Không cho phép dùng ngân sách “cứu” doanh nghiệp nhà nước, xử lý nợ xấu
Không sử dụng ngân sách nhà nước để cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước, xử lý nợ xấu hệ thống ngân hàng thương mại nhà nước.
- 04-11-2016Giảm từ 30%- 50% xe công tới năm 2020: Tiết kiệm cho ngân sách gần 4.000 tỉ đồng
- 04-11-2016Cơ cấu lại ngân sách: Con đường thoát hiểm gần như duy nhất
- 03-11-2016Cắt giảm chi ngân sách: Tránh khiến địa phương quá “sốc“
Đó là một trong nội dung đáng chú ý tại Nghị quyết về Kế hoạch tài chính 5 năm quốc gia giai đoạn 2016-2020 vừa được Quốc hội thông qua sáng 9/11 với đa số phiếu tán thành.
Nghị quyết về Kế hoạch tài chính 5 năm quốc gia giai đoạn 2016-2020 nêu rõ, kiểm soát chặt chẽ các chỉ tiêu nợ công trong giới hạn cho phép; hạn chế tối đa cấp bảo lãnh Chính phủ cho các khoản vay mới; kiểm soát chặt chẽ bội chi và nợ chính quyền địa phương; bố trí nguồn bảo đảm trả nợ đầy đủ, đúng hạn. Không chuyển vốn vay về cho vay lại, bảo lãnh Chính phủ thành vốn cấp phát ngân sách nhà nước.
Không sử dụng ngân sách nhà nước để cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước, xử lý nợ xấu hệ thống ngân hàng thương mại nhà nước, cấp vốn điều lệ cho tổ chức tín dụng thương mại hoặc đóng góp cổ phần tại các tổ chức tài chính quốc tế. Các khoản vay mới chỉ thực hiện sau khi đã đánh giá đầy đủ tác động lên quy mô nợ công và khả năng trả nợ trong trung hạn.
Đồng thời đẩy mạnh việc cơ cấu lại và nâng cao chất lượng quản trị, hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp nhà nước. Nghiên cứu việc thành lập cơ quan chuyên trách làm đại diện chủ sở hữu, quản lý vốn nhà nước.
Đẩy mạnh thực hiện thoái vốn đầu tư ngoài ngành và vốn nhà nước tại các doanh nghiệp nhà nước không cần nắm giữ hoặc nắm quyền chi phối theo cơ chế thị trường đảm bảo tối đa hóa lợi ích của nhà nước và người dân.
Nghị quyết cũng nêu rõ, giai đoạn này sẽ tăng cường thanh tra, kiểm tra, kiểm toán để chống thất thu, ngăn chặn các hành vi gian lận thương mại, chuyển giá, trốn thuế, chống thất thoát, lãng phí trong chi ngân sách Nhà nước, đặc biệt là trong chi đầu tư xây dựng cơ bản.
Cùng với việc nghiên cứu việc thành lập cơ quan chuyên trách làm đại diện chủ sở hữu, quản lý vốn Nhà nước, giai đoạn 2016-2020 cũng thực hiện rà soát cơ chế quản lý tài chính đối với một số doanh nghiệp Nhà nước, doanh nghiệp có vốn Nhà nước đảm bảo theo đúng quy định của Luật Quản lý, sử dụng vốn Nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp và các Luật về thuế.
Bizlive