phải trang bị, dự kiến đến hết năm 2016 chúng tôi sẽ có báo cáo đề xuất.
. Lâu nay cảnh sát PCCC được trang bị nhiều phương tiện PCCC hiện đại thì hiệu quả của chúng thế nào, thưa ông?
+ Chúng tôi đã trang bị một số phương tiện PCCC hiện đại như xe công nghệ tiên tiến trên thế giới. Các phương tiện này có thể vừa phun nước vừa phá dỡ, đưa chất chữa cháy tự động ngăn cháy lan rộng ở các công trình lớn. Đây là phương tiện đi đầu phản ứng nhanh, gắn kết với các xe chữa cháy truyền thống tạo hiệu quả cao.
Tuy nhiên, theo tôi một đô thị đặc biệt như TP.HCM thì ngoài các công nghệ mới vừa nêu, chúng tôi vẫn cần trang bị nhiều xe chữa cháy có két nước, có hệ thống bơm khai thác được các nguồn nước xung quanh. Mục đích trang bị những phương tiện truyền thống này rẻ, vừa tiện ích, vừa phủ kín địa bàn để rút ngắn bán kính hoạt động. Chúng tôi cũng tập trung đầu tư trang bị các loại khí tài dành riêng cho cán bộ, chiến sĩ khi chữa cháy ở những nơi có nhiều khói, khí độc, nhiệt độ cao để đảm bảo an toàn.
Ngoài ra, chúng tôi cũng đề xuất Việt Nam tự sản xuất, đóng mới một số phương tiện chữa cháy thông dụng nhằm hạn chế dần việc nhập khẩu để đảm bảo tiết kiệm nhưng vẫn đạt hiệu quả chữa cháy đối với những đám cháy thông thường.
. Xin cám ơn ông.
Các loại trực thăng chữa cháy trên thế giới
Máy bay trực thăng thông thường có thể được hoán cải, gắn thêm thùng chứa nước để chữa cháy nhưng có những trực thăng được thiết kế chỉ chữa cháy. Dưới đây là ba trong số nhiều loại chuyên dụng.
Ka-32A11BC: Do Nga sản xuất, là một trong những dòng máy bay chữa cháy tốt nhất hiện nay. Máy bay này có động cơ khỏe, xoay xở tốt trong điều kiện phức tạp, gió mạnh.
Nó chở được 5 tấn nước hoặc bột chữa cháy, có súng phun nước nên dập tắt được các đám cháy bên hông các tòa nhà. Máy bay này có thời gian hoạt động lên tới 32.000 giờ bay.
Mi-8MTV-1: Cũng của Nga, là biến thể của dòng máy bay Mi-8 huyền thoại. Việt Nam có nhiều loại này và có thể hoán cải thành máy bay chữa cháy. Máy bay này chở được 4.000 lít nước nhưng không phát huy tác dụng nếu đám cháy ở bên hông một tòa nhà cao tầng. Đổi lại, chi phí vận hành máy bay này khá rẻ.
Sikorsky S-64 “Skycrane”: Đây là một phiên bản dân sự của máy bay quân đội. Máy bay có hai động cơ phản lực và sáu cánh quạt có thể chở được 10.000 lít nước. Ngoài ra, Sikorsky S-64 “Skycrane” có vòi hút lớn và lấy nước tại các ao, hồ với thời gian chưa tới một phút.
Năm 2013, UBND TP.HCM đã duyệt đề cương chi tiết dự án quy hoạch ngành PCCC trên địa bàn TP.HCM đến năm 2025. Theo đó, từ nay đến năm 2020, TP.HCM sẽ mua bốn trực thăng chuyên dụng phục vụ chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ. Giai đoạn 2021-2025 TP.HCM trang bị thêm hai máy bay trực thăng.
Năm 2015, Hà Nội duyệt đề án quy hoạch tổng thể cơ sở PCCC và cứu nạn, cứu hộ đến năm 2025, định hướng năm 2030 với tổng kinh phí hơn 11.500 tỉ đồng. Theo đề án, giai đoạn 2026-2030, Hà Nội mua một máy bay trực thăng cứu nạn, cứu hộ và một máy bay chữa cháy.
GN
Pháp luật TPHCM