Không cần vất vả kinh doanh, nhiều tổng công ty thu lãi cả nghìn tỷ đồng nhờ lãi từ công ty liên doanh
Bên cạnh hoạt động kinh doanh chính của công ty mẹ thì nhiều Tổng công ty cũng đẩy mạnh hoạt động đầu tư liên kết ra bên ngoài. Những khoản thu nhập khủng từ liên doanh, liên kết này đôi khi lại là yếu tố chính giúp cho các doanh nghiệp Nhà nước lãi lớn.
VEAM lãi lớn nhờ liên doanh với các hãng xe
Tổng Công ty Máy động lực và Máy Nông nghiệp Việt Nam (VEAM) ghi nhận lợi nhuận gộp năm 2021 là 566 tỷ đồng, cao gấp 3 lần năm 2020, thế nhưng nguồn thu chính của công ty lại đến từ khoản lợi nhuận trong công ty liên doanh, liên kết. Năm 2021, khoản thu từ công ty liên doanh, liên kết của VEAM là 5.177 tỷ đồng.
VEAM đang sở hữu cổ phần trong 3 liên doanh với các hãng xe lớn là Ford (thông qua công ty Diesel Sông Công), Honda và Toyota. Tổng vốn góp gốc vào 3 liên doanh trên là 1.022 tỷ đồng. Đến cuối năm 2021, tổng giá trị thuần của khoản đầu tư trên theo phương pháp VCSH là 5.098 tỷ đồng - gấp khoảng 5 lần giá gốc. Trong đó, khoản đầu tư 30% vốn tại liên doanh Honda Việt Nam tăng từ 359 tỷ đồng lên 3.615 tỷ đồng, tăng hơn 10 lần.
Satra nhận hàng nghìn tỷ từ Heineken
Tương tự như VEAM, Tổng Công ty Thương mại Sài Gòn - TNHH MTV (Satra) ghi nhận lợi nhuận gộp năm 2021 là 1.350 tỷ đồng, cộng với khoản doanh thu tài chính 462,7 tỷ đồng chưa đủ để bù đắp cho các khoản chi phí tài chính 24,9 tỷ đồng, chi phí quản lý doanh nghiệp 850,7 tỷ đồng và chi phí bán hàng 1.255,6 tỷ đồng. Tuy nhiên, khoản lợi nhuận từ công ty liên kết 3.162 tỷ đồng vẫn khiến cho Satra lãi trước thuế 2.970 tỷ đồng.
Nguồn thu lớn của Satra từ các đơn vị thành viên phải kể đến các liên doanh bia khi Satra sở hữu 40% vốn của Công ty TNHH Nhà máy Bia Heineken Việt Nam và 40% vốn của Công ty TNHH Bia và Nước giải khát Heineken Việt Nam (Heineken Trading).
Ngoài ra, Satra còn sở hữu 67,76% vốn tại Vissan, 25% vốn CJ Cầu Tre, 29% vốn công ty chủ trung tâm thương mại Bình Điền, 30% vốn Nhabexims,…
Becamex IDC nhận 1.000 tỷ đồng từ công ty liên doanh, liên kết
Năm 2021, Tổng công ty Đầu tư và Phát triển Công nghiệp – Becamex IDC (mã CK: BCM) nhận 1.022 tỷ đồng từ lợi nhuận từ công ty liên doanh, liên kết. Trong khi lợi nhuận trước thuế của doanh nghiệp là 1.744 tỷ đồng, tương đương với lợi nhuận từ công ty liên doanh chiếm đến 58,6% lợi nhuận trước thuế của BCM.
Trong các công ty liên doanh, VSIP là liên doanh mang lại lợi nhuận lớn nhất cho Becamex IDC. Lợi nhuận phát sinh từ khoản đầu tư vào VSIP của Becamex trong năm 2021 là 779 tỷ đồng.
Được biết, VSIP là liên doanh lớn nhất của Becamex IDC hợp tác cùng Tập đoàn Sembcorp của Singapore. Becamex IDC đầu tư vào liên doanh này theo giá gốc 461 tỷ đồng, tương đương 49% vốn. Khoản đầu tư này đã được đánh giá lại theo quyết định phê duyệt giá trị doanh nghiệp để cổ phần hóa tổng công ty là 1.295 tỷ đồng.
Theo chia sẻ của lãnh đạo Becamex IDC tại kỳ họp ĐHĐCĐ thường niên 2022, trong tương lai, Liên doanh VSIP sẽ được IPO để nâng tầm phát triển.
TTIPC nhận hơn 500 triệu đồng cổ tức từ Phú Mỹ Hưng
Theo báo cáo tài chính riêng đã kiểm toán năm 2021, công ty TNHH MTV Phát triển Công nghiệp Tân Thuận (TTIPC) ghi nhận doanh thu thuần là 34,7 tỷ đồng, lợi nhuận gộp là 16,1 tỷ đồng, lần lượt giảm 16% và 25% so với năm 2020. Tuy vậy, lợi nhuận trước thuế của TTIPC lại tận 878,2 tỷ đồng, tăng 11%. Nguyên nhân là vì khoản doanh thu tài chính của TTIPC lên đến 906 tỷ đồng, tăng 16%.
Trong doanh thu tài chính, phần lớn là đến từ cổ tức và lợi nhuận từ công ty liên kết với 829 tỷ đồng (91,5%), sau đó là lãi tiền gửi với 77 tỷ đồng(8,5%).
Ngoài ra còn có Tổng công ty Bến Thành (Bến Thành Group) cũng thu về đều đặn hơn trăm tỷ mỗi năm từ tiền cổ tức.