MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Không có chuyện muốn bán bún bò Huế phải ra Huế xin phép

06-08-2016 - 18:12 PM | Xã hội

Đúng là phải xin phép Hiệp hội Du lịch Thừa Thiên-Huế nếu người bán muốn dùng logo bún bò Huế do hiệp hội này quản lý.

Mới đây, UBND tỉnh Thừa Thiên-Huế ban hành quy chế quản lý và sử dụng nhãn hiệu chứng nhận bún bò Huế. Theo đó, người dùng nhãn hiệu chứng nhận này phải xin phép Hiệp hội Du lịch Thừa Thiên-Huế.

Tên gọi chung, hình ảnh riêng

Ngay sau đó, trên cộng đồng mạng rất nhiều người có ý kiến rằng “bún bò Huế” là một cái tên chung, chỉ món ăn bún bò, hiện được sử dụng chung trên cả nước, chẳng phải xin phép ai. Do đó, không có lý gì để bắt buộc người bán bún bò phải xin phép.

Ý kiến này không sai. Ai cũng có quyền treo bảng bán bún bò Huế mà không cần xin phép Huế, cũng như vô tư viết bảng tên phở Bắc, bún nước lèo Sóc Trăng, bún riêu cua hay bún đậu mắm tôm... không cần xin phép sử dụng những cái tên này.

Mấu chốt của nhãn hiệu chứng nhận là hình ảnh, gọi tắt là logo (xem ảnh nhỏ). Người bán bún bò trên cả nước có quyền treo bảng ghi bún bò Huế, có thể tự tạo hình ảnh logo riêng của mình. Tuy nhiên, hàng quán nào muốn treo bảng có logo riêng của Huế thì phải xin phép Hiệp hội Du lịch Thừa Thiên-Huế.

Logo bún bò Huế này có chữ in hoa. Chữ u trong “bún” được cách điệu từ hình tô bún, đôi đũa tạo thành dấu sắc của chữ bún. Giải thích về ý nghĩa logo này, Hiệp hội Du lịch Thừa Thiên-Huế cho biết “màu sắc trọng tâm là màu tím, xanh. Đây là cặp màu đặc trưng cho Huế. Phông chữ Huế được cách điệu theo môtip hoa văn Huế”.

Hàng quán sử dụng nhãn hiệu chứng nhận bún bò Huế nói trên phải có tên riêng của quán mình kèm theo, ví dụ bún bò Huế O Trang, bún bò Huế bà Mỹ... chứ không chỉ dùng logo không.

Trong quy chế của UBND tỉnh Thừa Thiên-Huế cũng khẳng định việc sử dụng logo nói trên hoặc logo tương tự gây nhầm lẫn mà không xin phép là hành vi vi phạm. Người có hành vi vi phạm về nhãn hiệu chứng nhận sẽ bị xử phạt hành chính theo quy định về sở hữu trí tuệ.

Chị Trinh (chủ quán bún bò Cô Ba Mập, đường Lạc Long Quân, quận Tân Bình, TP.HCM) cho biết chị rất tò mò về chuyện đăng ký nhãn hiệu chứng nhận bún bò Huế. Ảnh: THANH TUYỀN. Ảnh nhỏ: Logo bún bò Huế do tỉnh Thừa Thiên-Huế ban hành. Ảnh: QN
Chị Trinh (chủ quán bún bò Cô Ba Mập, đường Lạc Long Quân, quận Tân Bình, TP.HCM) cho biết chị rất tò mò về chuyện đăng ký nhãn hiệu chứng nhận bún bò Huế. Ảnh: THANH TUYỀN. Ảnh nhỏ: Logo bún bò Huế do tỉnh Thừa Thiên-Huế ban hành. Ảnh: QN

Xài logo có phải trả tiền?

Trong quy chế về bún bò Huế, logo bún bò Huế này có thể được in trên bảng hiệu, thư từ giao dịch, phương tiện quảng cáo (tô, chén, đũa, hộp...).

Việc sử dụng nhãn hiệu chứng nhận, nhãn hiệu tập thể hay chỉ dẫn địa lý đều phải có nộp phí. Phí này giúp duy trì, bảo vệ và phát triển nhãn hiệu. Cụ thể như xét duyệt, cấp quyền sử dụng, kiểm tra, kiểm soát việc sử dụng nhãn hiệu chứng nhận, quảng bá, bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ...

Mức phí như thế nào còn tùy vào từng đơn vị quản lý. Tuy nhiên, một cán bộ quản lý ở Cục Sở hữu trí tuệ khẳng định chưa nghe phàn nàn nào về mức phí cả.

Luật sư Nguyễn Thanh Long (Đoàn Luật sư TP.HCM) cho biết: “Nhãn hiệu chứng nhận là nhãn hiệu mà chủ sở hữu nhãn hiệu cho phép tổ chức, cá nhân khác sử dụng”. Nhãn hiệu này nhằm chứng nhận các đặc tính về xuất xứ, nguyên liệu, vật liệu, chất lượng, độ chính xác, độ an toàn...

Luật sư Long cho rằng tên địa danh gắn với sản vật địa phương mà muốn được bảo hộ dưới dạng chỉ dẫn địa lý thì không dễ dàng mà phải qua nhiều bước, trong đó phải xét nghiệm, phân tích các yếu tố chất lượng sản phẩm.

Thực tế cho thấy nhãn hiệu chứng nhận qua một thời gian sử dụng nếu có uy tín, có giá trị thì sẽ thu hút được doanh nghiệp xin tham gia sử dụng, ví dụ nhãn hiệu chứng nhận hàng Việt Nam chất lượng cao với chữ V đỏ và ngôi sao, thanh long Bình Thuận với hình trái thanh long nằm nghiêng…

Có chuyên gia ẩm thực đánh giá

Các quán ăn muốn được treo logo nhãn hiệu chứng nhận phải đạt tiêu chuẩn khung về món bún bò. Cụ thể, nước dùng phải trong, dậy mùi thơm của thịt, sả, hành quyện vào nhau. Trong đó mùi sả thơm nồng hơn và có mùi thơm nhẹ của các loại rau gia vị, ruốc.

Nước dùng được ninh bởi lửa nhỏ với nồi nấu có miệng vum để xương và thịt tiết ngọt từ từ.

Bún tươi phải là bún làm từ tinh bột gạo với phụ gia bột lọc. Thịt bò và giò heo không ninh quá kỹ. Các viên chả chín tới, săn, ngọt, kích cỡ đều, đẹp mắt. Rau tươi.

Hiệp hội sẽ phối hợp với các cơ quan chức năng để tổ chức kiểm tra chất lượng của các cơ sở dùng nhãn hiệu chứng nhận.

(Trích quy chế quản lý và sử dụng

nhãn hiệu chứng nhận bún bò Huế)

Ông Lưu Đức Thanh, Trưởng phòng Chỉ dẫn địa lý và Nhãn hiệu quốc tế, Cục Sở hữu trí tuệ:

Mỗi quán được quyền có “chất” riêng

Tỉnh Thừa Thiên-Huế cũng vừa mới nộp quy chế cho Cục Sở hữu trí tuệ để xin cấp văn bằng bảo hộ. Theo quy định thì phải có quy chế trước thì mới nộp đơn xem xét cấp. Đây chỉ là những bước đầu tiên. Cấp văn bằng bảo hộ xong thì tỉnh và hiệp hội mới có thể triển khai sử dụng nhãn hiệu này.

Trước đây, khi Hiệp hội Thanh long Bình Thuận làm nhãn hiệu chứng nhận “thanh long Bình Thuận” thì phải làm đơn xin UBND tỉnh cho phép sử dụng tên “Bình Thuận”. Vấn đề với bún bò Huế thì đơn giản hơn, vì chính UBND tỉnh này làm nhãn hiệu nên không cần xin phép dùng tên “Huế” nữa.

Khi sử dụng chung nhãn hiệu chứng nhận bún bò Huế không có nghĩa là quán bún bò nào cũng y như nhau. Các hàng quán này chỉ cần đáp ứng chất lượng khung trở lên, an toàn thực phẩm... Mỗi quán vẫn có quyền có “chất” riêng trong cách pha nấu, nêm nếm của mình. Ngon hay không là tùy vào cảm nhận của thực khách.

Hiện Cục đang thẩm định mẫu nhãn hiệu này, chưa có kết quả.

Tôi bán bún bò Huế lâu năm rồi, luôn chú ý đến vệ sinh cũng như chất lượng món ăn. Giờ Huế có những quy định xin phép để có logo riêng như vậy thì tôi cũng muốn tìm hiểu thử xem như thế nào để cho biết chứ thật tình cũng không dám chắc là sẽ làm theo vì thấy nó lạ quá.

Chị Nguyễn Thị Kiều Trinh, chủ quán bún bò Cô Ba Mập, đường Lạc Long Quân, quận Tân Bình, TP.HCM

Đã từng có nhiều nhãn hiệu chứng nhận

Cục Sở hữu trí tuệ đã cấp văn bằng cho nhiều nhãn hiệu chứng nhận như Hàng Việt Nam chất lượng cao do người tiêu dùng bình chọn, gạo Nàng Nhen Bảy Núi, rau Đà Lạt, trà Blao, chè Ba Vì, thanh long Bình Thuận...

Hiện nay, nhiều tỉnh cũng vừa đăng ký các nhãn hiệu chứng nhận như tơ lụa Bảo Lộc, mác mác Đơn Dương, sầu riêng Đạ Huoai, yến sào Bình Định...

Theo Cục Sở hữu trí tuệ

Teo Quỳnh Như

Pháp luật TPHCM

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên