MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Không chủ quan trước áp lực lạm phát

Trong vấn đề kiểm soát lạm phát, cần tính đến việc tăng lương từ ngày 1-7. Bởi lẽ, khi lương tăng, nhiều mặt hàng thiết yếu dự báo có xu hướng tăng theo.

Dù chịu nhiều áp lực từ những biến động trên thị trường quốc tế và trong nước song lạm phát ở nước ta vẫn trong tầm kiểm soát. Tuy nhiên, áp lực lạm phát vẫn là một trong những vấn đề đáng lưu ý ở những tháng còn lại của năm 2024. Mục tiêu kiểm soát lạm phát năm 2024 được Quốc hội đề ra là khoảng 4%-4,5%.

Chủ động kiểm soát tình hình

Theo số liệu mới nhất của Tổng cục Thống kê - Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH-ĐT), chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 5-2024 tăng 0,05% so với tháng trước, tăng 1,24% so với tháng 12-2023 và tăng 4,44% so với cùng kỳ năm 2023. Bình quân 5 tháng qua, CPI tăng 4,03% so với cùng kỳ năm 2023 và đã xuất hiện xu hướng tăng qua từng tháng. Trong mức tăng này, 10/11 nhóm hàng hóa - dịch vụ có chỉ số giá tăng, 1 nhóm có chỉ số giá giảm.

Cơ quan thống kê nhìn nhận đây là mức tăng khá cao. Do đó, cần chủ động kiểm soát tình hình, nhận diện các yếu tố có thể đẩy lạm phát tăng cao hơn trong thời gian tới.

Bộ KH-ĐT cho rằng áp lực lạm phát đến từ phía cầu là không lớn mà chủ yếu đến từ phía cung, đó là chi phí sản xuất. Đây là vấn đề cần đặc biệt lưu ý, theo dõi sát để chủ động có giải pháp điều hành giá. Thời gian qua, chi phí sản xuất của nền kinh tế tiếp tục tăng do chi phí hầu hết các yếu tố đầu vào sản xuất đều tăng tương đối, kéo theo lạm phát chi phí đẩy.

Theo Bộ trưởng Bộ KH-ĐT Nguyễn Chí Dũng, nền kinh tế đối mặt thách thức ngày càng lớn cả về tăng trưởng lẫn kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô. Lạm phát có thể tăng do biến động nguồn cung, giá cả thế giới; do nhu cầu sử dụng điện, vận tải hành khách trong nước tăng khi vào mùa cao điểm nắng nóng và du lịch hè. Đồng thời, tỉ giá dự báo tiếp tục chịu áp lực điều chỉnh do sức ép từ bên ngoài.

"Do đó, cần có giải pháp điều hành giá chặt chẽ, thận trọng, phù hợp, kịp thời để đạt mục tiêu ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng gắn với giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát"- Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh.

Các chuyên gia kinh tế cũng nhìn nhận áp lực lạm phát trong năm 2024 vẫn khá lớn, do đó không được chủ quan. Chuyên gia kinh tế - TS Lê Đăng Doanh nhận định áp lực này càng lớn khi việc cải cách tiền lương sẽ được thực hiện từ ngày 1-7. Do đó, ông cho rằng cần có kịch bản điều hành phù hợp, nhịp nhàng để vừa kiểm soát lạm phát theo mục tiêu mà Quốc hội đề ra vừa đạt được hiệu quả thiết thực về chính sách cải cách tiền lương.

Cùng lo ngại, bà Nguyễn Thị Yến, Ủy viên Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội, nêu quan điểm trong vấn đề kiểm soát lạm phát, cần tính đến việc tăng lương từ ngày 1-7. Bởi lẽ, khi tăng lương, nhiều mặt hàng thiết yếu dự báo có xu hướng tăng theo.

Trong Nghị quyết phiên họp thường kỳ tháng 5-2025, Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành, địa phương nắm chắc tình hình thị trường, cân đối cung cầu, giá cả hàng hóa để có giải pháp phù hợp và hiệu quả, nhất là đối với các mặt hàng xăng dầu, hàng hóa thiết yếu, nhà ở và lương thực thực phẩm. Bên cạnh đó, cần chuẩn bị các phương án giá, lộ trình điều chỉnh giá những mặt hàng, dịch vụ do nhà nước quản lý; không tăng giá đột ngột hay tăng giá cùng một thời điểm; hạn chế tác động, bảo đảm kiểm soát lạm phát theo mục tiêu đề ra.

Không chủ quan trước áp lực lạm phát- Ảnh 1.

