MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Không bán cổ phần của MobiFone vào cuối năm nay thì sẽ phải định giá lại

Thứ trưởng Bộ TT&TT Phạm Hồng Hải cho biết, việc định giá giá trị doanh nghiệp của MobiFone được chốt tại thời điểm 6/2015 và có hiệu lực trong 18 tháng. Vì vậy, đến hết năm 2016, nếu không bán cổ phần của MobiFone thì sẽ phải định giá lại.

Trong buổi làm việc với Singtel ngày 18/8/2016 về vấn đề mua cổ phần của MobiFone, Thứ trưởng Bộ TT&TT Phạm Hồng Hải cho biết, việc định giá giá trị doanh nghiệp của MobiFone được chốt tại thời điểm 6/2015 và có hiệu lực trong 18 tháng. Vì vậy, đến hết năm 2016, nếu không bán cổ phần của MobiFone sẽ phải định giá lại. Thứ trưởng Phạm Hồng Hải cho biết, nếu phải định giá lại có thể mất thời gian 6 tháng.

Trước đó, MobiFone đã làm việc với đơn vị tư vấn trước đây là Credit Suisse - Thuỵ Sỹ để tiếp tục tư vấn cổ phần hóa cho MobiFone. Tuy nhiên, mức phí tư vấn để tiến hành cổ phần hóa quá cao nên việc thương thảo với Credit Suisse đã không thành.

“Sau khi thương thảo với Credit Suisse đã không thành, chúng tôi đã nghiên cứu và lựa chọn Công ty Chứng khoán Bản Việt tư vấn cổ phần hóa MobiFone. Công ty Chứng khoán Bản Việt không phải là lần đầu tiên tham gia tư vấn cố phần hóa MobiFone, công ty này đã là đối tác bản địa của Credit Suisse, trong quá trình tiến hành tư vấn cổ phần hóa cho MobiFone” đại diện MobiFone nói.

Nguyên Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Bắc Son cho biết, từ năm 2005 Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu phải tiến hành cổ phần hóa MobiFone. Sau đó, Bộ Tài chính đã chi 20 tỷ đồng cho việc cổ phần hóa MobiFone.

"Để tiến hành cổ phần hóa MobiFone, chúng ta đã phải thuê nhà tư vấn của Thụy Sỹ là Credit Suisse. Nhà tư vấn này đã tư vấn cho Việt Nam tiến hành cổ phần hóa một số ngân hàng. Lúc đó, Bộ Tài chính đã cấp 20 tỷ đồng đề đầu tư cho các hoạt động tiến hành cổ phần hóa MobiFone. Công ty tư vấn đã xây dựng được 5 phương án đánh giá giá trị của MobiFone lúc đó. Tuy nhiên, sau đó việc cổ phần hóa MobiFone bị dừng lại" nguyên Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son nói.

Thời điểm đó, để cổ phân hóa MobiFone thì đã có 9 tập đoàn tài chính, ngân hàng nước ngoài đó là Credit Suisse (Thuỵ Sỹ), Deutsche Bank (Đức), Goldman Sachs (Mỹ), Morgan Stanley (Mỹ), Rothschild (Đức) và UBS (Mỹ)... nộp hồ sơ thầu tư vấn về cổ phần hoá cho MobiFone. Nhà thầu tư vấn sẽ cùng với MobiFone định giá tài sản, lựa chọn đối tác chiến lược cũng như các bước tiến hành cổ phần hoá của mạng di động này và Credit Suisse là đơn vị trúng thầu. Một nguồn tin không chính thức tại thời điểm đó cho hay Credit Suisse đã định giá MobiFone khoảng 2 tỷ USD. Tuy nhiên, thông tin này không được các đơn vị có thẩm quyền xác nhận.

Hồi năm ngoái, nguyên Thứ trưởng Bộ TT&TT Lê Nam Thắng cho biết, hiện hầu hết các doanh nghiệp viễn thông di động đều của nhà nước hoặc nhà nước chiếm cổ phần chi phối nên phải tạo điều kiện cho các thành phần kinh tế tham gia vào lĩnh vực viễn thông. Vì vậy, Chính phủ quyết định phải cổ phần hóa MobiFone để cho đối tác nước ngoài tham gia đầu tư và quản trị công ty sẽ đạt hiệu quả kinh doanh tốt hơn.

Ông Lê Nam Thắng cho biết, việc cổ phần hóa MobiFone không chỉ nhận được sự quan tâm của các nhà đầu tư trong nước mà có cả nhiều nhà đầu tư nước ngoài. Trước đây, doanh nghiệp Việt Nam hợp tác với doanh nghiệp nước ngoài vì thiếu vốn và công nghệ nhưng hiện nay chúng ta cần kinh nghiệm và quản trị doanh nghiệp.

Theo Thái Khang

ICTNews

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên