Không chỉ tăng trưởng GDP đạt mức ấn tượng, quy mô kinh tế Việt Nam còn có kết quả vượt dự báo, có khả năng vượt Philippines?
Dù tình hình thế giới năm 2024 tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường với nhiều yếu tố rủi ro, bất định nhưng kinh tế Việt Nam lại gặt hái được vô số các kết quả tích cực, mở ra triển vọng phát triển trong thời gian tới.
Năm 2024, tình hình thế giới tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường với nhiều yếu tố rủi ro, bất định. Tuy nhiên, kinh tế thế giới đang dần ổn định khi thương mại hàng hóa toàn cầu được cải thiện trở lại, áp lực lạm phát giảm dần, điều kiện thị trường tài chính tiếp tục được nới lỏng, thị trường lao động phục hồi tích cực.
Trong bối cảnh đó, tình hình kinh tế - xã hội Việt Nam năm 2024 tiếp tục xu hướng phục hồi rõ nét. Tăng trưởng khởi sắc dần qua từng tháng, từng quý. Lạm phát thấp hơn mục tiêu, các cân đối lớn được bảo đảm, kết quả trên nhiều lĩnh vực quan trọng đạt và vượt mục tiêu.
Cụ thể, Tổng sản phẩm trong nước (GDP) quý IV/2024 ước tính tăng 7,55% so với cùng kỳ năm trước, chỉ thấp hơn quý IV các năm 2017, 2018 trong giai đoạn 2011-2024 , duy trì xu hướng quý sau cao hơn quý trước (quý I tăng 5,98%, quý II tăng 7,25%, quý III tăng 7,43%).
GDP năm 2024 ước tính tăng 7,09% so với năm trước, chỉ thấp hơn tốc độ tăng của các năm 2018, 2019 và 2022 trong giai đoạn 2011-2024. Trong mức tăng tổng giá trị tăng thêm toàn nền kinh tế, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 3,27%, đóng góp 5,37%; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 8,24%, đóng góp 45,17%; khu vực dịch vụ tăng 7,38%, đóng góp 49,46%.
Thông tin tại họp báo công bố số liệu thống kê kinh tế - xã hội quý 4 và năm 2024, bà Nguyễn Thị Hương, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê nhận định, với mức tăng trưởng 7,09%, Việt Nam nằm trong nhóm các quốc gia tăng trưởng cao trong khu vực và thế giới. Đây cũng là mức tăng trưởng nổi bật trong 13 năm trở lại đây.
"Đây là con số chứng minh với thế giới, khu vực về sự phục hồi rất mạnh mẽ của nước ta trong năm 2024 về phát triển kinh tế", bà Nguyễn Thị Hương - Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê cho biết.
GDP bình quân đầu người năm 2024 ước đạt 114 triệu đồng/người, tương đương 4.700 USD, tăng 377 USD so với năm 2023.
Năng suất lao động của toàn nền kinh tế năm 2024 theo giá hiện hành ước đạt 221,9 triệu đồng/lao động, tương đương 9.182 USD/lao động, tăng 726 USD so với năm 2023.
Đối với quy mô kinh tế, báo cáo của Tổng cục Thống kê cho biết, quy mô GDP nền kinh tế theo giá hiện hành năm 2024 ước đạt 11.511,9 ngàn tỷ đồng, tương đương 476,3 tỷ USD.
Đối chiếu với dữ liệu dự báo của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) trước đó, quy mô GDP Việt Nam thực tế đã đạt kết quả cao hơn so với dự báo. Cụ thể, IMF ước tính, quy mô GDP của khu vực Đông Nam Á nói chung theo giá hiện hành ước đạt khoảng 5,5 nghìn tỷ USD.
Trong đó, Indonesia dẫn đầu khu vực với quy mô GDP đạt khoảng 1,4 nghìn tỷ USD. Xếp thứ hai là Singapore với quy mô GDP năm 2024 ước đạt 530,7 tỷ USD. Theo sau lần lượt là Thái Lan và Philippines, với quy mô GDP theo giá hiện hành lần lượt ước đạt 528,9 tỷ USD và 470 tỷ USD.
Đối với Việt Nam, IMF cho biết, quy mô GDP của Việt Nam năm 2024 ước đạt khoảng 448,4 tỷ USD, xếp thứ 5 trong khu vực. Với kết quả này, quy mô kinh tế của Việt Nam năm 2024 xếp trên Malaysia (439,75 tỷ USD), Myanmar (64,2 tỷ USD), Campuchia (47,15 tỷ USD), Lào (14,95 tỷ USD), Brunei (15,71 tỷ USD), và Đông Timor (2 tỷ USD).
Song, với con số quy mô thực tế được Tổng cục Thống kê công bố, thứ hạng về quy mô kinh tế của Việt Nam ở khu vực Đông Nam Á có thể thay đổi. Cụ thể, với quy mô GDP năm 2024 đạt trên 476 tỷ USD, Việt Nam có khả năng vượt Philippines để trở thành nền kinh tế lớn thứ 4 trong khu vực Đông Nam Á.
Tuy nhiên, đây mới chỉ là so sánh dựa trên dự báo của IMF. Số liệu chính thức về quy mô của từng nền kinh tế Đông Nam Á sẽ được các nước công bố trong thời gian tới.
Nhịp sống thị trường