MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

"Không chỉ có phương án B, Việt Nam có hẳn C, D, E và F để tiếp nối cho câu chuyện đáng kinh ngạc về thương mại toàn cầu"

Đây là nhận xét của ông Fred Burke, Trưởng nhóm Công tác Đầu tư & Thương mại đưa ra tại Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam giữa kỳ 2017, khi nhận xét về vấn đề Việt Nam đang phải đối mặt: Hoa Kỳ rút khỏi TPP.

Trứng được chia đều các giỏ

Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương – TPP được coi là một hiệp định thương mại đa phương của thế kỷ 21 có thể đem lại lợi ích thu nhập đáng kể cho từng quốc gia trong 12 quốc gia thành viên ký kết hiệp định.

Là quốc gia đang phát triển duy nhất trong nhóm 12 quốc gia, Việt Nam đã có thể thu được rất nhiều lợi ích. “Vì vậy, tất cả chúng ta đều cảm thấy thất vọng trước việc chính quyền mới ở Washington thực hiện cam kết của mình và đã chính thức rút khỏi Hiệp Định gần như là lập tức ngay khi tiếp quản chính quyền”, ông Fred Burke nói.

Dù vậy, ông nhận xét “Việt Nam đã khôn ngoan khi không bỏ hết trứng vào cái giỏ TPP. Trên thực tế, chúng ta có thể nói rằng Việt Nam không chỉ có "Kế hoạch B", mà còn có cả kế hoạch C, D, E và F”.

Ông cũng cho rằng Việt Nam là một ví dụ điển hình về các lợi ích tiềm năng trong thương mại toàn cầu. Việt Nam đã phát triển nhanh chóng từ một quốc gia gần như không có bất kỳ hoạt động thương mại nào vào năm 1990 để trở thành một trong các quốc gia xuất khẩu hàng đầu đáng kể nhất của thế giới trong ngành may mặc và giày dép, hải sản, các sản phẩm nông nghiệp chủ yếu như gạo, cà phê và gia vị, đồ nội thất và gần đây thậm chí còn có các sản phẩm điện tử và phần mềm.

"Vậy làm thế nào để tiếp nối câu chuyện đáng kinh ngạc này?", ông đặt vấn đề

Việt Nam không chỉ có kế hoạch B

Ông Fred Burke chỉ ra Hiệp định Thuận lợi hoá Thương mại, được xem là phương án B, thay cho TPP đã bị huỷ.

Đây là hiệp định đa phương duy nhất trong Vòng đàm phán Doha trong khuôn khổ WTO đã được ký kết, thông qua thành công và có hiệu lực từ ngày 22/2/2017.

Việt Nam phải chuẩn bị rất nhiều để thực thi hiệp định này bao gồm cả việc khởi động Ủy ban Quốc gia về Tạo Thuận lợi Thương mại, và việc ký Hiệp định song phương về Hợp tác Hải quan với các đối tác thương mại chính.

WTO ước tính rằng chỉ riêng hiệp định này cũng có thể làm giảm đến 20% các chi phí cho chuỗi cung ứng toàn cầu, giúp cho các quốc gia thực hiện hiệp định trở nên cạnh tranh hơn trên các thị trường toàn cầu.

Tiếp theo, ông cho biết “Kế hoạch C” dành cho Việt Nam sẽ bao gồm: tiếp tục thực hiện các cam kết của Việt Nam và các thỏa thuận khi gia nhập WTO năm 2007. Bên cạnh đó, thực hiện các Hiệp định Tự do Thương mại đang có hiệu lực khác như Hiệp định Tự do Thương mại giữa Việt Nam và Hàn Quốc đang có các ảnh hưởng đáng chú ý và tích cực lên mối quan hệ thương mại và đầu tư song phương.

Còn kế hoạch D, chính là là tiếp tục thực hiện các mục tiêu được phản ánh trong các hiệp định của Cộng đồng Kinh tế ASEAN với chín quốc gia ASEAN khác.

Trên thực tế, Việt Nam đã trở thành quốc gia ASEAN xuất khẩu hàng đầu vào Hoa Kỳ cũng như dẫn đầu trong công cuộc cải cách và phát triển. Chính ASEAN được kỳ vọng sẽ trở thành nhà xuất khẩu lớn thứ ba trên thế giới vào năm 2018. Điều này tạo các cơ hội thực sự cho các doanh nghiệp Việt Nam thử sức mình tại các thị trường dễ tiếp cận và thân thiện “gần sân nhà”.

Kế hoạch E, theo ông Fred Burke bao gồm việc theo đuổi các thoả thuận song phương và đa phương đang chờ ký kết. Đứng đầu trong danh sách hiện nay là TPP 11 (tức là TPP không có Hoa Kỳ).

Các hiệp định thương mại quốc tế khác đang chờ ký kết và có thể chẳng bao lâu nữa sẽ được hiện thực hoá bao gồm Hiệp định Thương mại Tự do Việt Nam - EU (EVFTA) đã được ký và đang chờ 27 Nghị viện châu Âu phê chuẩn, và Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực ("RCEP")…

Bên cạnh đó, Việt Nam sẽ tiếp tục cải cách – chính là kế hoạch F được trưởng nhóm Công tác Đầu tư & Thương mại chỉ ra.

Cuối cùng là kế hoạch G: Thực hiện Hiệp định Thương mại tự do song phương với Hoa Kỳ. Bởi lẽ, dù rút ra khỏi TPP, nhưng Hoa Kỳ vẫn tuyên bố quyết tâm theo đuổi hiệp định này với Việt Nam.

Nhận xét, ông Fred Burke cho rằng Việt Nam đang ở một vị trí thuận lợi để gặt hái các thành quả bằng cách thực hiện chiến lược hội nhập toàn cầu của mình bất kể việc Hoa Kỳ rút khỏi TPP, dựa trên số lượng các sáng kiến song phương, đa phương và nội địa mà Việt Nam đang theo đuổi.

Đặc biệt là vào thời điểm một vài quốc gia quay lại chủ nghĩa bảo hộ lạc hậu, Việt Nam là một minh chứng đáng tuyên dương về sự hòa nhập với thế giới.

“Chúng tôi mạnh mẽ đề xuất chính phủ kiên quyết tiếp tục theo đuổi chiến lược hội nhập kinh tế toàn cầu của mình bất kể các các trở ngại đôi lúc gặp phải”, ông nói.

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, cũng nêu quan điểm của Chính phủ Việt Nam về hội nhập. Theo đó, khẳng định đây là chủ trương nhất quán, xuyên suốt của Việt Nam. Việt Nam đã, đang ký nhiều hiệp định thế hệ mới với các tiêu chuẩn rất cao. Việt Nam đang nỗ lực hoàn thiện thể chế kinh tế trong nước, tăng cường cạnh tranh quốc gia, năng lực, ,sản phẩm để hội nhập kinh tế quốc tế.

“Đấy là sự nhất quán, cho dù có hay không có hiệp định tự do thương mại như TPP”, ông nhấn mạnh.

Nam Dương

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên