Không chỉ giàu ngang nhau, Elon Musk, Jeff Bezos và Bill Gates còn dùng chung 1 loại "vũ khí" giúp học hỏi nhanh hơn người thường: Ai nắm được thì khó bị bỏ lại đằng sau
Nhanh hay chậm dù chỉ 1 phút cũng có thể tác động đến chuyện thành - bại của mỗi người.
- 07-04-2022Đến ngưỡng U50, bất kể giàu hay nghèo, nhất định phải nắm chắc 2 thứ trong tay thì cuộc sống mới tốt đẹp
- 07-04-2022Ông cụ HUYỀN THOẠI nhất Trung Quốc: 18 năm ngồi tù, 53 tuổi khởi nghiệp, 72 tuổi là tỷ phú giàu nhất một vùng, đến 82 tuổi lại ngậm ngùi nhìn đế chế sụp đổ
- 07-04-2022Từ top đầu trường chuyên Hà Nội đến nghiên cứu sinh Tiến sĩ: Hành trình không dễ như người ta đồn của nam sinh "đừng học giỏi, hãy học đủ"!
Trong suốt 5 năm, doanh nhân kiêm tác giả sách bán chạy Michael Simmons đã dành hàng nghìn giờ đồng hồ để nghiên cứu về thói quen học hỏi của những người thành công.
Sau khi đọc hàng trăm cuốn sách về kỹ năng sống, xem lại hơn 100 bài phỏng vấn của các thiên tài hàng đầu như Elon Musk, Bill Gates, Warren Buffett và Jeff Bezos, ông nhận ra: họ đều có một điểm chung có thể tạm gọi là "trò chơi ẩn".
Cuộc đời là một chuỗi những trò chơi ẩn - mở
Trò chơi mở diễn ra trong thời gian ngắn, có phần thưởng cụ thể. Trò chơi "sự nghiệp" chính là một ví dụ: đi học đạt điểm cao, đỗ đại học danh tiếng, sau đó tốt nghiệp và làm một công việc ổn định.
Trò chơi ẩn diễn ra trong thời gian dài hơn, đem đến phần thưởng hấp dẫn hơn, nhưng trừu tượng đến mức con người còn không biết nó tồn tại. Ví dụ: khởi nghiệp trong một lĩnh vực kém hấp dẫn.
Trò chơi mở dễ dàng và nhanh chóng đem lại kết quả, nhưng không bền vững. Trò chơi ẩn khó hơn và kém hấp dẫn, nhưng sẽ có lợi về lâu dài.
Đây chính là điểm khác biệt lớn nhất. Người thành công tham gia những trò chơi ẩn, còn số đông lại chọn những trò chơi mở. Trò chơi ẩn cho phép những người thành công xây dựng con đường riêng, tạo nên kỳ tích và "giấu tài" bất kể họ nổi tiếng ra sao.
Trò chơi tốc độ - "vũ khí bí mật" của các thiên tài
Những người thành công đều tin rằng tốc độ chính là yếu tố then chốt để bứt phá, dù trong bất kỳ lĩnh vực nào.
Bill Gates từng nói: "Mọi người cần hiểu, nếu họ không đáp ứng đủ nhanh yêu cầu của khách hàng, mà không phải hy sinh chất lượng, một đối thủ khác sẽ làm". Cuốn sách đầu tiên ông viết cũng là về tốc độ. Elon Musk cũng có lần phát biểu: "Tốc độ giải quyết mọi vấn đề".
Trong 7 năm đầu thành lập, tôn chỉ của Amazon là "lớn mạnh nhanh". Khẩu hiệu suốt 10 năm qua của Facebook cũng là "phát triển nhanh và phá vỡ giới hạn". Khi Google mới xuất hiện, mục tiêu của họ là lật đổ Yahoo bằng chính tốc độ tải trang.
Tuy nhiên, tốc độ này không có nghĩa là bạn phải nhanh nhảu, kéo dài giờ làm việc để rồi chất lượng công việc đi xuống, còn cơ thể thì kiệt sức. Tốc độ mà Bill Gates hay Jeff Bezos đang đề cập gồm hai loại: tốc độ xử lý và tốc độ học tập. Nhiều người thường nghĩ cả cả hai là một, nhưng thực tế không phải.
Tốc độ xử lý là hoàn thành nhiều việc bằng cách bỏ ra nhiều công sức hơn, hoặc hoạt động hiệu quả hơn. Ví dụ: đưa ra quyết định nhanh hơn, tìm kiếm công cụ hỗ trợ làm việc nhanh, kéo dài ngày làm việc,...
Tốc độ học hỏi sẽ giúp bạn vận dụng đòn bẩy một cách hiệu quả và không phải hy sinh quá nhiều. Nhờ các phương pháp học hỏi tiến bộ, bạn có thể nâng tốc độ học hỏi lên gấp 10 lần, từ đó làm việc hiệu quả gấp đôi bình thường. Như vậy, bạn sẽ không phải hy sinh sức khỏe và thời gian dành cho gia đình để ở lại cơ quan làm thêm giờ.
Tốc độ xử lý là trò chơi mở, còn tốc độ học hỏi là trò chơi ẩn. Người nào có thể đẩy nhanh cả hai loại tốc độ này sẽ giành chiến thắng.
Tốc độ - bí quyết sinh tồn giữa thế giới không ngừng thay đổi
1. Cuộc sống thay đổi nhanh đến mức, nếu không cải thiện tốc độ của chính mình, chúng ta sẽ bị bỏ lại phía sau
Theo tính toán của Ray Kurzweil - Giám đốc Kỹ thuật tại Google, cuộc sống thay đổi gấp đôi sau mỗi 10 năm. Điều này có nghĩa là vào năm 2040, tốc độ thay đổi của cuộc sống sẽ gấp 4 lần hiện tại. Sau 100 năm nữa, tốc độ đó sẽ tăng lên 1024 lần.
Thế giới đang trở nên toàn cầu hóa và kỹ thuật số hóa. Hàng chục triệu người trên Trái đất này sẽ nhận ra rằng họ đang bị bỏ lại phía sau và không thể bắt kịp mọi thứ. Giải pháp duy nhất để thích nghi là nâng cao tốc độ học hỏi, thay vì chờ đến khi rơi vào tình thế bắt buộc.
2. Nhanh hơn một chút có thể tạo nên sự khác biệt giữa thắng và thua
Một thay đổi nhỏ có thể tạo nên sự khác biệt lớn. Trong thể thao, một điểm cũng phân định kẻ thắng người thua. Trong kinh doanh, điều này lại càng chính xác. Khi những gã khổng lồ như Amazon, Facebook hay Apple trở thành người giỏi nhất, sẽ rất khó để đánh bại họ.
Ông chủ Amazon là minh chứng rõ ràng nhất cho điều này. "Nếu tập trung vào đối thủ, bạn phải chờ tới khi đối thủ ra tay mới có thể hành động. Trái lại, tập trung vào khách hàng sẽ cho phép bạn trở thành người tiên phong", Jeff Bezos nói.
Do đó, phản ứng nhanh đến đâu cũng không bằng chủ động đi trước.
3. Tích tiểu thành đại
Tốc độ rất quan trọng, bởi nhiều cái lợi nhỏ có thể thành nhiều cái lợi lớn theo thời gian.
Bạn có thể trở thành người đầu tiên ra mắt sản phẩm có chất lượng tốt ra thị trường, hay người đầu tiên học hỏi được kỹ năng cần thiết cho công ty. Đây được gọi là "lợi thế của người đi đầu".
Bạn có thể nhanh chóng tiến bộ nhờ liên tục cải thiện từ những phản hồi từ thị trường. Đây được gọi là "lợi thế của người lặp nhanh nhất".
4. Tốc độ là "vũ khí số một" của "chiếu dưới"
Một công ty lớn với hàng chục nghìn nhân viên và hàng tỷ USD lợi nhuận bị đánh bại bởi một nhóm sinh viên bỏ học vừa ăn mì vừa khởi nghiệp trong garage ô tô? Nếu bạn không nghĩ điều này là khả thi, hãy nhìn vào thành công của Amazon.
Năm 1994, Amazon bước chân vào thị trường kinh doanh sách, nơi Barnes & Noble đang là bá chủ. Nếu Barnes & Noble cũng bán sách trực tuyến, Amazon sẽ bị xóa sổ trong vòng một nốt nhạc
Hiểu rõ điều này, Jeff Bezos đã xác định, con đường duy nhất để giành chiến thắng là phải lớn mạnh thật nhanh. Họ cần đủ nhanh để bỏ xa Barnes & Noble, trong trường hợp gã khổng lồ này quyết định tham gia cuộc chiến bán hàng trực tuyến.
Rốt cuộc, chiến lược này của tỷ phú Amazon đã thành công. Mãi đến 3 năm sau, Barnes & Noble mới mở cửa hàng trực tuyến đầu tiên, nhưng đã chậm chân hơn Amazon rất nhiều.
Vì vậy, nếu bạn là một doanh nhân khởi nghiệp hay là sinh viên mới đi làm, nhanh nhạy với thời cuộc cũng là cách để tạo nên sự khác biệt.
5. Những cơ hội nghề nghiệp tốt nhất thường bị giới hạn bởi thời gian
Vào năm 1994, Jeff Bezos đang là Phó Chủ tịch của một quỹ phòng hộ uy tín ở New York. Ông lại vừa kết hôn với nữ đồng nghiệp McKenzie Scott.
Một ngày nọ, khi đang nghiên cứu thị trường, Jeff Bezos nhìn thấy một thông tin thú vị: Thứ mà mọi người gọi là Internet đang phát triển với tốc độ đáng kinh ngạc - 2300%/năm. Ngay lập tức, ông nhận ra đây là một cơ hội có 1-0-2 trong đời mình.
Hãy thử đặt mình vào vị trí của Jeff Bezos trong 1 phút. Sau nhiều năm cống hiến, bạn đang sống một cuộc đời viên mãn với công việc lương cao, vợ đẹp con thơ. Bạn có dám từ bỏ mọi thứ để theo đuổi một thứ mà ngay cả nhiều chuyên gia công nghệ khi đó nghĩ rằng không đáng bận tâm?
Câu trả lời của bạn cũng chính là cách bạn nghĩ về tốc độ.
Người nhanh nhạy sẽ dễ dàng phát hiện ra những thay đổi quan trọng đang diễn ra xung quanh mình. Họ nhanh chóng nắm bắt và đầu tư vào những thứ đem nhiều lợi ích cho mình.
Điều này rất quan trọng, bởi lẽ hầu hết các cơ hội đều bị giới hạn bởi thời gian. Cơ hội càng tốt thì càng được nhiều người chú ý. Do đó, nếu phát hiện ra sớm, bạn sẽ có lợi thế về mặt thời gian.
Làm thế nào để cải thiện tốc độ học tập?
Doanh nhân Michael Simmons chỉ ra, muốn nâng cao tốc độ học tập của bản thân, bạn cần phải làm được 4 việc sau:
- Chọn lọc kiến thức, tránh bị ngợp giữa một "rừng" thông tin
- Tìm kiếm kiến thức mang tính đột phá, có thể giúp bạn duy trì lợi thế cạnh tranh lâu dài
- Áp dụng những phương pháp ghi nhớ hiệu quả để lưu giữ kiến thức đã học
- Sắp xếp thời gian biểu phù hợp để hình thành thói quen học hỏi một cách vững chắc
(Nguồn: Medium)