Không để đứt gãy nguồn cung xăng dầu những tháng cuối năm
Việc giảm thuế nhập khẩu ưu đãi (MFN) về 10% là cơ hội mở ra cho doanh nghiệp tiếp cận các thị trường nhập khẩu, trong bối cảnh xăng dầu trong nước cần đa dạng về nguồn cung.
- 11-08-2022Tước giấy phép kinh doanh bảy doanh nghiệp xăng dầu đầu mối
- 08-08-2022Giá dầu thô thế giới lao dốc mạnh, xăng sẽ giảm sâu?
- 04-08-2022Lý do xăng dầu giảm giá mạnh nhưng giá hàng hoá và cước vận tải chưa "hạ nhiệt"
Mới đây, Chính phủ đã ban hành Nghị định sửa đổi mức thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi (MNF) đối với mặt hàng xăng thuộc nhóm 27.10. Theo đó, giảm mức thuế suất thuế nhập khẩu đối với mặt hàng xăng động cơ, không pha chì từ 20% xuống còn 10%. Nhiều người dân kỳ vọng việc giảm thuế này có thể tiếp tục tạo đà giảm mạnh cho giá xăng , tuy nhiên theo phân tích từ các chuyên gia, việc giảm thuế nhập khẩu chỉ góp phần đa dạng hóa nguồn cung, đảm bảo đáp ứng nhu cầu xăng dầu trong nước thời gian tới.
Cho rằng việc giảm 1/2 thuế suất nhập khẩu ưu đãi với xăng như Nghị định 51 có nhiều ý nghĩa về nguồn cung, ông Trịnh Quang Khanh, Phó Chủ tịch thường trực, Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam cho hay, việc giảm thuế MFN không giúp giảm giá xăng dầu trong nước.
Bởi lẽ hiện nay, các thị trường nhập khẩu xăng dầu thành phẩm chủ yếu của Việt Nam là Đông Nam Á (Singapore, Malaysia, Thái Lan, Hàn Quốc, Trung Quốc. Đây là những thị trường Việt Nam có thể tận dụng ưu đãi thuế nhập khẩu từ các Hiệp định thương mại tự do (FTA) và Hiệp định thương mại hàng hóa ASEAN (ATIGA) đã ký, với ngưỡng thuế suất nhập khẩu xăng là 8%.
“Mức này còn thấp hơn cả mức thuế suất thuế nhập khẩu MFN sau khi giảm, do đó, việc giảm thuế MFN không có tác dụng giảm giá xăng dầu trong nước”, ông Khanh nhận định.
Trên thực tế, năm 2021, tổng giá trị nhập khẩu có thuế đối với mặt hàng xăng dầu của Việt Nam là 475,26 triệu USD, trong đó nhập khẩu từ các nước có ký kết Hiệp định FTA với Việt Nam là 474,1 triệu USD (chiếm 99,7%). Tính riêng trong 5 tháng đầu năm 2022, tổng giá trị nhập khẩu có thuế đối với mặt hàng xăng là 826,53 triệu USD và cơ bản được nhập khẩu từ các nước có ký kết hiệp định FTA với Việt Nam.
Như vậy có thể thấy, với tỷ trọng xăng nhập khẩu theo thuế suất thuế nhập khẩu MFN hiện nay là rất thấp. Tuy nhiên ông Khanh cho rằng, việc giảm thuế MFN về 10% cũng là cơ hội mở ra cho doanh nghiệp tiếp cận các thị trường khác, trong bối cảnh xăng dầu trong nước đang tính đến việc đa dạng về nguồn cung.
Theo Bộ Công Thương, thị trường xăng dầu trong nước thời gian qua có nhiều biến động. Nguồn cung trong nước chịu nhiều ảnh hưởng từ việc Nhà máy lọc dầu Nghi Sơn giảm mạnh công suất và không cung ứng đủ sản lượng xăng dầu cho thị trường như đã cam kết. Trong khi đó, nguồn xăng dầu từ nhập khẩu gặp khó khăn do giá tăng mạnh, thị trường cạnh tranh lớn khi nguồn cung cấp bị gián đoạn do xung đột vũ trang giữa Nga và Ukraine.
Trong những tháng đầu năm, Bộ Công Thương liên tục theo dõi việc sản xuất, cung ứng xăng dầu của các đơn vị trong nước; chỉ đạo các doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu tăng cường lượng nhập khẩu; đồng thời, ban hành quyết định về việc phân giao sản lượng nhập khẩu xăng dầu tăng thêm trong quý II/2022 cho 10 thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu nhằm bổ sung nguồn thiếu hụt từ Nhà máy lọc dầu Nghi Sơn.
Do đó trong quý II/2022, các doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu đã đẩy mạnh việc nhập khẩu và nỗ lực cung ứng xăng dầu để duy trì nguồn cung cho thị trường, nên cơ bản nguồn cung xăng dầu cho thị trường trong nước luôn được bảo đảm, không xảy ra tình trạng thiếu hàng, đứt hàng trong hệ thống phân phối của thương nhân và tại thị trường nội địa.
Trong kế hoạch cung ứng xăng dầu quý III và quý IV sắp tới, theo báo cáo của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, kế hoạch sản xuất xăng, dầu của 2 nhà máy lọc dầu trong nước (gồm Nghi Sơn và Bình Sơn) dự kiến đạt khoảng 3,9 triệu m3 trong quý III (chiếm 72% tổng nhu cầu) và quý IV dự kiến sản xuất 4,4 triệu m3 (chiếm 80% tổng nhu cầu).
Như vậy về cơ bản, lượng sản xuất trên theo kế hoạch đã đưa ra để cân đối cung cầu từ đầu năm 2022, đã được phân giao thực hiện cho các thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu trong nước để bảo đảm nguồn cung cho thị trường. Hiện 2 nhà máy lọc dầu đều đang vận hành ở công suất tối đa, riêng Nhà máy lọc hóa dầu Bình Sơn dự kiến sẽ vận hành ở mức công suất 105% trong những tháng cuối năm 2022 để cung ứng xăng dầu cho thị trường.
Trên cơ sở đánh giá khả năng cung cấp từ nguồn sản xuất trong nước, Bộ Công Thương sẽ có kịch bản điều hành cụ thể nhằm bảo đảm nguồn cung xăng dầu cho thị trường trong nước, đồng thời kết hợp chỉ đạo các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu chủ động nguồn hàng, thực hiện nghiêm túc phương án nhập khẩu bổ sung đã được phân giao để bù đắp nguồn hàng thiếu hụt, không để gián đoạn nguồn cung xăng dầu trong hệ thống kinh doanh, bảo đảm an ninh năng lượng, không để xảy ra thiếu hụt nguồn cung trong mọi tình huống.
Trong những tháng còn lại của năm, Bộ Công Thương tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Bộ Tài chính, thực hiện đúng quy định chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ để điều hành giá xăng dầu trong nước phù hợp với diễn biến giá xăng dầu thế giới. Đồng thời, sử dụng công cụ Quỹ Bình ổn giá một cách hiệu quả và linh hoạt nhằm hạn chế mức biến động mạnh của giá xăng dầu trong nước so với biến động của giá thế giới, bảo đảm hài hòa lợi ích giữa các chủ thể tham gia thị trường, giúp duy trì nguồn cung xăng dầu ổn định cho thị trường trong nước, góp phần thực hiện mục tiêu kiểm soát lạm phát và hỗ trợ phục hồi kinh tế./.
VOV