Không bằng cấp, tiếng Anh bập bẹ, trong túi chẳng có lấy một xu, điều gì đã biến người đàn ông gốc Hàn này thành tỷ phú với đế chế F21 lừng danh?
Là chủ nhân của thương hiệu thời trang Forever 21 đình đám nhất nước Mỹ, Do Won Chang khiến bất cứ người nhập cư nào cũng mơ ước. Tuy nhiên, không nhiều người biết rằng, vị tỷ phú đã phải trải qua những tháng ngày khó khăn tưởng như không nhìn thấy lối thoát.
Cách đây 38 năm, Do Won Chang ngồi giữa dòng người đông đúc tại sân bay, đợi chuyến bay sẽ đưa cha mẹ, người vợ mới cưới và mình sang Mỹ. Lúc đó, ông chỉ nghĩ đến một điều duy nhất: làm lại cuộc đời tại miền đất hứa này và trở nên giàu có.
Do Won Chang chào đời tại làng Myeong-dong, Seoul (Hàn Quốc) vào năm 1954. Gia cảnh nghèo khó buộc ông phải lao động từ nhỏ, trước cả khi đủ tuổi để có thể đạp xe. Để mang được tiền về cho gia đình, ông không nề hà bất kì công việc gì.
Lớn hơn, Do Won nhận giao cà phê cho các làng lân cận. Có khả năng nhận biết các loại hạt và hương vị cà phê, ông muốn sử dụng tài năng này để làm giàu trên đất Mỹ.
"Từ năm lớp 6 tôi đã mơ về nước Mỹ", Do Won Chang nhớ lại. "Mỗi khi gặp bố mẹ, tôi lại đòi họ cho sang đó vào tháng sau".
Năm 1981, Hàn Quốc rơi vào trạng thái hỗn loạn sau vụ ám sát cựu Tổng thống Park Chung Hee. Tình hình lúc đó càng làm tăng thêm động lực sang Mỹ của Do Won Chang.
"Cuộc sống lúc đó ở Hàn Quốc rất khó khăn. Gần như chẳng có cơ hội nào cho tôi cả", ông kể. Trước khi sang Mỹ, ông đã cưới Jin Sook, một người phụ nữ hơn mình 3 tuổi, qua lời giới thiệu của bạn bè.
Chưa ai trong gia đình Do Won từng được đi máy bay nên chặng đường 6.000 dặm vượt Thái Bình Dương. Điều đó khiến họ vừa sợ hãi, vừa hào hứng. Cuối cùng, họ cũng tới Los Angeles và nhận được thẻ xanh, chính thức bắt đầu một cuộc hành trình mới trên miền đất hứa với hai bàn tay trắng.
Mang trong mình tham vọng làm giàu, Do Won Chang không phí phạm đời mình dù chỉ một giây. Hạ cánh xuống Mỹ vào thứ 7, ông dành toàn bộ ngày tiếp theo để tìm tin tuyển dụng trên báo.
Đến sáng thứ 2, Do Won đi thẳng đến quán cà phê gần nhất để ứng tuyển. Với vốn tiếng Anh bập bẹ và chiếc bằng phổ thông gần như vô dụng, ông vẫn may mắn vượt qua vòng phỏng vấn và trở thành nhân viên rửa bát ca sáng tại đây. Trong khi đó, bà Jin Sook làm thợ cắt tóc tại một salon nhờ những kỹ năng đã học từ hồi ở quê nhà.
Do Won sớm nhận ra ông không thể hoàn thành giấc mơ mở quán cà phê của riêng mình tại Mỹ chỉ với mức lương bèo bọt 3 USD/giờ. Trên vai ông còn gánh nặng chăm sóc cha mẹ già và người vợ mới cưới.
Là một người chồng, một người con, Do Won không thể để gia đình chen chúc trong căn nhà bé nhỏ chỉ có 1 phòng ngủ. Ông hiểu rằng chỉ có làm thêm nhiều công việc khác, cải thiện thêm thu nhập mới có thể giúp mình thực hiện được niềm đam mê cháy bỏng suốt bao lâu nay.
Để có tiền trang trải sinh hoạt phí, Do Won tiếp tục nhận làm thêm 8 tiếng tại một trạm xăng. Thậm chí, ông còn tự mở một dịch vụ lau dọn văn phòng vào thời gian còn lại. Mỗi ngày của ông đều bắt đầu từ 4h sáng và kết thúc vào lúc nửa đêm. Dù công việc có nặng nhọc đến đâu, ông cũng chẳng phàn nàn đến nửa câu. Bởi lẽ, ông đang ở trên đất Mỹ - nơi ông tin rằng mọi giấc mơ sẽ được đền đáp nếu con người ta biết cố gắng.
Làm việc tại trạm xăng giúp Do Won có cơ hội tiếp cận với những người thành đạt bước xuống từ những chiếc Mercedes hay BMW hào nhoáng. Cứ mỗi lần như thế, ông lại dè dặt hỏi họ: "Anh/chị làm nghề gì?".
"Tôi chợt nhận ra, những người đi xe đẹp nhất đều làm việc trong ngành may mặc," Do Won nhớ lại.
Nhờ vậy, ông quyết định từ bỏ công việc bơm xăng và xin vào làm cho một cửa hàng bán lẻ quần áo, học hỏi những kinh nghiệm đầu tiên cho Forever 21 sau này.
Thử sức trong lĩnh vực thời trang may mặc, Do Won Chang ngay lập tức hòa nhịp với công việc với thái độ nghiêm túc và chăm chỉ.
"Tôi nhiệt tình như thể đó là cửa hàng của chính mình. Vì vậy mà ông chủ rất quý tôi", Do Won Chang kể.
Cảm động trước tinh thần học hỏi của chàng trai trẻ, ông chủ cửa hàng đã làm một điều gần như chỉ có trong mơ: hướng dẫn Do Won cách điều hành công việc kinh doanh một cách thật chi tiết. Không chỉ mong Do Won hoàn thành công việc như các nhân viên khác, ông còn muốn giúp chàng trai này phát triển hơn nữa, dạy anh ta mọi bí quyết từ đặt hàng, mua bán cho đến marketing.
Với tư chất thông minh và thái độ cầu tiến, Do Won Chang lắng nghe, nhanh chóng học hỏi, thấm nhuần những kinh nghiệm đó và tự mình bắt tay vào làm. Chỉ sau 3 năm đến Mỹ, ông cùng vợ mình tiết kiệm được 11.000 USD - số tiền mà trước kia nằm mơ cũng không dám nghĩ đến.
Năm 1984, họ mở một cửa hàng quần áo rộng 83 m2 mang tên Fashion 21 trong khu buôn bán sầm uất ở Los Angeles. Người chủ trước đây của cửa hàng cũng kinh doanh thời trang, nhưng bỏ cuộc sau khi chỉ thu về 30.000 USD/năm. Tuy nhiên, Do Won không đời nào để đứa con của mình chịu thảm cảnh như vậy.
Là người mới trong lĩnh vực kinh doanh, mọi thứ không hề dễ dàng với vợ chồng ông. Hướng đến đối tượng là những người Mỹ gốc Hàn, Do Won cùng Jin Sook làm việc suốt cả ngày lẫn đêm để quảng bá sản phẩm. Bằng cách nhập hàng trực tiếp từ nhà sản xuất với mức giá cực kỳ ưu đãi, Do Won đã làm được điều phi thường khi đạt mức doanh thu 700.000 USD ngay trong năm đầu tiên.
Việc kinh doanh của vợ chồng ông ngày càng trở nên phát đạt. Họ đổi tên cửa hàng thành Forever 21 và cứ 6 tháng một lần lại mở thêm chi nhánh mới. Với mong muốn giúp khách hàng tiếp cận các xu hướng thời trang mới một cách nhanh nhất, Do Won cùng các nhân viên luôn đảm bảo hàng hóa được sản xuất và đưa tới tay người tiêu dùng chỉ trong vài ngày. Nhờ vậy, cái tên Forever 21 nhanh chóng trở thành chủ đề bàn tán của các tín đồ thời trang và phát triển thành thương hiệu trị giá gần 3 tỷ USD sau này.
"Bạn không thể dấn thân vào kinh doanh với suy nghĩ mình sẽ thành công chỉ trong vòng 1-2 năm," Do Won Chang nói. Ông hiểu rằng thành quả chỉ đến với những người biết kiên nhẫn và cần cù.
Từ chàng trai nghèo đi giao cà phê ở Hàn Quốc, hiện tại Do Chang Won đã là một trong số những tỷ phú tự thân của Mỹ với khối tài sản trị giá hơn 3 tỷ USD. Ông sở hữu hơn 600 cửa hàng bán lẻ quần áo trên toàn thế giới. Từ căn nhà chật chội chỉ có 1 phòng ngủ, giờ gia đình ông sống trong căn biệt thự trị giá 16 triệu USD - nơi ông nuôi dạy 2 cô con gái thành những sinh viên xuất sắc của Ivy League.
Do Chang Won luôn cảm thấy may mắn vì cuộc đời đã cho ông cơ hội được làm lại. "Tôi đến đây với hai bàn tay trắng và luôn cảm ơn nước Mỹ vì đã mang đến rất nhiều cơ hội cho tôi. Tôi muốn được đền đáp lại điều này," ông nói. Trong cuộc khủng hoảng kinh tế năm 2008, Do Won Chang đã mở thêm cửa hàng và tạo hơn 7.000 việc làm cho người lao động trong vòng 1 năm. Ông không chỉ tập trung vào phát triển lợi nhuận mà còn muốn đem lại việc làm cho những người dân Mỹ.
"Forever 21 đem lại hy vọng cho những người đến đây với 2 bàn tay trắng. Nó chính là phần thưởng khiến tôi trở nên khiêm nhường hơn. Bất cứ người nào có hoàn cảnh giống tôi cũng có thể tới Forever 21 và biết rằng đây là giấc mơ có thật của một người nhập cư gốc Hàn", ông tự hào nói.
Tuy nhiên, không con đường nào đi tới thành công chỉ toàn có hoa hồng. Ngay từ những ngày đầu, Do Won Chang đã gặp nhiều trắc trở về ngôn ngữ và khác biệt văn hóa. Sau này, Forever 21 của ông còn phải đối mặt với những cáo buộc đạo nhái, sự sụt giảm doanh thu, cũng như sự cạnh tranh từ các đối thủ. Nhưng điều đó không làm Do Won Chang chùn bước: "Có thể chúng tôi đang gặp một số khó khăn khi mở rộng thị trường, nhưng chúng tôi sẽ cố gắng vượt qua và giành lại vị thế của mình".
Dù có muốn làm giàu đến mức nào, đối với vị tỷ phú gốc Hàn này, gia đình vẫn là điều quan trọng nhất. Khi được hỏi về giấc mơ Mỹ của mình, ông nói: "Khi mọi người nói đến giấc mơ Mỹ, họ nói về một cuộc sống tốt đẹp hơn. Thế nhưng, dù kinh doanh có giỏi đến đâu mà gia đình tan vỡ thì đó không thể gọi là thành công với tôi được." Chính vì vậy, Do Won cũng khuyến khích con cái tiếp quản việc kinh doanh gia đình.
Do Won Chang đã dùng chính cuộc đời mình để chứng minh rằng giấc mơ Mỹ chào đón bất kỳ ai, đến từ bất kỳ đâu, chỉ cần bạn đủ chăm chỉ, nỗ lực và can đảm. Và đừng bao giờ quên: "Hãy coi thành công như một cuộc thi marathon, chứ không phải cuộc chạy nước rút 100 m".