Không chỉ căng thẳng ở quê nhà, Nhật Bản và Hàn Quốc còn đối đầu quyết liệt trên thị trường bán lẻ Việt Nam
Các công ty Hàn Quốc đang dấn thân vào một trận chiến khốc liệt với các đối thủ Nhật Bản tại thị trường bán lẻ Việt Nam, nơi nổi lên như một trung tâm sản xuất và tiêu dùng mới của châu Á.
- 01-11-2019Cố gắng "tử tế" hơn với các công ty nước ngoài, liệu Trung Quốc có thể vẽ lại cuộc chơi khi Việt Nam và Ấn Độ đang có ưu thế?
- 01-11-2019Nikkei: Tại sao ông Trump vắng mặt tại Hội nghị thượng đỉnh ASEAN vào phút chót?
Theo Cơ quan xúc tiến đầu tư thương mại Hàn Quốc KOTRA, thị trường bán lẻ Việt Nam đã và đang tăng trưởng nhanh chóng trong nhiều năm trở lại đây, với tốc độ tăng trưởng trung bình hàng năm là 10,9% trong giai đoạn 2013-2018.
Hiện tại, Hàn Quốc và Nhật Bản là hai cái tên dẫn đầu thị trường trong tất cả các lĩnh vực, bao gồm cửa hàng tiện lợi, cửa hàng bách hóa và cả mua sắm trực tuyến.
Tập đoàn Lotte đã có mặt tại thị trường bán lẻ Việt Nam từ năm 2008 và cho đến nay đã đầu tư 390 triệu USD. Hiện tại, tập đoàn này sở hữu tất cả 14 trung tâm mua sắm, một cửa hàng bách hóa và hai cửa hàng miễn thuế hoạt động trên toàn quốc.
Tập đoàn CJ đã đặt cọc nhận chuyển nhượng hai khu đất thương mại tại Starlake nhằm tăng sự có mặt tại thị trường Việt Nam trên nhiều lĩnh vực như thực phẩm, giải trí, thương mại điện tử qua các thương hiệu Tous Les Jours, CGV, CJ Korea Express và SCJ TV Homeshopping.
Đối thủ Nhật Bản của Lotte là Aeon vào thị trường Việt Nam từ năm 2011 với số vốn đầu tư 190 triệu USD. Kể từ đó đến nay, Aeon đã xây dựng và vận hành trung tâm mua sắm tại ba thành phố lớn: TP.HCM, Hà Nội và Bình Dương.
Gần đây, Aeon đã đầu tư 280 triệu USD để xây dựng trung tâm thương mại thứ 3 tại Hà Nội. Nếu như hai dự án trước nằm ở ven đô thì lần này, Aeon tiến thẳng vào nội đô, xây dựng trung tâm mua sắm trên khu đất hơn 6 hecta ở quận Hoàng Mai.
Mục tiêu của Aeon đến năm 2025 là đầu tư khoảng 20 trung tâm thương mại tại Việt Nam. Hiện tại, Aeon có 179 liên doanh trong và ngoài Nhật Bản, sở hữu và vận hành 17.000 trung tâm thương mại và cửa hàng.
Toshin Development cũng đang bắt đầu mở rộng kinh doanh tại Việt Nam. Trước đó, tập đoàn chuyên đầu tư các trung tâm thương mại lớn và đã mở trung tâm thương mại Takashimaya rộng 15.000m2 tại TP. HCM. Hồi tháng 7, nhà đầu tư Nhật này đã ký kết mua khu đất rộng 1,7 hecta ở khu đô thị Starlake bên Hồ Tây của Hà Nội để đầu tư một trung tâm thương mại và văn hoá đậm chất Nhật Bản.
Kênh cửa hàng tiện lợi và thương mại điện tử cũng đang phát triển nhanh chóng trong thị trường địa phương. Đặc biệt, thị trường cửa hàng tiện lợi đang bùng nổ do tốc độ đô thị hóa nhanh, mức thu nhập tăng và dân số tiêu dùng trẻ. IGD Research xếp hạng Việt Nam là quốc gia hàng đầu trong số các thị trường cửa hàng tiện lợi phát triển nhanh nhất châu Á vào năm 2021.
Ngoài Aeon, công ty Nhật Bản 7-Eleven cũng đang hoạt động tại Việt Nam. 7-Eleven vào Việt Nam năm 2017 và hiện đang vận hành gần 40 cửa hàng. Công ty này đặt mục tiêu xây dựng 1.000 cửa hàng mới, chủ yếu tập trung vào TP.HCM và Hà Nội. Tuy nhiên có thể nói 7-Eleven vẫn còn bị bỏ xa bởi Circle K với 370 cửa hàng trên toàn quốc.
Chuỗi cửa hàng tiện lợi Hàn Quốc GS25 đã vào Việt Nam vào tháng 1 năm ngoái khi mở một cửa hàng tại TP.HCM thông qua liên doanh với Tập đoàn SonKim, một công ty Hàn Quốc đã nổi lên trong khu vực. Chuỗi này hiện đang vận hành khoảng 50 cửa hàng, nhưng có kế hoạch mở rộng lên 70 vào năm tới và đến 2.000 trong 10 năm tới.
Từ 1/11, GS25 Việt Nam sẽ chính thức triển khai chương trình nhượng quyền với khu vực chiến lược đầu tiên là TP.HCM. Đối tượng công ty nhắm đến là các doanh nghiệp, cá nhân quan tâm đến việc kinh doanh cửa hàng tiện lợi và đáp ứng các tiêu chí đầu vào về vốn, cơ sở hạ tầng.. BGF Retail của Hàn Quốc, nơi điều hành chuỗi cửa hàng tiện lợi CU, gần đây cũng đã ký hợp đồng nhượng quyền chính với Việt Nam CUVN.