MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

"Không có văn bản nào cấm sản xuất bánh mì, đậu hũ, bún... trong thời gian giãn cách xã hội"

03-08-2021 - 16:18 PM | Thị trường

Đó là khẳng định của Phó Chủ tịch UBND TP HCM Phan Thị Thắng tại buổi làm việc với Hội Lương thực Thực phẩm TP HCM mới đây.

Sáng 3-8, tại buổi làm việc với UBND TP HCM, Hội Lương thực Thực phẩm TP HCM đã kiến nghị TP tháo gỡ nhiều vướng mắc nhằm giúp doanh nghiệp sản xuất, lưu thông ổn định, bảo đảm chuỗi cung ứng lương thực thực phẩm cho thị trường TP HCM.

Tại buổi làm việc, thay mặt các doanh nghiệp (DN) lương thực thực phẩm TP, bà Lý Kim Chi, Chủ tịch Hội Lương thực Thực phẩm (FFA), cho biết các DN ngành này đang phải đối mặt với vô vàn khó khăn, thậm chí có nguy cơ đứt gãy chuỗi cung ứng sản xuất lương thực thực phẩm.

Lấy ví dụ về việc vận chuyển, lưu thông hàng hóa kể cả trong nội thành TP HCM và đi liên tỉnh trong thời gian qua, bà Chi cho biết một trong những vướng mắc DN đang gặp phải là tình trạng mỗi nơi mỗi kiểu.

"Trên cơ sở các kiến nghị quyết liệt của các hiệp hội ngành hàng cả nước và DN, vấn đề lưu thông hàng hóa cuối cùng đã được Chính phủ và các bộ ngành tháo gỡ. Điều này đã cởi trói và kịp thời tháo gỡ khác khó khăn cho DN nhưng thực tế vẫn còn xảy ra tình trạng các chốt kiểm soát gây khó dễ và đòi hỏi các thủ tục khiến vấn đề này đến thời điểm này chưa triệt để, khiến DN bức xúc" - bà Chi phản ánh.

Không có văn bản nào cấm sản xuất bánh mì, đậu hũ, bún... trong thời gian giãn cách xã hội - Ảnh 1.

Lãnh đạo TP HCM khẳng định không cấm các cơ sở sản xuất, kinh doanh bánh mì

Cụ thể, TP HCM đang thực hiện hạn chế người dân ra đường từ 18 giờ đến 6 giờ sáng hôm sau. Trong khoảng thời gian này, các phương tiện chở hàng hóa thiết yếu được phép lưu thông nhưng thực tế lại xảy ra các tình huống như: chốt kiểm dịch đường M1 từ KCN Tân Bình ra quốc lộ xe không qua được mặc dù xe đã được cấp mã QR và báo với chốt là xe chở hàng thiết yếu. Một số chốt khác ở các cửa ngõ của TP, xe về sau 18 giờ không thể qua chốt vì trên xe không chở hàng mặc dù có giấy tờ giao nhận hàng thiết yếu, buộc tài xế phải ngủ lại trên xe.

Hay như việc các địa phương buộc đóng cửa các cơ sở sản xuất bánh mì vì cho rằng đó không phải là thực phẩm thiết yếu, dẫn đến tình trạng người dân thiếu bánh mì để ăn trong thời gian qua.

"Đề nghị TP cần cụ thể các quy định của Trung ương và chỉ đạo quyết liệt các địa phương thực hiện phòng chống dịch theo đúng chỉ đạo của thành phố, nhằm tránh tình trạng áp dụng mỗi nơi mỗi kiểu, gây khó khăn DN, trường hợp phát hiện vi phạm cần xử lý mạnh để răn đe" - Chủ tịch FFA kiến nghị.

Phản hồi các ý kiến của FFA, Phó Chủ tịch UBND TP HCM Phan Thị Thắng cho biết các kiến nghị tựu trung xoay quanh các khó khăn về lưu thông hàng hóa, phần lớn những vướng mắc này đã được giải quyết. Còn những vướng mắc tại các chốt kiểm soát là do lực lượng trực làm việc tại các chốt chủ yếu là nhân viên tăng cường, tùy theo nhận thức mà cách hiểu, cách làm có giới hạn, các địa phương đang chấn chỉnh thêm.

Riêng về việc "cởi trói" cho các cơ sở sản xuất bánh mì, bà Phan Thị Thắng yêu cầu FFA thông tin lại cho các DN, cơ sở sản xuất biết TP không có văn bản nào cấm các cơ sở, DN sản xuất bánh mì, bún, đậu hũ... hoạt động trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội. Các mặt hàng này là hàng lương thực thực phẩm nên được phép hoạt động, sản xuất, lưu thông. Vấn đề là các DN, cơ sở sản xuất phải tổ chức sản xuất an toàn để địa phương yên tâm về phòng chống dịch. "Nếu các DN, cơ sở sản xuất đã bảo đảm đủ điều kiện mà chính quyền địa phương vẫn không cho hoạt động thì hãy báo lên UBND TP, tôi sẽ xử lý" - Phó Chủ tịch UBND TP nói.

Theo PV

Người lao động

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên