Giá vàng đang được hỗ trợ tích cực
Giá vàng lại đang trở thành điểm nóng đáng chú ý của các nhà đầu tư, những ngời đang gia tăng lo ngại về nguy cơ lạm phát. Ngoài ra, kim loại quý này còn có thêm một yếu tố hỗ trợ tích cực nữa, đó là sự quan tâm từ hai khách hàng mua vàng vật chất hàng đầu thế giới là Trung Quốc và Ấn Độ.
- 27-05-2021Khởi tố vụ án tiệm vàng bán cả ngàn lượng/ngày, trốn thuế trên 100 tỉ đồng
- 27-05-2021Giá vàng hôm nay 27-5: Tăng tiếp, các ngân hàng trung ương mua gần 100 tấn vàng trong 3 tháng
- 26-05-2021Giá vàng chạm 1.900 USD/ounce
- 23-05-2021Giờ có phải lúc thích hợp nhất để mua vàng đầu tư?
Giá vàng giao ngay kết thúc phiên giao dịch vừa qua (26/5) đã không giữ được mốc 1.900 USD/ounce mà giảm về 1.894,44 USD, sau khi giao dịch ở mức cao 1.912,50 USD trong gần suốt phiên giao dịch. Đó là mức giá cao nhất kể từ ngày 8/1.
Tính từ mức thấp nhất của năm nay là 1.676,10 USD/ounce hôm 8/3 đến nay thì giá vàng thế giới đã tăng tới 13,1%.
Trong nước, giá vàng từ đầu năm đến nay lại gần như không tăng. Giá vàng SJC trên thị trường Hà Nội kết thúc năm 2020 được Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn niêm yết ở mức khoảng 55,50 – 56,10 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra), nay tăng lên khoảng 56,15 - 56,57 triệu đồng/lượng.
Ở thời điểm hiện tại, theo quy đổi thì chênh lệch giá giữa vàng trong nước và vàng thế giới vào khoảng +3,33 triệu đồng/lượng vàng miếng SJC.
Mặc dù mức tăng này có vẻ khiêm tốn nếu so sánh với những "con cưng" của thị trường kim loại như đồng hay quặng sắt, song vàng lại một lần nữa trở thành tâm điểm thu hút sự chú ý của các nhà đầu tư.
Giá hàng hóa trên toàn cầu gần đây tăng mạnh đang làm dấy lên nỗi lo lạm phát đang quay trở lại với nền kinh tế toàn cầu, do các Chính phủ trên khắp thế giới bơm những khoản tiền khổng lồ để kích thích các nền kinh tế - vốn bị tàn phá nặng nề bởi những đợt phong tỏa diện rộng và kéo dài nhằm chống sự lây lan của Covid-19.
Chính điều này hỗ trợ tích cực cho giá vàng, với lý do lạm phát sẽ bùng lên trước khi các ngân hàng trung ương trên thế giới kịp nâng lãi suất để dập tắt nó. Do đó, vàng sẽ lại thực hiện sứ mệnh lịch sử là rào cản chống lại lạm phát gia tăng.
Rõ ràng là từ mấy tuần gần đây, các nhà đầu tư đã quan tâm rất nhiều đến các quỹ giao dịch hoán đổi vàng (ETF), với lượng vàng mà quỹ ETF lớn nhất thế giới - SPDR Gold Trust – nắm giữ đã tăng lên 33,634 triệu ounce hôm 24/5, sau khi tăng đều đặn trong nhiều phiên trở lại đây. Con số này đã cao hơn khoảng 3% so với mức 32.699 triệu ounce hôm 29/4.
Mặc dù việc SPDR tăng nắm giữ vàng chỉ là một tín hiệu nhỏ, bởi tốc độ tăng không nhiều, song hãy nhớ là vào tháng 9 năm ngoái lượng vàng SPDR nắm giữ ở mức cao nhất 7,5 năm cũng chỉ là 41.115 triệu ounce.
Trong khi đó, đồng USD nhiều tháng nay liên tục lao dốc, gần đây chạm mức thấp nhất 5 tháng. Lợi suất trái phiếu Chính phủ Mỹ cũng quay đầu giảm sau những tháng đi lên. Những yếu tố này sẽ hỗ trợ tích cực cho giá vàng tăng.
Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) cho tới nay luôn khẳng định sẽ giữ lập trường chính sách ôn hòa. Một số quan chức Fed cũng nhiều lần khẳng định lập trường chính sách ôn hòa, trong khi Phó chủ tịch Fed Richard Clarida hôm 25/5 cho biết họ có thể kiềm chế sự bùng phát lạm phát nếu điều đó xảy ra mà không làm chệch hướng phục hồi kinh tế.
Quan điểm này luôn được đa số các lãnh đạo của Fed khẳng định mặc dù đã xuất hiện lo ngại rằng lạm phát sẽ tăng mạnh và có thể rơi vào tình trạng khó kiểm soát khi mà giá cả hàng hóa trên phạm vi toàn thế giới gần đây đã tăng mạnh ở mức đáng báo động.
Không riêng ở Mỹ, các nước khác cũng chưa có ý định thay đổi chính sách tiền tệ nới lỏng hiện nay. Một quan chức Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) cho biết ECB không có kế hoạch thu hẹp quy mô thu mua các loại tài sản có giá nhằm hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua khó khăn do Covid-19.
Có một yếu tố ảnh hưởng đến sự "thèm vàng" của các nhà đầu tư là quan điểm cho rằng áp lực lạm phát hiện tại chỉ là tạm thời và sẽ giảm dần trong các quý tới khi những tác động tiêu cực từ việc phong tỏa chống Covid-19 đối với nền kinh tế sẽ qua đi.
Tuy nhiên, đã xuất hiện những dấu hiệu tích cực về nhu cầu vàng từ Ấn Độ và Trung Quốc, với nhu cầu vàng vật chất dường như đang quay trở lại mức gần như bình thường.
Theo số liệu của Refinitiv, nhập khẩu của Ấn Độ trong tháng 4/2021 là gần 70 tấn, giảm so với 103 tấn của tháng 3, nhưng con số của tháng 3 là mức cao nhất trong vòng gần 2 năm, và lượng nhập trong tháng 4 vẫn cao thứ 2 kể từ năm 2020 đến nay.
TD Securities cho biết: "Với việc các nhà đầu tư vẫn đang báo động về lạm phát, mối quan tâm của các tổ chức đối với các kim loại quý có khả năng tiếp tục tăng sau những tháng dòng tiền chảy khỏi nhóm tài sản này".
Có một số yếu tố khác cần lưu ý khi xem xét về thị trường vàng Ấn Độ, đó là nguyên nhân chính khiến nhu cầu vàng giảm là do những đợt bùng phát Covid-19. Do đó, nhu cầu vàng của nước này có thể cũng sẽ tiếp tục giảm trong tháng 5, thậm chí có thể cả tháng 6 và 7.
Tuy nhiên, mô hình tiêu thụ gần đây của Ấn Độ cho thấy là ngay sau khi nước này kiểm soát được mỗi đợt bùng phát Covid-19 thì nhu cầu vàng lại bật tăng mạnh sau những ngày bị dồn nén vì chính sách phong tỏa chống dịch.
Điều đó có nghĩa là vào một thời điểm nào đó trong năm nay, có nhiều khả năng hoạt động mua vàng vật chất của Ấn Độ sẽ góp phần tích cực đẩy giá vàng tăng lên.
Nhu cầu vàng của Trung Quốc và Ấn Độ
Một yếu tố quan trọng nữa cũng không thể bỏ qua, đó là sự hồi phục của nền kinh tế Trung Quốc.
Nhu cầu vàng ở nước này đã có nhiều dấu hiệu cải thiện, khi nhu cầu trong quý I đạt 191,1 tấn, là quý có nhu cầu cao nhất kể từ 2015 đến nay, theo dữ liệu của Hội đồng Vàng thế giới.
Nếu so sánh với qúy I/2020, khi nhu cầu lao dốc bởi Covid-19 thì nhu cầu trong quý I/2021 ở Trung Quốc tăng đến 212%, và cũng cao hơn khoảng 4% so với quý I/2019, cho thấy "sức mạnh" thực sự về nhu cầu vàng ở Trung Quốc.
Dự báo hoạt động mua mạnh ở Trung Quốc sẽ còn tiếp diễn, vì nhập khẩu ròng vàng qua Hồng Kông trong tháng 4/2021 đạt mức cao nhất kể từ tháng 12/2019, theo dữ liệu của Chính phủ Trung Quốc.
Hồng Kông là một trong những nguồn cung cấp vàng nhập khẩu chính cho thị trường Trung Quốc và đóng vai trò như một chỉ báo quan trọng về nhu cầu vàng của Trung Quốc.
Với việc Trung Quốc khá thành công trong công cuộc kiềm chế sự lây lan của Covid-19 cũng như trong quá trình hồi phục kinh tế hậu Covid-19 thì rất có thể nhu cầu vàng ở thị trường này sẽ vẫn mạnh trong thời gian từ nay đến hết năm 2021.
Ngoài ra, các ngân hàng trung ương (NHTW) cũng đang rục rịch tăng cường mua vàng. Theo Hội đồng vàng thế giới (WGC), sự quan tâm trở lại của các NHTW đối với vàng sau khi giá kim loại quý giảm mạnh vào các tháng đầu năm 2021. Cụ thể, từ tháng 1 đến tháng 3/2021, các NHTW trên thế giới đã mua 95,5 tấn vàng
Ngân hàng Commerzbank (Đức) nhận định nhu cầu mua vàng từ các NHTW là yếu tố quan trọng hỗ trợ cho giá vàng lại tỏa sáng.
Commerzbank dẫn dữ liệu từ Quỹ Tiền tệ Quốc tế cho thấy trong tháng 4/2021, NHTW Thái Lan đã mua 43,5 tấn vàng, các NHTW khác cũng bổ sung dự trữ vàng, bao gồm Uzbekistan mua 8,4 tấn vàng, Kazakhstan tăng số lượng nắm giữ thêm 4,4 tấn…
Báo cáo quý I/2021 của WGC cho thấy tổ chức này kỳ vọng các NHTW tiếp tục mua vàng trong năm 2021 vì tin rằng tâm lý tích cực đối với vàng không thay đổi trong cộng đồng ngân hàng.
Nếu nhu cầu vàng vật chất ở Trung Quốc và Ấn Độ tiếp tục phục hồi từ nay đến cuối năm, cộng với việc một số NHTW và nhà đầu tư tăng hoặc đưa vàng vào danh mục đầu tư vì lo ngại về lạm phát thì triển vọng của thị trường vàng đang thực sự chuyển sáng.
Tham khảo: Refinitiv