MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Không để Chợ Tốt làm ‘trùm’, loạt ‘đại gia’ Tasco, Digiworld, Haxaco muốn khuấy đảo thị trường đồ cũ tỷ đô của Việt Nam

14-02-2024 - 00:10 AM | Doanh nghiệp

Không để Chợ Tốt làm ‘trùm’, loạt ‘đại gia’ Tasco, Digiworld, Haxaco muốn khuấy đảo thị trường đồ cũ tỷ đô của Việt Nam

Trong chia sẻ đầu năm 2023, đại diện Chợ Tốt cho biết thị trường thương mại mua bán đồ cũ ở Việt Nam được định giá 1,1 tỷ USD năm 2011 và dự kiến đạt 5,1 tỷ USD vào năm 2026 (trích dẫn nghiên cứu gần nhất của RedSheer Strategy Consultants).

Trong chia sẻ đáng chú ý mới đây, CTCP Thế giới số (Digiworld, DGW) cho biết đã nâng tỷ lệ sở hữu tại chuỗi cầm đồ Vietmoney lên gần 73%, hỗ trợ cho kế hoạch triển khai kinh doanh điện thoại di động và laptop đã qua sử dụng (secondhand) thời gian tới.

Thị trường này theo đại diện là ông Đoàn Hồng Việt thì tiềm năng còn khá lớn nhưng lại chưa có doanh nghiệp lớn nào tham gia. Hiện có hơn 40% thiết bị đang kết nối mạng trên thị trường là điện thoại iPhone, song lượng iPhone mới chỉ chiếm 13 - 18% tùy từng quý. Như vậy lượng iPhone cũ đang hòa mạng gấp đôi lượng máy mới được bán hằng năm. Dòng điện thoại này có vòng đời khoảng 6 năm, và khoảng 2 - 3 năm người dùng sẽ đổi máy mới. Do đó, quy mô thị trường điện thoại đã qua sử dụng ở mức lớn và biên lợi nhuận của các sản phẩm đã qua sử dụng cũng cao hơn máy mới.

Ở mảng ô tô, Tasco (HUT) vừa khai trương Automall thứ 4 tại quận Tân Phú, Tp.HCM với diện tích 7000m2. Đơn vị này xây hệ sinh thái với Carpla là nền tảng mua bán xe ô tô đã qua sử dụng. Sau khi mở rộng hệ thống với Automall thứ 4, Carpla cũng hoàn thiện hơn vai trò trong chuỗi dịch vụ khép kín hạ tầng giao thông và dịch vụ ô tô cùng các thành viên của Tasco, hướng đến phục vụ nhu cầu của khách hàng trong suốt vòng đời sử dụng xe. Dự kiến đến cuối năm 2023, sẽ mở thêm 2 cơ sở tại Hà Nội và Cần Thơ, nâng lên 6 Automall.

Tasco mệnh danh là “trùm BOT” đang chuyển mình thành ông lớn buôn ô tô. Được sự chấp thuận của cơ quan quản lý, SVC Holdings mới đây đã đổi tên thành Công ty TNHH Tasco Auto (Tasco Auto) kể từ ngày 22/1/2024. Tasco Auto hiện sở hữu 86 showroom trên toàn quốc, phân phối 14 hãng xe bao gồm các thương hiệu lớn như: Toyota, Ford, Mitsubishi và thương hiệu xe sang Volvo, doanh thu của mảng ô tô vượt 1 tỷ USD.

Dù tiềm lực lớn và đầu tư quy mô, song HUT không phải là đơn vị tiên phong trong thị trường ô tô cũ. Đơn vị đầu tiên ra mắt Trung tâm kinh doanh ô tô đã qua sử dụng duy nhất tại Việt Nam vào năm 2011 là CTCP Dịch vụ ô tô Hàng Xanh (Haxaco, HAX). Được biết đến là “trùm” phân phối Mercedes-Benz mới tại Việt Nam, trung tâm ô tô này cũng đặc biệt chuyên kinh doanh Mercedes-Benz đã qua sử dụng, đồng thời chuyên sâu về mảng dịch vụ đồng sơn, “độ” và làm đẹp cho xe Mercedes-Benz.

Ngày càng nhiều “đại gia” nhảy vào thị trường secondhand. Thực tế, đây là thị trường màu mỡ trên thế giới, và tại Việt Nam đã có đơn vị khai thác là Chợ Tốt.

Chợ Tốt ra mắt thị trường Việt Nam vào năm 2012, trực thuộc 701Search - công ty liên doanh giữa Press Holdings (Singapore), Schibsted (Na Uy) và Telenor (Na Uy). Năm 2019, Telenor đầu tư vào Carousell, đồng thời thực hiện sát nhập 701Search với Carousell. Theo đó, Chợ Tốt trở thành thương hiệu thuộc sở hữu của Carousell.

Đến nay, trang mua bán, rao vặt trực tuyến Chợ Tốt có hơn 10 triệu người truy cập mỗi tháng, chuyên mua bán và kết nối dịch vụ từ bất động sản (Chợ Tốt Nhà), xe cộ (Chợ Tốt Xe), đồ điện tử, đồ gia dụng, thú cưng và cả dịch vụ gia đình. Năm 2021, thông qua khoản đầu tư 100 triệu USD từ STIC Investment, Tập đoàn Carousell lúc bấy giờ ghi nhận có mức định giá lên đến 1,1 tỷ USD.

Trong chia sẻ đầu năm 2023, đại diện Chợ Tốt cho biết thị trường thương mại mua bán đồ cũ ở Việt Nam được định giá 1,1 tỷ USD năm 2011 và dự kiến đạt 5,1 tỷ USD vào năm 2026 (trích dẫn nghiên cứu gần nhất của RedSheer Strategy Consultants). Theo Carousell Recommerce Index 2021 (được tập đoàn Carousell thực hiện trên 8 thị trường Hồng Kông, Indonesia, Malaysia, Myanmar, Philippines, Singapore, Đài Loan và Việt Nam), 83% người Việt Nam từng mua đồ đã qua sử dụng và sẽ tiếp tục mua đồ đã qua sử dụng.

Một báo cáo từ eBay mới đây cũng nêu bật cách người bán và người mua ngày nay đang áp dụng mô hình thương mại ngược (resale). Theo đó, Gen Z chính là thế hệ đang thúc đẩy nhu cầu ngày càng tăng trong việc sở hữu những món đồ đã qua sử dụng. Được công bố năm 2022, báo cáo hàng năm của eBay về thương mại nhấn mạnh rằng, người tiêu dùng trẻ tuổi là lực lượng chính mới nổi trên thị trường đồ cũ với 80% số lượng hàng đã qua sử dụng được mua bởi Gen Z. Bên cạnh đó, cứ khoảng 1 trong số 3 người thuộc Gen Z bắt đầu hoạt động bán lại vào năm ngoái, chiếm tỷ lệ lớn nhất, 32%, trong số những người bắt đầu hoạt động kinh doanh đồ cũ vào năm 2022.

Tri Túc

Nhịp sống thị trường

Trở lên trên