MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Không còn là 7 triệu, lương khởi điểm của sinh viên mới ra trường đã vượt mốc 10 triệu đồng/tháng

Không còn là 7 triệu, lương khởi điểm của sinh viên mới ra trường đã vượt mốc 10 triệu đồng/tháng

Con số này cũng đánh dấu lần đầu tiên sau nhiều năm, mức lương khởi điểm của sinh viên mới tốt nghiệp từ đại học Việt Nam và du học sinh tại đại học nước ngoài là ngang bằng nhau.

Báo cáo Khảo sát lương thưởng năm 2022 do Talentnet phối hợp cùng Mercer công bố mới đây cho biết, lần đầu tiên sau nhiều năm, mức lương khởi điểm của sinh viên mới tốt nghiệp từ đại học Việt Nam và du học sinh tại đại học nước ngoài là ngang bằng nhau (khoảng 10.600.000 đồng/tháng). Đây là một tín hiệu đáng mừng bởi chất lượng sinh viên được đào tạo trong nước đang ngày càng được nâng cao, nhất là kĩ năng ngoại ngữ.

10.600.000 đồng/tháng cũng là con số đáng chú ý bởi trước đó, trong nhiều cuộc thảo luận của người lao động và sinh viên trên mạng xã hội, sinh viên mới ra trường thường được gắn với mức lương khởi điểm 7.000.000 đồng/tháng. Những cuộc tranh luận cũng bắt nguồn từ đây khi con số 7.000.000 đồng/tháng bị một số sinh viên mới ra trường cho là thấp, không xứng đáng.

Cũng theo báo cáo của Talentnet, đối với các doanh nghiệp Việt Nam, bất động sản là nhóm ngành trả lương cao nhất. Đây cũng là ngành duy nhất mà doanh nghiệp Việt trả lương cao hơn doanh nghiệp nước ngoài bởi đặc thù cần am hiểu quy định, luật Việt Nam cũng như kế hoạch phát triển đa ngành của nhóm doanh nghiệp này.

Còn lại theo mặt bằng chung, mức trả lương ở các công ty Việt Nam thấp hơn các công ty đa quốc gia là 31%, trong khi nếu so sánh tổng thu nhập thì khoảng cách này thu hẹp lại với 22% do các doanh nghiệp Việt Nam linh hoạt hơn trong việc bổ sung các chính sách cổ phần, cổ phiếu… vào các hoạt động nhân sự nhằm giữ chân nhân tài. Tuy nhiên, nếu nhìn qua các năm thì khoảng cách chênh lệch lương này đang ngày càng được thu hẹp.

Việt Nam nằm trong làn sóng nghỉ việc ồ ạt

Theo báo cáo của Talentnet, trên đà kinh tế hồi phục hậu Covid, tỷ lệ các doanh nghiệp có nhu cầu bổ sung nhân sự cũng có những dấu hiệu khả quan hơn với 45% trong số hơn 600 doanh nghiệp tham gia khảo sát nói rằng họ sẽ tuyển thêm nhân viên, 18% doanh nghiệp vẫn chưa đưa ra quyết định, 35% công ty sẽ không có kế hoặc tuyển thêm hay cắt giảm nhân sự. Trong khi đó chỉ có 2% doanh nghiệp có kế hoạch sẽ cắt giảm lao động trong năm tới.

Tuy nhiên, tỷ lệ nghỉ việc trong 6 tháng đầu năm 2022 khá cao, rơi vào mức 11,9% đối với các công ty trong nước, và 8% đối với khối các công ty nước ngoài. Talentnet nhận định tỷ lệ này cho thấy rằng Việt Nam vẫn nằm trong xu thế nghỉ việc ồ ạt với nhiều lý do khác nhau.

Không còn là 7 triệu, lương khởi điểm của sinh viên mới ra trường đã vượt mốc 10 triệu đồng/tháng - Ảnh 1.

Trong đó, top 3 ngành nghề có tỷ lệ nhân viên nghỉ việc tự nguyện cao nhất là Bán lẻ 15,6%, Bất động sản 12,7%, và Sản xuất 10,1 %. Trong đó, ngành bất động sản và sản xuất gần như lần đầu tiên lọt vào nhóm có tỷ lệ nghỉ việc lớn nhất.

Với ngành bất động sản, do các chính sách siết chặt thị trường, số lượng dự án mới trở nên ít ỏi. Kéo theo đó là hiệu ứng domino, các công việc liên quan đến dịch vụ khách hàng,.. càng ít đi, khiến nhân viên buộc lòng phải nghỉ việc. Trong khi đó, lao động thuộc ngành Sản xuất, đặc biệt là tại TP.HCM đã trải qua 6 tháng căng thẳng sản xuất Ba tại chỗ, nên có xu hướng muốn thay đổi để giải quyết vấn đề về mặt tâm lý. Điều này dẫn đến sự bùng nổ về tỷ lệ nghỉ việc trong ngành Sản xuất.

Ngoài ra, các ngành khác cũng có tỷ lệ nghỉ việc đáng kể như Ngân hàng, Bảo hiểm, IT.

Trái lại, nhóm 3 ngành có tỷ lệ nghỉ việc thấp nhất không thay đổi so với năm trước, cụ thể là Dầu khí, Năng lượng tái tạo và Hóa Chất – ba nhóm ngành ít bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh cùng với mức trả lương tốt so với mặt bằng do yêu cầu tuyển dụng nhân sự đặc thù, có chuyên môn cao.

Không còn là 7 triệu, lương khởi điểm của sinh viên mới ra trường đã vượt mốc 10 triệu đồng/tháng - Ảnh 2.

Những yếu tố khiến người lao động ở lại

Báo cáo cũng gợi ý những yếu tố khiến người lao động ở lại với tổ chức, doanh nghiệp. Trong đó, tính ổn định của công việc luôn là top 1 lý do ở lại của người lao động bất kể độ tuổi, thế hệ, cấp bậc.

Nếu như người lao động nữ quan tâm nhiều đến các chính sách liên quan đến sức khỏe hay giờ làm việc linh hoạt, vị trí thuận tiện, thì nam giới có xu hướng ưu tiên chọn công việc có mức lương cạnh tranh, có cơ hội thăng tiến và phát triển chuyên môn

Người lao động Gen Y sẽ lựa chọn cơ hội thăng tiến, môi trường làm việc vui vẻ và sự phát triển nghề nghiệp; còn Gen X ưu tiên mức lương cạnh tranh và có giờ làm việc linh hoạt, thời gian nghỉ phép hay phúc lợi sức khỏe.

Cấp nhân viên có xu hướng lựa chọn công ty có các chế độ hướng đến sự linh hoạt và quan tâm hạnh phúc toàn diện, còn cấp quản lý lại có xu hướng cân bằng tất cả yếu tố từ vật chất đến tinh thần.

Theo Hoàng Thuỳ

Nhịp sống thị trường

Trở lên trên