Cần kiểm soát giá cả hàng hóa khi thực hiện cải cách tiền lương. Ảnh: HOÀNG TRIỀU

3 kịch bản

Theo Thứ trưởng Bộ Tài chính Lê Tấn Cận, dự báo thị trường thời gian tới có một số yếu tố gây áp lực lên mặt bằng giá, như: giá dịch vụ giáo dục, y tế, giá điện...

Ngoài ra, Bộ Tài chính dự báo giá một số nguyên vật liệu, hàng hóa, dịch vụ tiêu dùng thiết yếu... có thể tăng; giá xăng dầu còn biến động phức tạp theo diễn biến giá và cung cầu thế giới. Đáng chú ý, ông Lê Tấn Cận cho rằng giá dịch vụ vận chuyển hàng hóa bằng đường biển và phụ thu đối với hàng hóa container tại cảng biển đang tăng mạnh, gây áp lực đến chi phí của doanh nghiệp.

Từ mục tiêu kiểm soát lạm phát cả năm ở mức 4%-4,5% và các dự báo về giá cả hàng hóa, dịch vụ, Thứ trưởng Lê Tấn Cận thông tin Bộ Tài chính đưa ra 3 kịch bản lạm phát bình quân năm 2024 tăng trong khoảng 3,72%-4,5%. Cụ thể: Kịch bản 1 tăng 3,72%, kịch bản 2 tăng 4,03% và kịch bản 3 tăng khoảng 4,5%.

Bộ Tài chính nêu giả định nếu CPI các tháng còn lại của năm 2024 tăng cùng tỉ lệ như nhau so với tháng trước thì trong 7 tháng này, CPI mỗi tháng còn dư địa tăng khoảng 0,39%-0,6% để bảo đảm kiểm soát lạm phát bình quân cả năm trong khoảng 4%-4,5% theo mục tiêu đề ra. Trong khi đó, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam dự báo lạm phát trong khoảng 4%-4,5% và có thể lên 4,6% nếu có nhiều yếu tố bất lợi xảy ra cùng lúc.

Với kế hoạch thực hiện cải cách tiền lương từ ngày 1-7, TS Lê Đăng Doanh cho rằng Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương cần thực hiện đồng bộ các chính sách điều hành giá, quản lý, kiểm soát thị trường nhằm bình ổn giá cả hàng hóa, không để xảy ra tình trạng "té nước theo mưa". Ông dẫn chứng: "Nhiều trường hợp khi vừa có thông tin tăng lương, người lao động chưa kịp hưởng lương mới đã phải đối mặt với việc giá cả các mặt hàng tiêu dùng tăng chóng mặt".

Theo chuyên gia này, kiểm soát được giá cả thị trường khi thực hiện cải cách tiền lương sẽ góp phần kiểm soát lạm phát. Khi đó, việc tăng lương mới thực sự có ý nghĩa với người dân, mục đích của việc tăng lương mới được thực hiện đầy đủ.

Cùng băn khoăn về giá cả hàng hóa sẽ tăng khi lương tăng, Ủy viên Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Thị Yến đề xuất Chính phủ và các bộ, ngành cần có kịch bản điều hành giá các mặt hàng thiết yếu. Theo bà, cần hài hòa giữa mục tiêu tăng trưởng và kiểm soát lạm phát.

Tại cuộc họp Ban Chỉ đạo điều hành giá mới đây, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái đã yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tăng cường thanh tra, kiểm tra quá trình thực hiện các chính sách, quy định về giá. Trong đó, kiểm tra yếu tố hình thành giá; không để tăng lương dẫn đến tăng giá bất hợp lý, làm mất đi ý nghĩa của việc tăng lương.

Phó Thủ tướng yêu cầu phải kiểm tra, kiểm soát, giám sát, đặc biệt là với các mặt hàng lương thực thực phẩm thiết yếu; niêm yết giá tại các chợ truyền thống. Lãnh đạo Chính phủ cũng giao các bộ Y tế, Giáo dục và Đào tạo, Công Thương có báo cáo, đề xuất cụ thể về lộ trình điều chỉnh giá liên quan dịch vụ khám chữa bệnh, học phí giáo dục đại học, học phí cơ sở giáo dục nghề nghiệp và giá điện. 

Không tăng giá đột ngột

Bộ Tài chính - cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo điều hành giá - đề nghị các bộ, ngành tiếp tục thực hiện lộ trình điều chỉnh giá dịch vụ công theo lộ trình thị trường và các mặt hàng do nhà nước quản lý theo nguyên tắc thị trường.

Theo Bộ Tài chính, các bộ, ngành cần đánh giá, tính toán kỹ tác động để tránh gây xáo trộn lớn về mặt bằng giá cả; không tăng giá đột ngột và tăng giá cộng dồn vào cùng một thời điểm, bảo đảm mục tiêu kiểm soát lạm phát.


Theo Minh Chiến

Người lao động

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên