Không có 200 USD để sửa điện thoại, chàng trai này quyết định tự mua đồ về sửa và tạo nên doanh nghiệp triệu đô
“Các bạn hãy chuẩn bị tinh thần ăn, ngủ và hít thở cùng với công ty của mình. Đừng lo lắng về việc phải bắt đầu công ty quá sớm. Nếu bạn thực sự muốn xây dựng một công ty, bạn phải hành động ngay lập tức chứ đừng trì hoãn. Trong kinh doanh không có thời điểm nào tốt hơn chính ngày hôm nay”.
- 03-06-2017Điều gì khiến đất nước nhỏ bé Litva được mệnh danh là "Quốc gia khởi nghiệp" của Châu Âu?
- 27-05-2017Bí quyết khởi nghiệp thành công mới ở Mỹ: Hãy làm điều đó bên ngoài thung lũng Silicon!
- 27-05-2017Hành trình khởi nghiệp của hai chàng trai trẻ đã tự "thắp sáng" đời mình bằng những bóng đèn led
Khi còn là một sinh viên, AJ Forsythe (29 tuổi), phát hiện ra rằng cậu thường chi tốn rất nhiều tiền vào việc sửa điện thoại, cụ thể là chiếc iPhone của cậu.
“Tôi liên tục làm hỏng điện thoại từ năm này qua năm khác. Và lần cuối cùng tôi phải đứng giữa quyết định bỏ ra 200 USD để sửa điện thoại hay vứt nó đi, đó quả thực là một quyết định khó khăn”, Forsythe chia sẻ trên CNBC.
Chàng trai trẻ, là một sinh viên năm hai đại học khi đó, đã quyết định tự giải quyết vấn đề của mình, thay vì nhờ cậy các cửa hàng sửa chữa điện thoại với chi phí đắt đỏ. “Tôi quyết định tháo tung chiếc điện thoại ra, đặt mua một số linh kiện online và tự sửa chúng”.
Tuy nhiên, điều tuyệt vời nhất mà Forsythe đã phát hiện ra đó là anh không phải là người duy nhất hay bị hỏng điện thoại, có rất nhiều sinh viên khác cũng có nhu cầu sửa chữa chúng. “Bạn cùng phòng của tôi bị hỏng điện thoại và tôi giúp cậu ấy sửa nó. Sau đó tôi bắt đầu sửa điện thoại của nhiều bạn bè khác khi điện thoại của họ bị hỏng”, chàng trai trẻ nói.
Và Forsythe không mất nhiều thời gian để phát hiện ra rằng trường đại học là “cái nôi” của những cô cậu sinh viên hay làm hỏng thiết bị điện tử.
Forsythe bắt tay vào in tờ rơi và quảng cáo dịch vụ sửa chữa điện thoại của mình mang tên iCracked trong khuôn viên trường Cal Poly. Cậu thu 75 USD cho một lần sửa chữa được thực hiện ngay tại phòng ký túc xá của cậu hoặc trong thư viện trường học.
“Từ một công việc tay trái để kiếm thêm ở trường đại học biến thành công việc cực kỳ thú vị đối với tôi. Tôi có thể vừa làm việc mà vẫn đi học bình thường. Tôi kiếm được khoảng 60.000-70.000 USD nhờ công việc sửa chữa điện thoại này”, doanh nhân trẻ chia sẻ.
Vào năm cuối đại học, Forsythe đã cùng với Anthony Martin – một người bạn của anh bắt đầu phát triển iCracked vượt ra ngoài khuôn viên trường đại học Cal Poly. Đến khi tốt nghiệp, hai nhà đồng sáng lập đã xây dựng được một mạng lưới gồm 40 kỹ sư giúp họ sửa chữa điện thoại. Tuy nhiên, đi kèm với đó là khoản nợ 40.000 USD trong thẻ tín dụng của họ.
Forsythe và Martin quyết định chuyển đến thung lũng Silicon. “Chúng tôi gói ghém đồ đạc lên xe tải của Anthony và chuyển mọi thứ đến San Francisco vào văn phòng làm việc chung với anh trai tôi. Sau đó, chúng tôi huy động được vốn từ Y Combinator – một vườn ươm công nghệ lớn và bắt đầu làm việc cả ngày lẫn đêm để phát triển công ty”.
Năm 2012, Forsythe và Martin thành lập công ty, đặt trụ sở tại Redwood, California và kết thúc năm tài chính với 2 triệu USD doanh thu. Năm 2014, 4 năm sau khi Forsythe tung ra iCracked từ căn phòng ký túc xá của mình, công ty đã đạt mức doanh thu “ấn tượng” 25 triệu USD.
Đến nay, iCracked đã phát triển với 70 nhân viên và xây dựng được một mạng lưới hơn 5.000 kỹ sư công nghệ. Các kỹ sư này có thể sửa bất cứ thứ gì từ màn hình bị hỏng đến nút bấm trên iPhone, iPad và các thiết bị Samsung Galaxy.
Bạn cũng có thể xem iCracked như một dịch vụ sửa chữa điện thoại theo yêu cầu: Bất cứ khi nào bạn làm hỏng thiết bị của mình, các chuyên gia sẽ đến tận nhà và sửa nó cho bạn ngay lập tức. Chi phí sửa chữa trung bình khoảng 100$.
“Chúng tôi đang cố gắng xây dựng mạng lưới hỗ trợ kỹ thuật với mong muốn trong tương lai, khi bạn gặp vấn đề về công nghệ ở bất cứ nơi nào trên trái đất, bạn chỉ cần nhấn nút và chúng tôi sẽ xuất hiện để sửa nó cho bạn”, Forsythe chia sẻ.
Tuy hành trình đưa iCracked của Forsythe lên thành doanh nghiệp tỷ đô có vẻ khá trơn tru, nhưng với nhà sáng lập này, mọi thứ đều cần thử thách.
“Tôi nghĩ mọi người đã quá tôn vinh khi gọi tôi là một doanh nhân. Đó là môt công việc thực sự khó khăn. Khi bạn mới bắt đầu, tất cả bạn bè có thể đang kiếm nhiều tiền hơn bạn. Bạn lâm vào cảnh nợ nần, bạn phải làm việc 18 tiếng mỗi ngày và bố mẹ bạn thì luôn than phiền rằng sao bạn mãi chẳng có việc làm ổn định”, nhà sáng lập trẻ cho biết.
Đưa ra lời khuyên cho các doanh nhân trẻ, Forsythe nói rằng: “Các bạn hãy chuẩn bị tinh thần ăn, ngủ và hít thở cùng với công ty của mình. Đừng lo lắng về việc phải bắt đầu công ty quá sớm. Nếu bạn thực sự muốn xây dựng một công ty, bạn phải hành động ngay lập tức chứ đừng trì hoãn. Trong kinh doanh không có thời điểm nào tốt hơn chính ngày hôm nay”.