Không có chuyện thất thoát vốn Nhà nước tại CIENCO 5
“CIENCO 5 không bán vốn Nhà nước tại doanh nghiệp dự án là CIENCO 5 - Land nên không có chuyện thất thoát vốn”.
- 25-05-2016Cienco 5: Cách chức Tổng giám đốc, thu hồi dự án tại Cienco 5 Land
- 16-05-2016Mua Dự án Thanh Hà-Cienco5: Mường Thanh phải đàm phán lại
Trước thông tin cho rằng, việc thoái vốn không minh bạch tại Tổng công ty Xây dựng công trình giao thông 5 (CIENCO 5) khiến vốn Nhà nước tại đây bị thất thoát hàng trăm tỷ đổng. Trao đổi với chúng tôi, ông Vũ Anh Minh, Vụ trưởng Vụ Quản lý doanh nghiệp (Bộ GTVT) khẳng định: “CIENCO 5 không bán vốn Nhà nước tại doanh nghiệp dự án là CIENCO 5 - Land nên không có chuyện thất thoát vốn”.
Vốn Nhà nước thu về gấp đôi giá khởi điểm
Quan điểm của ông thế nào về ý kiến cho rằng việc thoái vốn không minh bạch tại CIENCO 5 đã khiến vốn Nhà nước thất thoát hàng trăm tỷ đồng?
Thực hiện phương án cổ phần hóa (CPH) được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, CIENCO 5 đã hoàn thành việc chuyển đổi sang công ty cổ phần từ ngày 2/6/2014. Vốn điều lệ là 439 tỷ đồng, cơ cấu cổ đông gồm: Cổ đông Nhà nước chiếm 63,18% vốn điều lệ; 2 Cổ đông chiến lược 31% vốn điều lệ (Công ty cổ phần Nam Trí chiếm 15,5% và Công ty CP Việt Phương chiếm 15,5%); Các cổ đông khác chiếm 5,82% vốn điều lệ.
Khi được hỏi, nếu phát hiện ra sai phạm, yếu kém khi thực hiện nhiệm vụ làm đại diện phần vốn Nhà nước tại CIENCO 5, Bộ sẽ có hình thức xử lý thế nào, ông Vũ Anh Minh cho biết: “Đối với các trường hợp cán bộ là đại diện phần vốn Nhà nước nếu có sai phạm sẽ xử lý theo các quy định của pháp luật, không phụ thuộc vào việc điều chuyển từ vị trí này sang vị trí kia”.
Hội đồng quản trị (HĐQT) của CIENCO 5 gồm 5 thành viên, trong đó có 3 thành viên là người đại diện theo ủy quyền của Bộ GTVT. Hai thành viên còn lại là đại diện của 2 cổ đông chiến lược. Toàn bộ quá trình CPH được diễn ra công khai, minh bạch, đúng quy định pháp luật.
Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về triển khai thoái toàn bộ vốn Nhà nước tại CIENCO 5 theo phương thức bán cổ phần theo lô, ngày 31/12/2015, Sở Giao dịch chứng khoán TP Hồ Chí Minh tổ chức bán đấu giá theo lô đợt 1, tương ứng 23,18% vốn điều lệ cho các nhà đầu tư. Giá khởi điểm là hơn 101 tỷ đồng. Khi đó có 2 nhà đầu tư tham gia đấu giá. Kết quả, nhà đầu tư Công ty CP Hải Phát trúng giá hơn 202 tỷ đồng, cao gần gấp 2 lần so với giá khởi điểm. Ngày 25/3/2016, CIENCO 5 và nhà đầu tư đã hoàn thành thủ tục chuyển nhượng (ghi sổ đăng ký cổ đông) để Công ty cổ phần Hải Phát chính thức là cổ đông của CIENCO 5.
Như vậy, việc thoái vốn hoàn thành được thực hiện công khai, minh bạch, theo đúng các quy định. Đặc biệt, giá trị vốn Nhà nước thu về gấp gần 2 lần so với giá khởi điểm. Do vậy, ý kiến cho rằng việc thoái vốn không minh bạch khiến vốn Nhà nước thất thoát hàng trăm tỷ đồng là không có cơ sở.
CIENCO 5 không bán vốn Nhà nước tại doanh nghiệp dự án là CIENCO 5 - Land
Không chuyển nhượng vốn Nhà nước tại Cienco 5-Land
Có ý kiến cho rằng, việc thay đổi vốn/chuyển nhượng vốn điều lệ tại Doanh nghiệp dự án (DNDA) là CIENCO 5 - Land khi thực hiện dự án đường trục phía Nam Hà Tây không đúng quy định làm mất vốn Nhà nước. Ông đánh giá thế nào về nhận định này?
CIENCO 5 - Land được thành lập năm 2007. Lúc đó, CIENCO 5 làm chủ đầu tư dự án, đồng thời thành lập ra công ty cổ phần để thực hiện dự án. Khi mới thành lập, CIENCO 5 góp 49% vốn điều lệ, nhưng theo các tài liệu chúng tôi được biết, đó là góp bằng lợi nhuận thu được trong tương lai. Từ năm 2007-2010, CIENCO 5 - Land có nhiều lần tăng giảm vốn, nhưng CIENCO 5 không góp thêm vốn. Đến năm 2010, CIENCO 5 vẫn duy trì ở mức 5% vốn điều lệ ở CIENCO 5 - Land, tương đương với 10,305 tỷ đồng. Năm 2014 CIENCO 5 - Land tiếp tục tăng vốn từ 200 tỷ lên 400 tỷ, lúc này CIENCO 5 có nộp thêm 10 tỷ đồng vào để duy trì mức vốn góp 5%.
Xin khẳng định là từ năm 2010 đến nay, CIENCO 5 vẫn duy trì vốn góp 5% tại CIENCO 5 - Land. Các thông tin về việc chuyển nhượng 95% vốn góp vừa qua là chuyện chuyển nhượng vốn của các cổ đông khác, ngoài CIENCO 5, không phải chuyển nhượng phần vốn Nhà nước tại đây.
Một số vấn đề phát sinh chỉ diễn ra sau khi hoàn thành công tác thoái vốn. Lúc đó các nhà đầu tư có tỷ lệ vốn góp vào CIENCO 5 tăng lên trong khi tỷ lệ vốn Nhà nước giảm xuống, quyền lực có sự thay đổi tương ứng với vốn góp. Vì thế, thời gian qua có phát hiện các cổ đông chiến lược bán 15,5% vốn cho Hải Phát nên đã phát sinh câu chuyện bán như vậy có đúng các quy định hay không?
Vậy, với vai trò là đại diện cho phần vốn Nhà nước tại CIENCO 5, Bộ GTVT đã có động thái gì để bảo vệ quyền lợi của Nhà nước, thưa ông?
Bộ GTVT thường xuyên thực hiện việc kiểm tra, giám sát hoạt động sản xuất kinh doanh tại đây. Ngày 27/4/2016, lãnh đạo Bộ GTVT đã chủ trì họp với người đại diện phần vốn Nhà nước tại CIENCO 5 về công tác thoái vốn. Qua báo cáo của người đại diện, Bộ GTVT nhận thấy việc ban hành nghị quyết, Điều lệ sửa đổi thời gian từ tháng 3 - tháng 4/2016 của CIENCO 5 có dấu hiệu vi phạm quy trình, thủ tục. Do vậy, Bộ GTVT đã ban hành Quyết định thành lập tổ công tác để kiểm tra, rà soát lại việc chấp hành các quy định về người đại diện phần vốn Nhà nước tại doanh nghiệp.
Căn cứ báo cáo của Tổ công tác, ngày 20/5/2016, lãnh đạo Bộ GTVT đã chủ trì cuộc họp với các cổ đông lớn của CIENCO 5, có sự tham gia của 3 người đại diện phần vốn Nhà nước tại CIENCO 5. Kết thúc cuộc họp, Bộ GTVT có Thông báo kết luận với nội dung: “Bộ GTVT yêu cầu người đại diện phần vốn Nhà nước tại tổng công ty trực tiếp làm việc với các cổ đông lớn rà soát lại toàn bộ trình tự, thủ tục pháp lý liên quan đến việc ban hành các Nghị quyết, Điều lệ sửa đổi bổ sung trong giai đoạn từ ngày 1/1/2016 đến nay. Xây dựng chương trình, kế hoạch, nội dung chi tiết tổ chức Đại hội đồng cổ đông bất thường để thống nhất ban hành Nghị quyết sửa đổi, bổ sung, thay thế các Nghị quyết, Điều lệ sửa đổi bổ sung trong giai đoạn từ ngày 1/1/2016 đến nay. Trình Bộ GTVT trước ngày 1/6/2016”.
Đồng thời, Bộ cũng có văn bản chỉ đạo người đại diện phần vốn Nhà nước tại CIENCO 5 có trách nhiệm triển khai thực hiện nội dung thông báo kết luận.
Xin cảm ơn ông!
Báo giao thông