MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Không bất thường, ngân hàng còn “của để dành” cho lợi nhuận năm 2020

16-04-2020 - 14:02 PM | Tài chính - ngân hàng

Dù những thiệt hại mà Covid-19 gây ra đã bắt đầu thể hiện rõ, một số ngân hàng dự kiến sẽ vẫn có những khoản bù đắp cho lợi nhuận năm nay.

Đại dịch Covid-19 lây lan có tác động lớn tới tất cả các ngành kinh tế. Riêng đối với ngành ngân hàng, những tác động bất lợi của đại dịch đã bắt đầu được lượng hóa, qua việc nhiều thành viên phải cắt giảm chi phí, điều chỉnh kế hoạch lợi nhuận trong năm nay.

Theo đánh giá của giới phân tích, bắt đầu từ quý II, lợi nhuận nhà băng có thể bắt đầu bị ảnh hưởng khi các khoản thu nhập từ lãi, phí và thu hồi nợ xấu của khối ngân hàng sẽ giảm xuống khi thực hiện đáp ứng các nhu cầu của khách hàng thông qua việc cung cấp các gói lãi suất cho vay ưu đãi, cắt giảm chi phí giao dịch và thanh toán.

Dù vậy, một số ngân hàng dự kiến sẽ vẫn có  những khoản thu lớn để bù đắp cho năm khó khăn chung này.

Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) vừa có thông báo phối hợp cùng Công ty Bảo hiểm Nhân thọ FWD Việt Nam chính thức triển khai Thỏa thuận hợp tác độc quyền phân phối bảo hiểm qua ngân hàng.

Trong giai đoạn đầu triển khai, Vietcombank sẽ phân phối các sản phẩm bảo hiểm của FWD tại hơn 550 chi nhánh và phòng giao dịch của Vietcombank trên phạm vi toàn quốc.

Trước đó, vào cuối năm 2019, FWD và Vietcombank đã ký thỏa thuận thanh toán khoảng 400 triệu USD cho Vietcombank để phân phối bảo hiểm dài hạn với ngân hàng.

Tuy nhiên, theo tìm hiểu của BizLIVE, giá trị 400 triệu USD nói trên mới chỉ là khoản ký kết ban đầu như “vé vào cửa”; giá trị thực của thương vụ này lớn hơn nhiều lần, là doanh số thực hiện hàng năm. Hợp đồng có thời hạn 15 năm.

Trong năm 2019, Vietcombank chưa hạch toán những khoản thu trong thương vụ lớn nói trên vào lợi nhuận. Từ năm 2020, đây dự kiến sẽ là một khoản cân đối lớn cho thành viên giữ vị trí số 1 lợi nhuận hệ thống ngân hàng Việt Nam nhiều năm qua.

Theo đó, đây được xem như "của để dành", hoặc thu nhập bất thường bắt đầu được hạch toán. Và đáng chú ý, nguồn thu này tách hoàn toàn khỏi tín dụng.

Theo BCTC mới công bố, hiện Vietcombank nắm giữ 45% vốn cổ phần tại VCLI, 55% còn lại thuộc sở hữu của BNP Paribas Cardif. Giá gốc khoản đầu tư của Vietcombank tại công ty bảo hiểm này là 270 tỷ đồng, giá trị ghi sổ là 276 tỷ đồng.

Theo đó, dù là hạch toán theo cách nào thì thương vụ này cũng mang đến cho Vietcombank một khoản thặng dư không hề nhỏ từ năm 2020 và nguồn thu hoa hồng bảo hiểm những năm tiếp theo.

Trong khi đó, Ngân hàng Sài Gòn - Hà Nội (SHB) dự kiến cũng thu về một khoản lớn trong năm nay khi vừa công bố thông tin cho biết, sẽ thoái vốn tại Công ty tài chính TNHH MTV Ngân hàng Sài Gòn – Hà Nội (SHBFC) cho đối tác chiến lược lớn nước ngoài.

Được biết, SHBFC có vốn điều lệ 1.000 tỷ đồng do ngân hàng SHB sở hữu 100% vốn. Trước thời điểm sáp nhập, SHBFC tiền thân là Công ty Tài chính Vinaconex Vietel. Do quy định cơ cấu hệ thống các công ty tài chính của Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước, công ty này đã lựa chọn SHB là đối tác chính trong việc sáp nhập.

Năm 2019, tổng tài sản của SHBFC đạt gần 3.300 tỷ đồng, tăng trưởng gấp 2,75 lần so với năm 2018. Trong đó dư nợ đạt 2.700 tỷ đồng, gấp 3,8 lần so với năm 2018. Lợi nhuận đạt gần 107 tỷ đồng.

Hiện SHB chưa công bố giá trị chuyển nhượng cũng như danh tính của đối tác nhận chuyển nhượng, tuy nhiên, cho biết, sẽ thu được nguồn thặng dư lớn từ thương vụ này.

Khác với Vietcombank và SHB, “của để dành” của VPBank lại đang nằm ở “gà đẻ trứng vàng” FE Credit. Từ đầu năm 2020, VPBank đã có những động thái chuẩn bị cho kế hoạch phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng lần đầu (IPO) công ty tài chính tiêu dùng này.

Hiện tại, FE Credit đã hoàn tất chuyển đổi từ công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên thành công ty cổ phần. Bên cạnh đó, quy mô vốn điều lệ của FE Credit cũng được điều chỉnh tăng lên ở mức 7.333 tỷ đồng.

Trong nhiều năm liền, lợi nhuận của FE Credit đóng góp đến hơn nửa trong kết quả kinh doanh của VPBank. Và dự kiến trong năm nay, nếu IPO thành công, khoản thặng dư mà công ty này mang về cũng không hề nhỏ...

Như trên, các khoản thu dự kiến tại một số ngân hàng thương mại có tiềm năng giá trị lớn. Thông thường, khi cụ thể hóa phần "của để dành" này, ngân hàng sẽ ghi nhận thu nhập bất thường.

Tuy nhiên, như từng trả lời tại một hội nghị nhà đầu tư trước đây, sau khi bán công ty tài chính và hạch toán lãi, lãnh đạo một ngân hàng thương mại nhấn mạnh rằng: "Không có gì gọi là bất thường cả. Mọi kết quả, mọi khoản thu nhập và lợi nhuận tăng thêm của ngân hàng thương mại, hay bất cứ doanh nghiệp nào cũng đều đến từ sự tính toán, chuẩn bị và gây dựng từ trước, chứ không phải tự có một cách bất thường".

Theo Trần Thuý

Bizlive

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên