Không để khan hàng, tăng giá thịt heo
TP HCM cam kết không để xảy ra tình trạng khan hàng, nâng giá thịt heo sau bê bối gần 4.000 con heo bị tiêm thuốc an thần.
- 03-10-2017Ăn thịt lợn tiêm thuốc an thần nguy hại khôn lường
- 26-09-2017Nhu cầu từ Trung Quốc không ổn định, giá lợn hơi vẫn lại xuống dưới 30 nghìn đồng/kg
- 22-09-2017Chiến dịch “giải cứu” lợn: Bộ Công an đã tiêu thụ thịt vượt chỉ tiêu
Chiều 3-10, Sở Công Thương TP HCM đã trình UBND TP phương án bình ổn thị trường, không để tình trạng khan hiếm, nâng giá thịt heo trong thời gian cơ sở giết mổ Xuyên Á, huyện Củ Chi tạm dừng hoạt động.
Bảo đảm nguồn cung
Theo công văn này, Sở Công Thương đã làm việc với các cơ quan, đơn vị liên quan và được các cơ sở, trang trại chăn nuôi heo quy mô lớn tại TP HCM cũng như các tỉnh cho biết nguồn cung heo hơi đang dư thừa và cam kết trong trường hợp TP yêu cầu sẽ sẵn sàng cung cấp, giao hàng đến tận cơ sở giết mổ theo yêu cầu người mua, không để tình trạng khan hiếm xảy ra.
Các cơ sở giết mổ cũng bảo đảm năng lực giết mổ thay thế cho cơ sở giết mổ Xuyên Á (khoảng 5.000 con/ngày). Cụ thể, cơ sở giết mổ Anh Hoàng Thy tại Đồng Nai có khả năng tăng thêm 700 con/ngày; Công ty TNHH MTV Việt Nam Kỹ nghệ súc sản (Vissan) có thể tăng công suất giết mổ thêm 1.300 con/ngày; các cơ sở khác trên địa bàn có khả năng bổ sung 1.500 con/ngày.
Thị trường tiêu thụ thịt heo tại TP HCM vẫn ổn định, không xảy ra tình trạng khan hàng, tăng giá Ảnh: TẤN THẠNH
Ông Phạm Thành Hiệp, chủ Trung tâm giết mổ Bình Tân (quận Bình Tân), cho biết bình thường mỗi ngày, cơ sở giết mổ khoảng 1.000 con. Sau khi xảy ra vụ việc tại lò Xuyên Á, sản lượng của cơ sở tăng dần, đến ngày 3-10 đạt khoảng 1.800 con, gần đạt công suất tối đa là 2.000 con/ngày. Tại lò cũng được tăng cường thêm 2 cán bộ thú y, lên 6 người, trực bảo đảm việc kiểm soát giết mổ khi tăng sản lượng.
Như vậy, tổng công suất tăng thêm từ các cơ sở giết mổ TP HCM có khả năng kiểm soát là 3.500 con/ngày, thiếu gần 1.500 con. Lượng thiếu hụt phải nhập từ cơ sở giết mổ của các tỉnh lân cận, chủ yếu là Long An.
Tuy nhiên, các cơ sở Anh Hoàng Thy, Vissan hiện thực hiện giết mổ công nghiệp, chi phí giết mổ cao, chủ yếu cung cấp cho hệ thống phân phối của đơn vị hoặc các hệ thống phân phối hiện đại, không cung cấp ra chợ đầu mối và không ưu tiên cho thuê hoặc gia công giết mổ. Ngoài ra, việc lựa chọn cơ sở giết mổ là do thương nhân, thương lái tự quyết định nên nhiều khả năng sẽ không đưa heo vào giết mổ trong các cơ sở trên mà đưa về giết mổ tại những cơ sở giết mổ thủ công trên địa bàn các tỉnh lân cận.
Ông Nguyễn Ngọc Hòa, Phó Giám đốc Sở Công Thương TP, cho biết để bảo đảm không xảy ra thiếu hụt hàng hóa và biến động giá thịt heo, sở sẽ làm việc với các siêu thị để xây dựng kế hoạch, tăng sản lượng cung ứng, cam kết không để thiếu hụt hàng hóa và bán đúng giá bình ổn thị trường. Sở cũng yêu cầu Vissan chỉ đạo các trung tâm kinh doanh, phân phối sỉ thịt heo của công ty có kế hoạch bổ sung, bảo đảm nguồn cung cho tất cả 147 quầy sạp, điểm bán của đơn vị tại 23 chợ truyền thống trên toàn TP. Đồng thời, cung cấp tên, số điện thoại liên lạc của người phụ trách trung tâm kinh doanh cho ban quản lý các chợ, sẵn sàng hỗ trợ, cung cấp nguồn hàng cho tiểu thương hoặc thực hiện phương án bán hàng lưu động khi có yêu cầu. Song song đó, giao phòng kinh tế các quận - huyện, ban quản lý các chợ đầu mối theo dõi tình hình nguồn cung, giá cả thịt heo; trường hợp xảy ra biến động phải báo ngay cho Sở Công Thương để có phương án xử lý.
"Đây là tội ác!"
Báo cáo tại Hội nghị lần thứ 14 Ban Chấp hành Đảng bộ TP HCM khóa X nhiệm kỳ 2015-2020, ông Nguyễn Phước Trung, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP, cho biết tính đến sáng 3-10, các cơ quan chức năng đã xử lý hơn 1.995 con heo trong tổng số hơn 3.700 con bị tiêm thuốc an thần, còn tồn hơn 1.700 con chưa tiêu hủy. Sở đã phối hợp với các cơ quan có liên quan kiểm tra, dứt khoát không để con heo bị tiêm thuốc an thần nào lọt ra ngoài. "Trước mắt, sở yêu cầu chi cục thú y đình chỉ công tác tổ trưởng và 2 tổ phó để phục vụ điều tra. Đây là tội ác và tôi không chấp nhận tình trạng có nhân viên của sở tiếp tay, kiên quyết xử lý các trường hợp vi phạm. Nếu phát hiện có tình trạng tiêu cực, tham nhũng, sở sẽ buộc thôi việc" - ông Trung khẳng định.
Ông Lê Minh Hải, Phó trưởng Ban Quản lý an toàn thực phẩm TP, cho biết vừa qua, khi thanh tra của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phát hiện heo bị tiêm thuốc an thần, đơn vị đã kiến nghị và tham mưu UBND TP tịch thu, tiêu hủy số heo trên. Đồng thời, chỉ đạo đội ngũ an toàn thực phẩm trên địa bàn TP khẩn trương rà soát và giám sát các sản phẩm động vật lưu thông trên địa bàn. Qua kiểm tra giám sát chưa phát hiện heo bị tiêm thuốc an thần đưa ra thị trường.
Ông Hải cam kết trong thời gian tới, đơn vị sẽ tiếp tục tham mưu cho TP thực hiện nghiêm túc công tác an toàn thực phẩm, trong đó có việc phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP kiểm tra, giám sát tất cả các khâu, từ chăn nuôi đến giết mổ đưa ra thị trường.
Trước cam kết của ông Lê Minh Hải, Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân đề nghị Ban Quản lý an toàn thực phẩm TP cần phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn kiểm soát tốt vấn đề an toàn thực phẩm, để không tái diễn trường hợp tương tự.
Thịt, trứng gia cầm truy xuất ra thị trường
Sáng 3-10, tại chợ Bến Thành (quận 1) và Co.opmart Nhiêu Lộc (quận Bình Thạnh), Ban Quản lý đề án Quản lý, nhận diện và truy xuất nguồn gốc thịt, trứng gia cầm chính thức công bố triển khai đề án.
Cũng như đề án truy xuất nguồn gốc thịt heo, với đề án này, người tiêu dùng chỉ cần tải phần mềm TE- Food về điện thoại thông minh và quét phần mềm lên tem dán trên từng sản phẩm thịt, trứng gia cầm (tem dán trên vỉ/gói sản phẩm) thì tất cả thông tin về con giống, trại nuôi, giết mổ (hoặc lấy trứng), đóng gói, vận chuyển, kinh doanh đến tận tay người tiêu dùng… được hiển thị đầy đủ. Theo ông Nguyễn Ngọc Hòa, Phó Giám đốc Sở Công Thương TP, người tiêu dùng có thể mua thịt/trứng gia cầm có dán tem truy xuất nguồn gốc tại hơn 1.749 điểm bán trên toàn TP. Việc thực hiện các quy trình, thao tác theo yêu cầu đề án có phát sinh chi phí cho doanh nghiệp nhưng vẫn không tăng giá mà giữ ổn định giá bán. Đây là nỗ lực lớn của doanh nghiệp hợp tác với TP nhằm lành mạnh hóa thị trường, kiểm soát nguồn gốc chất lượng thực phẩm.
T.NHÂN
Người lao động