MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Không chỉ Vietnam Airlines "lép vế" trước Vietjet, nhiều hãng hàng không truyền thống cũng đang lâm cảnh thất thế tại châu Á

29-03-2017 - 11:49 AM | Doanh nghiệp

Taxi, xe ôm truyền thống với chi phí cao hơn đang ngày càng trở nên lép vế trước Grab, Uber. Trong lĩnh vực hàng không, thật khó để có thể xuất hiện mô hình kinh tế chia sẻ nhưng hàng không chi phí thấp (low cost carrier) cũng đang chiếm lĩnh thị phần của các hàng không danh tiếng bởi mô hình kinh doanh phù hợp xu thế thị trường, chi phí hợp lý và sự năng động.

Năm 2016 là một năm với nhiều tín hiệu tích cực cho ngành hàng không với tổng lượng hành khách chuyên trở toàn thế giới lên tới 3,6 tỷ người, trong đó đáng lưu ý là sự phát triển mạnh mẽ của mô hình hàng không chi phí thấp và thành công của các hãng hàng không hoạt động theo mô hình này.

Tại châu Á Thái Bình Dương, hãng hàng không chi phí thấp ngày càng chiếm lợi thế trong khi nhiều hãng hàng không quốc gia danh tiếng trong khu vực như Japan Airlines, Thai Airways hay Malaysia Airlines… nhất là các hãng hàng không quốc gia dưới sự bảo trợ của chính phủ vất vả giải bài toán thị trường và chi phí vận hành.

Thái Lan có thể nói là một trong những thị trường hàng không phát triển nhanh và năng động nhất khu vực châu Á Thái Bình Dương, đồng thời đây cũng là thị trường cạnh tranh khốc liệt nhất khu vực khi hiện có tới 38 doanh nghiệp khai thác các đường bay nội địa, nhưng chỉ riêng 4 hãng hàng không là Thai AirAsia, Nok Air, Thai Airways và Bangkok Airways đã chiếm hơn một nửa hoạt động hàng không của nước này.

Đáng chú ý, bốn trong năm cái tên dẫn đầu thị trường nội địa Thái Lan là hãng hàng không chi phí thấp.

Vị trí dẫn đầu về thị phần chuyên chở hành khách thuộc về Thai AirAsia với 29,5%, xếp ngay sau là Nok Air (công ty do Thai Airways nắm giữ cổ phần chính) với 20,3%, Thai Lion Air với 18,7%, Bangkok Airways với 11% và Thai Smile với 10,5%. Trong khi đó, hãng hàng không Quốc gia Thai Airways do Bộ Tài chính Thái Lan nắm giữ 51% cổ phần chỉ chiếm thị phần khiêm tốn 9,1%.

Mặc dù 2016 là một năm thuận lợi với ngành hàng không nhưng Nok Air là một ngoại lệ. Hãng hàng không 13 năm tuổi với 39% cổ phần thuộc về Thai Airways năm ngoái ghi nhận khoản lỗ kỷ lục 3,28 tỷ baht, tương đương xấp xỉ 94,55 triệu USD. Theo báo cáo, khoản lỗ của Nok Air cao hơn dự báo bởi chi phí hoạt động tăng mạnh. Cổ phiếu Nok Air được niêm yết năm 2013, giá trị thị trường của hãng hàng không này hiện vào khoảng 4,7 tỷ baht, tương đương 130 triệu USD.

Tập đoàn mẹ Thai Airways thì ghi nhận khoản lãi ít ỏi 47 triệu baht (1,35 triệu USD), sau khi thua lỗ 13 tỷ baht (374,75 triệu USD) năm 2015, 15,6 tỷ baht (449,7 triệu USD) năm 2014 và 12 tỷ baht (345,9 triệu USD) năm 2013.

Năm 2015, câu chuyện đánh bom tại Thái Lan và những bất ổn chính trị cũng ảnh hưởng đến ngành du lịch. Sang năm 2016 Thai Airways có lãi trở lại nhưng con số vẫn không mấy ấn tượng. Câu chuyện của các hãng hàng không truyền thống như Thai Airways hay Nok Air nằm ở chỗ các doanh nghiệp này phải dựa vào nguồn vốn vay để mua máy bay trong khi các chi phí khác không được tiết kiệm triệt để. Tổng nợ của Thai Airways đến 31/12/2016 lên đến 249,5 tỷ bath, hệ số nợ trên vốn chủ sở hữu lên tới 7 lần.

Các hãng hàng không chi phí thấp trở nên hiệu quả hơn so với các hãng hàng không truyền thống vì ngoài việc sở hữu những máy bay mới, hàng không chi phí thấp cũng đặc biệt chỉ sử dụng một loại máy bay. Điều này giúp họ tiết kiệm được chi phí sửa chữa và việc đào tạo, huấn luyện nhân viên dễ dàng hơn một số mô hình sử dụng nhiều loại máy bay khác.

Trong khi đó, với hãng hàng không tư nhân chi phí thấp Thai AirAsia thì câu chuyện lại sáng sủa hơn nhiều khi tổng doạnh thu lên tới 32,4 tỷ baht (934 triệu USD) và lợi nhuận ròng năm ngoái là 3,4 tỷ baht (98 triệu USD), tăng 71% so với năm 2015. Năm 2016 cũng là năm Thai AirAsia mở thêm 12 đường bay mới và nâng tổng số máy bay vận hành lên 51.

Với kết quả kinh doanh trái chiều như trên thì không có gì khó hiểu khi giá cổ phiếu Thai AirAsia tăng 18% năm qua trong khi của Thai Airway chỉ tăng 6%.

Diễn biến giá cổ phiếu Thai AirAsia (màu cam) và Nok Air (màu xanh) 1 năm qua (Nguồn: Bloomberg)

Diễn biến giá cổ phiếu Thai AirAsia (màu cam) và Nok Air (màu xanh) 1 năm qua (Nguồn: Bloomberg)

Hãng hàng không quốc gia Malaysia Airlines, với 69% cổ phần thuộc sở hữu của quỹ đầu tư lợi ích Malaysia. Chính phủ Malaysia đã phải đẩy mạnh rà soát chiến lược kinh doanh cho hãng này, thậm chí tính đến chuyện đổi tên để cứu vớt hãng hàng không quốc gia này. Cuối năm 2014, Malaysia Airlines hủy niêm yết trên sàn chứng khoán Malaysia khi được thâu tóm bởi quỹ đầu tư quốc gia Khazanah Nasional.

Người Malaysia có thể lo ngại cho số phận hãng hàng không quốc gia nhưng cũng có thể tự hào bởi một tên tuổi hàng đầu trong ngành hàng không giá chi phí thấp là AirAsia. Năm 2016, Air Asia được Skytrax bầu chọn là hãng hàng không chi phí thấp tốt nhất thế giới, vượt qua nhiều tên tuổi hàng đầu khác như Virgin America, Norwegian…

Năm 2016, tập đoàn AirAsia có lợi nhuận 2,15 tỷ ringgit (485 triệu USD), tăng 2% so với năm 2015. Doanh thu của tập đoàn này năm ngoái cũng tăng từ 10,79 tỷ ringgit (2,43 tỷ USD) năm 2015 lên 12,02 tỷ ringgit (2,7 tỷ USD). Theo CEO Fernandes của tập đoàn AirAsia, AirAsia Bhd, Thai AirAsia và Indonesia AirAsia đã góp phần lớn vào lợi nhuận hoạt động của tập đoàn này.

Câu chuyện về Japan Airlines (JAL) là một bài học khác cho các hãng hàng không truyền thống. Năm 2010, JAL - hãng hàng không lớn nhất châu Á lúc bấy giờ tuyên bố phá sản đã gây ra cú sốc lớn đối với cả khu vực. JAL khi đó rơi vào tình trạng tê liệt vì nhiều năm quản lý kém với khoản nợ lên tới 25 tỷ USD. Mặc dù tiếp tục bay sau đó nhờ khoản cứu trợ 600 tỷ yên, tương đương 6,6 tỷ USD từ chính phủ, JAL vẫn là một “nốt trầm” lớn trong lịch sử kinh tế Nhật Bản.

Có thể thấy mô hình hàng không chi phí thấp ngày càng chiếm ưu thế. Trong khi đó, các hãng hàng không hoạt động theo mô hình truyền thống, nhất là có nguồn gốc là hàng không quốc gia, vốn nhà nước thì đa phần gặp khó khăn trong phát triển thị trường.

Từ đó có thể thấy, việc Vietnam Airlines hoạt động kém hiệu quả, vay nợ lớn, lợi nhuận thấp, lợi nhuận thấp cũng là xu thế chung trên thế giới và trong khu vực, không chỉ riêng ở Việt Nam.

Theo Lan Anh

Trí thức trẻ

Trở lên trên