Khống chế dịch tả lợn châu Phi: Đề xuất hỗ trợ 80% giá lợn con, thịt buộc phải tiêu hủy
Sáng nay, hội nghị trực tuyến triển khai các giải pháp cấp bách khống chế bệnh dịch tả lợn châu Phi diễn ra. Thủ tướng chủ trì hội nghị. Một số giải pháp nhằm hỗ trợ ngành chăn nuôi lợn được Bộ Nông nghiệp đề xuất.
- 04-03-2019Thủ tướng đang chủ trì hội nghị cấp bách khống chế bệnh dịch tả lợn châu Phi
- 03-03-2019Đề xuất dịch tả lợn châu Phi vào danh mục bệnh động vật trên cạn phải công bố dịch
- 03-03-2019Dịch tả lợn châu Phi lây lan chóng mặt dù đã căng sức ngăn ngừa
Sáng nay (4/3), Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì Hội nghị trực tuyến triển khai các giải pháp cấp bách khống chế bệnh dịch tả lợn châu Phi.
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, từ ngày 1/2 đến 3/3, bệnh xảy ra tại 202 hộ, 64 thôn, 33 xã, 14 huyện của 7 tỉnh, thành phố (Hưng Yên, Thái Bình, Hải Phòng, Thanh Hóa, Hà Nội, Hà Nam và Hải Dương). Tổng số lợn bị mắc bệnh và tiêu hủy là 4.231 con, với tổng trọng lượng tiêu hủy hơn 297 tấn.
Theo Bộ Nông nghiệp, nguy cơ bệnh dịch tả lợn châu Phi lây lan nhanh, ở phạm vi rộng và làm ảnh hưởng lớn đến phát triển chăn nuôi, an sinh xã hội và môi trường là rất lớn.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì Hội nghị trực tuyến triển khai các giải pháp cấp bách khống chế bệnh dịch tả lợn châu Phi. Ảnh: VGP/Quang Hiếu.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, do bệnh dịch tả lợn châu Phi không lây nhiễm và gây bệnh ở người nên nhiều người chăn nuôi lợn chủ quan. Hơn nữa, vì lợi ích kinh tế trước mắt và vì giá lợn hơi các tháng cuối năm 2018 cao nên đã không khai báo khi có dịch bệnh, gọi thương lái để bán, vận chuyển, giết mổ, tiêu thụ lợn chết, bệnh, lợn không rõ nguồn gốc làm cho dịch bệnh lây lan, khó kiểm soát.
Theo nghiên cứu dịch tễ, có 3 nguyên nhân chính khiến bệnh dịch tả lợn châu Phi lây lan. 46% là do phương tiện vận chuyển và do con người không thực hiện vệ sinh, phun thuốc khử trùng tiêu độc. Ngoài ra, 34% là do sử dụng thức ăn thừa và 19% là do vận chuyển lợn sống và các sản phẩm của lợn giữa các vùng.
Liên quan tới công tác hỗ trợ ngành chăn nuôi lợn, Bộ Nông nghiệp cho biết giá hỗ trợ cho hộ chăn nuôi có lợn buộc phải tiêu hủy theo quy định hiện nay là 38.000 đồng/kg lợn hơi, thấp hơn so với giá thị trường, nhiều nơi chỉ hỗ trợ khoảng 27.000 đồng/kg. Bên cạnh đó, thủ tục hỗ trợ mất nhiều thời gian và phức tạp.
Vì vậy, Bộ Nông nghiệp đề xuất Chính phủ cho phép hỗ trợ 80% giá thị trường đối với lợn con, lợn thịt và tăng gấp 1,5 đến 1,8 lần đối với heo nái và heo đực giống buộc phải tiêu hủy.
Bộ cũng lưu ý bệnh không lây sang người nên người tiêu dùng không nên quay lưng với các sản phẩm thịt heo an toàn và bảo đảm chất lượng.
Năm 2018, sản lượng thịt lợn hơi đạt 3,82 triệu tấn, chiếm 72% sản phẩm thịt các loại, tăng 2,2% so với năm 2017. Hiện nay, cả nước có 2,5 triệu hộ chăn nuôi lợn với tổng đàn là 13,8 triệu con, chiếm tỷ lệ 49% tổng đàn. Số trang trại chăn nuôi lợn là 10.167 trang trại (năm 2017) với tổng số là 14,4 triệu con lợn, chiếm tỷ lệ 51% tổng đàn. |
Người đồng hành