Không có quy định nào cấm xe lưu thông vĩnh viễn
Theo Bộ GTVT, hiện nay việc từ chối phục vụ các phương tiện chỉ áp dụng đối với xe quá khổ, quá tải với mục đích bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông.
- 12-02-2019Bộ GTVT: VEC phải thu hồi quyết định từ chối phục vụ vĩnh viễn 2 ôtô vi phạm
- 12-02-2019Từ chối phục vụ vĩnh viễn 2 ôtô, VEC E đang vi phạm pháp luật
- 11-02-2019Chủ 2 ô tô bị từ chối phục vụ vĩnh viễn trên đường cao tốc là ai?
Ngày 13-2, Tổng Công ty Phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) tiếp tục ra thông cáo khẳng định Công ty Cổ phần Dịch vụ kỹ thuật đường cao tốc Việt Nam (VEC E) và VEC chưa có bất cứ quyết định chính thức nào từ chối phục vụ đối với hai ô tô 51A-55... và 51G-77...
Theo VEC, về đề xuất cấm vĩnh viễn hai phương tiện trên vào tất cả tuyến cao tốc do VEC quản lý, khai thác, qua xem xét VEC nhận thấy đề xuất trên của VEC E là chưa đủ cơ sở pháp lý. Do đó, VEC có văn bản từ chối đề xuất của VEC E.
Liên quan đến một số quy định VEC đã thực hiện, như từ chối phục vụ đối với các phương tiện vi phạm quy tắc giao thông trên các tuyến đường cao tốc do VEC quản lý, khai thác, VEC khẳng định chỉ với mục đích trước tiên là đảm bảo tuyệt đối an toàn cho người điều khiển phương tiện, nâng cao chất lượng dịch vụ và bảo vệ kết cấu hạ tầng đường cao tốc.
Ngày 13-2, trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, lãnh đạo Vụ Pháp chế, Bộ GTVT cho biết: “Hiện nay việc từ chối phục vụ các phương tiện chỉ áp dụng đối với xe quá khổ, quá tải với mục đích bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông và bảo vệ tài sản của Nhà nước.
Hiện không có luật nào cấm vĩnh viễn phương tiện lưu thông trên đường vì có hành vi vi phạm. Hơn nữa, việc xử lý phương tiện là không phù hợp, bởi tài sản được dịch chuyển và có thể mua bán theo quy định pháp luật”.
PV đặt vấn đề: Trong Quyết định 13/2019 của Hội đồng thành viên Tổng Công ty Đường cao tốc Việt Nam (VEC) có căn cứ Thông tư 90/2014 của Bộ GTVT.
Theo đó, khoản 3 Điều 14 thông tư này quy định: “Xe vi phạm quy định về tải trọng, khổ giới hạn cầu đường bắt buộc phải di chuyển ra ngoài phạm vi đường cao tốc để khắc phục vi phạm và bị xử lý theo quy định.
Đơn vị khai thác, bảo trì có quyền từ chối phục vụ xe quá tải, quá khổ theo quy định đi vào đường cao tốc, đồng thời phối hợp với các cơ quan có thẩm quyền để xử lý kịp thời”.
Có phải căn cứ vào quy định này mà doanh nghiệp (cụ thể là VEC ) cho mình quyền được cấm xe vào cao tốc?
Vị lãnh đạo Vụ Pháp chế cho rằng quy định này ghi rất rõ, nếu xe quá tải, quá khổ thì đơn vị quản lý, bảo trì được phép từ chối phục vụ. Nhưng khi xe hạ tải đương nhiên xe được phép lưu hành bình thường, không có quy định nào cấm vĩnh viễn.
“Nếu doanh nghiệp áp dụng quy định này để từ chối phục vụ vĩnh viễn phương tiện là không đúng chứ không phải quy định này nhập nhằng, khó hiểu.
Bởi khi xe đúng tải thì sao gọi là quá tải nữa và đương nhiên lúc đó phương tiện được phép di chuyển…” - vị này giải thích thêm.
Như đã thông tin, mới đây VEC E ra thông báo từ chối phục vụ vĩnh viễn đối với hai ô tô biển số 51A-55... và 51G-77... trên tất cả tuyến cao tốc do VEC quản lý, khai thác.
Nguyên nhân là trước đó hai phương tiện này đã có hành vi cố tình dừng xe trước trạm thu phí, không thực hiện theo hướng dẫn của nhân viên trạm, gây ùn tắc tại trạm, làm mất an ninh trật tự tại khu vực…
Pháp luật TPHCM