Không có doanh nghiệp phá sản trong năm 2016: Nhật Bản chìm sâu vào hố lầy “doanh nghiệp xác sống”
Trong năm tài khóa vừa kết thúc vào tuần trước, không doanh nghiệp nào trong số 4.000 công ty đại chúng của Nhật Bản công khai nộp đơn xin bảo hộ phá sản dù nhiều công ty làm ăn rất bết bát.
- 03-04-2017Doanh nghiệp xác sống đang "ăn thịt" kinh tế châu Á
- 13-03-2017Hàng chục nghìn "doanh nghiệp xác sống" đeo bám kinh tế Nhật Bản
- 29-04-2016Giải phẫu các "xác sống" ở Trung Quốc
- 04-03-2016Trung Quốc: Cuộc tuần hành của những “xác sống”
Muốn doanh nghiệp phá sản nhưng sẵn sàng cho vay tiền
Theo các nhà phân tích, Nhật Bản đang đi trên con đường tái cơ cấu doanh nghiệp nhằm dọn dẹp các công ty làm ăn kém hiệu quả và tạo cơ hội cho các doanh nghiệp mới. Tuy nhiên, cách quốc gia này áp dụng các điều kiện tín dụng dễ dàng lại cho thấy kết quả ngược lại. Các công ty làm ăn kém hiệu quả vẫn có cơ hội tiếp cận nguồn vốn để duy trì tình trạng leo lắt.
Martin Schulz, một nhà kinh tế học tại Viện Nghiên cứu Fujitsu ở Tokyo, nhấn mạnh: “Nó hoàn toàn không lành mạnh. Chu kỳ kinh doanh của Nhật Bản không hoạt động. Khi không có công ty cũ bị loại khỏi cuộc chơi, các công ty mới sẽ không xuất hiện vì thiếu chỗ đứng. Các công ty cũ sẽ cạnh tranh với đối thủ mới thông qua giá cả đơn giản vì họ có thể làm điều đó”.
Theo báo cáo của công ty nghiên cứu Teikoku Databank, lần cuối cùng nước Nhật không có công ty đại chúng phá sản là 26 năm trước. Tuy nhiên, ở thời điểm đó, kinh tế Nhật Bản tăng trưởng nóng với mức 5,5%/năm. Không lâu sau đó là thời kỳ suy thoái, kéo theo đó là sự sụp đổ của bong bóng trên thị trường chứng khoán và bất động sản. Trong lần này, lãi suất cực thấp và chính sách đảm bảo các khoản vay từ chính phủ do cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu giúp nhiều công ty có vốn để tồn tại.
Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe từng gọi sự thất bại trong kinh doanh chính là thành công với nền kinh tế. Theo đó, việc có những công ty phá sản vì làm ăn kém hiệu quả là cần thiết. Tuy nhiên, theo các nhà phê bình, tín dụng dễ dàng khiến các “doanh nghiệp xác sống” có thể tồn tại, tình trạng thiếu lao động trở nên tồi tệ hơn trong khi cạnh tranh quá mức gây ra áp lực giảm giá nghiêm trọng.
Hủy diệt sự sáng tạo
Năm 1942, nhà kinh tế học người Áo Joseph Schumpeter đã đặt ra thuật ngữ “hủy diệt sự sáng tạo” nhằm mô tả sự lộn xộn khi chủ nghĩa tư bản tự tái tạo. Nhật Bản có thể đang mắc kẹt trong tình thế tương tự khi từ chối chịu những đau đớn cần thiết cho một sự hồi sinh. Nước Nhật cũng không phải cái tên duy nhất mắc phải sai lầm này.
Lần đầu tiên từ năm 1990, Nhật Bản không có doanh nghiệp phá sản trong một năm.
Nghiên cứu hồi tháng Giêng của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) định nghĩa doanh nghiệp thây ma – là những công ty đang tồn tại nhờ sự trợ giúp – không đủ chi trả lãi phát sinh từ những khoản nợ, điều làm giảm năng suất, dẫn tới sự tăng trưởng chậm chạp ở các nước phát triển.
Tại Hàn Quốc, nơi ngành công nghiệp vận tải bị ảnh hưởng nặng nề bởi suy giảm thương mại toàn cầu, các ngân hàng quốc doanh vừa đưa ra quyết định bơm 2,6 tỷ USD cứu Tập đoàn Cơ khí Hàng hải và Đóng tàu Daewoo khỏi vỡ nợ. Đây là lần thứ 2 trong chưa đầy 2 năm mà tập đoàn khổng lồ này phải lên tiếng cầu cứu.
Trong khi đó, ở Trung Quốc, một nhà kinh tế học nhấn mạnh khoảng 10% các công ty được niêm yết đủ bê bết để được xếp vào “doanh nghiệp thây ma” bởi nguồn sống của chúng là sự hỗ trợ liên tục của chính phủ và ngân hàng.
Các ngân hàng bơm tiền cho vay bởi họ thường không muốn biến các khoản nợ của mình thành nợ xấu. Trong khi đó, chính phủ lo ngại tình trạng thất nghiệp do các công ty phá sản có thể tạo gánh nặng cho nền kinh tế. Tuy nhiên, việc cưu mang các doanh nghiệp làm ăn kém hiệu quả sẽ khiến kinh tế trì trệ, kéo lùi đà tăng trưởng.