MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Không chỉ là tiền, vaccine Covid-19 còn là cơ hội truyền thông tuyệt vời cho các hãng dược

15-03-2021 - 11:04 AM | Tài chính quốc tế

Ảnh minh họa - Ảnh: Reuters.

Ảnh minh họa - Ảnh: Reuters.

Ngoài doanh thu và lợi nhuận lớn, vaccine Covid-19 còn là cú huých PR cực kỳ hiệu quả cho các hãng dược...

Những loại vaccine ngừa Covid-19 đang được phân phối trên toàn cầu được kỳ vọng sẽ chấm dứt đại dịch tồi tệ nhất trong 1 thế kỷ trở lại đây.

Đồng thời, những vaccine này cũng đồng nghĩa với hàng trăm tỷ doanh thu cho các công ty dược sản xuất ra chúng.

CANH BẠC TỶ ĐÔ

Theo trang CNN Business, dù có giá chưa đầy 20 USD/liều, vaccine Covid do hãng Pfizer hợp tác phát triển với BioNTech có thể đạt tổng doanh thu 15 tỷ USD trong năm nay, với tỷ suất lợi nhuận gần 30%.

Thông thường, vaccine là những sản phẩm mang lại lợi nhuận đậm nhất trong danh mục thuốc của các hãng dược lớn, đặc biệt nếu so với những thuốc dùng để chữa bệnh kinh niên.

"Nếu đặt lên bàn cân để so sánh, thì vaccine cúm có một tỷ suất lợi nhuận thấp hơn", nhà phân tích Seamus Fernandez thuộc Guggenheim Securities phát biểu. Cũng có một số ngoại lệ, chẳng hạn vaccine Prevnar dùng để ngừa bệnh viêm phổi do phế cầu ở người già - loại vaccine được ông Fernandez miêu tả là mang lại "siêu lợi nhuận" cho Pfizer. Dù vậy, vaccine Covid nhiều khả năng vẫn sẽ là "cỗ máy in tiền" lớn hơn cho hãng dược Mỹ này.

Phát triển vaccine ngừa Covid là một "canh bạc" đối với tất cả những công ty dược từng thử làm việc này, ngay cả đối với những hãng nhận hỗ trợ của chính phủ.

"Sẽ là một vụ làm ăn tồi tệ nếu vaccine thất bại. Trong trường hợp đó, công ty chấp nhận thua lỗ", ông Fernandez nói. "Đối với Pfizer, Moderna và Johson & Johnson, vaccine Covid đã thành công khá rực rỡ".

Johson & Johnson tuyên bố sẽ cung cấp vaccine Covid trên cơ sở phi lợi nhuận chừng nào thế giới còn phải đương đầu với đại dịch. Nhưng điều đó không có nghĩa là hãng không kiếm được tiền từ vaccine này. Đó là bởi giới chuyên gia và các hãng dược đều tin rằng, cho dù đại dịch có chấm dứt, người dân các nước vẫn sẽ cần tiêm nhắc lại vaccine Covid để bảo vệ bản thân khỏi những biến chủng mới của virus.

"Đột biến gen xảy ra một cách tự nhiên trong quá trình virus nhân đôi và lây lan", Tổng giám đốc (CEO) Albert Bourla của Pfizer phát biểu trong một cuộc trao đổi mới đây với các nhà phân tích. "Rất có khả năng trong vài năm nữa, những người đã tiêm vaccine Covid phải được tiêm nhắc lại bằng vaccine có thể chống được biến chủng mới".

Như vậy, các hãng dược sẽ kiếm thêm được doanh số, và đương nhiên thêm lợi nhuận, từ vaccine Covid.

Trong một cuộc trao đổi với hãng tin CNBC cách đây ít hôm, ông Bourla lên tiếng bảo vệ việc Pfizer kiếm lợi nhuận lớn từ vaccine Covid trong khi Johnson & Johnson cung cấp vaccine Covid trên cơ sở phi lợi nhuận. Ông Bourla nhấn mạnh rằng ở những nước nghèo không đủ khả năng mua vaccine của Pfizer với giá gần 20 USD/liều, vaccine này đang được cung cấp với giá vốn. Ông cũng nói rằng không giống như các công ty khác, Pfizer không nhận một đồng trợ cấp nào từ chính phủ để phát triển vaccine và đã phải đối mặt với nguy cơ mất 1-2 tỷ USD tiền đầu tư cho nghiên cứu và phát triển (R&D).

