Không có quy chuẩn về sự ổn định: 25 tuổi được bố mua cho nhà, xe oto, 2 năm sau tôi trả lại hết. Năm 30 tuổi, không nhà, không xe, nhưng tôi có sự nghiệp riêng
Đứng giữa ngã tư đường của độ tuổi 30, ngoái đầu nhìn lại bước ngoặt năm ấy, và những ngày tháng bấp bênh mà tôi lựa chọn, từ việc được lo chu toàn cho đến tự sống độc lập, từ công việc lương chỉ vài triệu đến vài nghìn đô hiện tại, tình yêu, tiền bạc... Không thể nói là một cú lộn ngoạn mục, nhưng thật sự là một dấu mốc không hề nhỏ.
- 28-03-2019Bị sếp cũ mắng chửi suốt 20 năm, tôi vẫn cố kiên trì với công việc, đến ngày thăng quan tiến chức mới hiểu ra và thốt lên: "Cảm ơn vì đã ném tôi vào đời"
- 25-03-2019Điều tốt nhất trong cuộc sống luôn đi cùng nghịch cảnh khốc liệt nhất: Càng cố gắng ngoi lên, bạn càng thất bại; có thể từ bỏ khi mong muốn nhiều nhất, bạn mới thành công
01
Người ta chỉ lo ổn định mà đánh mất lý tưởng
Sau 5 năm tốt nghiệp đại học, vấn đề quan trọng của rất nhiều người hầu như chỉ xung quanh 3 chuyện nhà cửa, xe cộ, kết hôn.
Hình như 3 vấn đề trên mới được xem là chuyện lớn của đời người, hình như giải quyết 3 vấn đề này mới được coi là chuyện lớn, còn chuyện có sống hạnh phúc hay không, sống cuộc đời mình mong muốn không phải là việc lớn ư?
Cũng phải thôi vì trong mắt bố mẹ, hay người lớn 3 chuyện trên đã trở thành một giá trị quan cốt lõi của hai từ Ổn định.
Ổn định, là cuộc sống sẽ hạnh phúc, sẽ không có áp lực, khi người ta ổn định sẽ không phải vất vả về sau?
Ổn định cũng đã từng là chủ đề trong cuộc sống của tôi ngày trước. Khi mới tốt nghiệp đại học, tôi về quê làm ở một cơ quan của huyện, vì nhà cũng có điều kiện nên bố mẹ đã bỏ tiền mua cho tôi nhà và một chiếc xe. Có nhà, có xe, lương cũng khá, giờ việc mà bố mẹ tôi lo lắng nhất là thúc giục mau mau chóng chóng lấy vợ để ông bà có cháu bế bồng.
Nhưng chẳng ai ngờ, hai năm trước tôi đã quyết định bán nhà, đưa xe cho bố tôi, xin thôi việc, rồi chuyển vào Sài Gòn sinh sống, một thành phố xa lạ và nhộn nhịp, nơi mà ở đó tôi ngày ngày phải bán sức, bán mạng.
Hiện tại, đứng giữa ngã tư đường của độ tuổi 30, ngoái đầu nhìn lại bước ngoặt năm ấy, và những ngày tháng bấp bênh mà tôi lựa chọn, từ việc được lo chu toàn cho đến tự sống độc lập, từ công việc lương chỉ vài triệu đến vài nghìn đô hiện tại, tình yêu, tiền bạc... Không thể nói là một cú lộn ngoạn mục, nhưng thật sự là một dấu mốc không hề nhỏ.
02
Nhà cửa, xe cộ là thứ bắt buộc phải có?
Rất nhiều người sau khi kết hôn, rồi có con, phong cách làm việc thành ra có phần bảo thủ hơn và theo lối tư duy để ổn định. Thực ra việc mua nhà, bản thân bạn sẽ cảm thấy an tâm hơn khi ở thành phố phồn hoa này, rồi cứ thế nghĩ nhiều hơn đến việc phải có chỗ che mưa che nắng, không thể cứ ở thuê như hiện tại. Đương nhiên cái việc mua nhà cứ bám lấy bạn, tiền bạn làm ra giờ đây không còn như tuổi đôi mươi là sẽ dùng để mạo hiểm đầu tư.
Mấy ngày trước về Hà Nội công tác, có nói chuyện với một chú tài xế nhân lúc từ sân bay về khách sạn. Tôi bảo "ở Hà Nội giá nhà cao như vậy, muốn mua giờ bình quân thu nhập cũng phải hai ba chục triệu một tháng chú nhỉ". Ông ấy cười "Gì chứ, giờ muốn mua nhà, nếu không đi vay hay ông bà già cho, thì thu nhập cũng phải trăm triệu đổ lên".
Tôi kinh ngạc "Cao như vậy thì lương ba cọc ba đồng thì khi nào mới mua được nhà?"
"Đương nhiên, nếu chỉ mấy đồng lương, nếu mà để đủ ăn thì cũng được, nhưng đã tính đến chuyện mua nhà thì phải thắt lưng buộc bụng, lương cao thì không nói làm gì chứ ba cọc ba đồng thì tiết kiệm bao nhiêu năm cho đủ"
Để mà nói là không dám tiêu pha cũng không đúng, tiền dùng để mua nhà, không phải là đầu tư cho bản thân hay sao.
Nên tôi nghĩ ở một góc độ khác, người trẻ mới bắt đầu sự nghiệp không mua được nhà ở thành phố, thì không hẳn là chuyện gì tồi tệ.
Hơn nữa việc bạn có sở hữu một chiếc xe xịn hay không vào năm 30 tuổi cũng không thể nói lên năng lực của bạn. Vào năm 30 tuổi, thay vì phải có xe để được gọi là ổn định, tôi muốn dùng số tiền đó để đi đầu tư vào kinh doanh, tôi muốn dùng số tiền đó để khởi nghiệp... thì việc phải có một chiếc xe vào năm 30 tuổi có cần thiết? Cái tư tưởng ổn định đó vô hình chung đang ràng buộc suy nghĩ của chúng ta, xã hội vô hình chung tạo gánh nặng được gọi là tuổi 30.
03
Kết hôn là việc trọng đại
Xã hội áp đặt rằng "Còn trẻ thì phải tính đến chuyện kết hôn, sinh con đẻ cái, lấy vợ muộn lúc đấy già rồi muốn yêu ai cũng khó". Tôi nghĩ rằng, hôn nhân là việc chờ đợi, chờ một người phù hợp với mình, nếu 30 tuổi tôi chưa thể tìm được người lý tưởng thì đó có phải là việc đáng trách, rằng đó có phải là do tôi kén chọn... Tại sao trước năm 30 tuổi tôi phải vì áp lực xã hội mà phải thỏa hiệp, chấp nhận lấy một người bởi vì tôi đã không còn trẻ. Nếu ở tuổi này, sự nghiệp tôi vẫn dở dang, tôi không thể lo cho gia đình nhỏ của mình một cuộc sống đầy đủ, vậy tại sao tôi phải kết hôn chỉ vì tôi đã nhiều tuổi?
Nhớ ngày trước mỗi lần được dịp nghỉ tết là tôi chỉ muốn xin ở lại làm thêm để trốn mấy ngày này. Câu hỏi đầu tiên khi gặp hàng xóm, anh em họ hàng là "khi nào lấy vợ" cứ mỗi lần nghe câu hỏi đó thật sự tôi chỉ biết cười trừ cho qua, nhưng trong thâm tâm, tôi cảm thấy khó chịu khi bị hỏi những câu như vậy.
Tại sao xã hội lại đặt quy chuẩn cho người khác, tại sao họ lấy suy nghĩ của mình để tạo áp lực cho người khác, họ đâu thể sống thay cuộc đời của một ai đó? Mỗi người là một bản thể, tại sao chỉ vì một quy chuẩn mà phải trở thành bản sao của người khác.
Tuổi 30, cái tuổi như một bước chuyển ngoặt của mỗi người, cái tuổi nghĩ đến khiến nhiều người cảm thấy ái ngại và thở dài, cái tuổi phải chịu những suy nghĩ, áp đặt của xã hội. Nếu năm 30 tuổi chẳng có nhà, có xe, chẳng có một gia đình, thì tôi có bị coi là kẻ vô dụng?
Trí Thức Trẻ