"Giá trị mà vaccine này mang lại cho thế giới là rất lớn, lớn hơn rất nhiều so với giá tiền", ông Bourla nói. "Không chỉ giá trị sức khỏe mà giá trị kinh tế cũng rất lớn. Hiện tại, người dân Mỹ đang được tiêm miễn phí, nhưng chi phí mà Chính phủ Mỹ phải bỏ ra chỉ bằng một phần nhỏ so với những gì mà nền kinh tế nhận được".

CÚ HUÝCH PR

Nhưng dù mang lại doanh thu và lợi nhuận béo bở, vaccine Covid vẫn chưa phải là một nhân tố thay đổi cuộc chơi đối với nhiều hãng dược lớn.

Chẳng hạn, Pfizer kỳ vọng doanh thu dao động từ 44-46 tỷ USD trong năm nay, với lợi nhuận đạt ít nhất 14 tỷ USD, chưa tính đến bất kỳ sự tăng trưởng doanh thu nào nhờ vaccine Covid. Năm ngoái, doanh thu của Pfizer đã đạt 41,9 tỷ USD. Ngoài ra, giá cổ phiếu của Pfizer và các hãng dược lớn khác cũng thua kém chỉ số S&P 500 về mức tăng trong vòng 12 tháng qua.

Nhưng có một ngoại lệ là Moderna - hãng dược còn tương đối non trẻ và cho tới năm 2019 vẫn chưa có sản phẩm nào được cấp phép để bán ra thị trường. Năm 2019, Moderna đạt doanh thu vỏn vẹn 60 triệu USD, nhưng trong năm 2020, hãng nhận tới 529 triệu USD tiền trợ cấp của Chính phủ Mỹ để phát triển vaccine Covid và thu về 200 triệu USD từ hợp đồng bán sớm vaccine này. Theo dự báo, doanh thu của Moderna trong 2021 sẽ là 16 tỷ USD, chủ yếu đến từ việc bán vaccine. Trong vòng 12 tháng qua, giá cổ phiếu Moderna đã tăng 187%.

Đến nay, chính phủ các quốc gia trên thế giới đã đặt mua 18 tỷ liều vaccine Covid-19, theo dữ liệu từ công ty nghiên cứu Airfinity có trụ sở ở London. Số vaccine này thừa để tiêm 2 mũi cho tất cả dân số gần 8 tỷ người trên hành tinh. Lượng vaccine này được đặt mua từ trước khi các chính phủ biết chắc vaccine nào sẽ thành công hoặc sản lượng của một vaccine có đủ để đáp ứng nhu cầu hay không.

Trên thực tế, một số vaccine đã thất bại trong quá trình phát triển

Một lý do khiến hãng dược Merck có công suất dư thừa để tham gia sản xuất vaccine Covid của hãng Johnson & Johnson là bởi vaccine Covid của Merck đã thất bại. Hôm thứ Năm, Đan Mạch, Iceland, và Na Uy đã đình chỉ việc sử dụng vaccine Covid-19 của hãng dược AstraZeneca và Đại học Oxford, sau khi có thông tin nói rằng vaccine này có thể gây nghẽn mạch máu. Một số hãng khác, như GlaxoSmithKline và đối tác Sanofi vẫn đang thử nghiệm vaccine Covid và đợi sự phê chuẩn ban đầu từ cơ quan chức năng.

Nhưng cho dù có mang lại hàng tỷ USD lợi nhuận cho mỗi hãng dược hay không, vaccine Covid-19 rõ ràng là một cú huých PR lớn chưa từng thấy cho ngành công nghiệp dược phẩm. Người bệnh dùng thuốc thường chỉ nhớ tên thuốc chứ ít khi để ý đến tên của nhà sản xuất. Trái lại, vaccine Covid mang lại cho các hãng dược bước phát triển thương hiệu lớn nhất từ trước đến nay - theo giáo sư Tinglong Dai thuộc Đại học John Hopkins.

"Đã có một thay đổi rất lớn trong nhận thức của mọi người về các hãng dược", ông Dai nói. "Đó không còn là những công ty tham lam bán thuốc với giá cắt cổ nữa, mà là những người cứu thế giới. Một phương thức PR cực kỳ tốt".

Theo An Huy

VnEconomy

Trở lên trên