MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Không để nỗi lo tăng giá trước thềm tăng lương

Hồi hộp chờ tăng lương nhưng kèm theo là nỗi thấp thỏm giá cả 'leo thang' của người lao động. Không để nỗi lo tăng giá trước thềm tăng lương là việc được đặt ra

Lo ngại tăng giá trước cả tăng lương

Chưa bãi bỏ mức lương cơ sở và hệ số lương; tiếp tục thực hiện các loại phụ cấp hiện hành; tăng lương cơ sở từ 1,8 triệu đồng hiện nay lên 2,34 triệu đồng/tháng (30% - mức cao nhất trong lịch sử tăng lương), bên cạnh đó, theo đề xuất của Chính phủ, dự kiến từ ngày 1/7/2024, mức lương hưu và trợ cấp bảo hiểm xã hội được điều chỉnh tăng đến 15%. Khi đề xuất được thông qua đây sẽ là mức tăng lương hưu và trợ cấp bảo hiểm xã hội cao nhất từ trước đến nay.

photo-1719215505146

Người tiêu dùng mua thịt heo tại siêu thị WinMart Thăng Long (ảnh Nguyễn Hạnh)

 Mức lương cơ sở tăng và một số điều chỉnh mới trong chính sách tiền lương được áp dụng từ ngày 1/7 tới đây đem lại niềm vui đối với nhiều công nhân viên chức, người lao động nhưng kèm theo đó là nỗi lo tăng giá. Chị Thu Hòa – quận Cầu Giấy (Hà Nội) chia sẻ, thị trường đã rục rịch tăng giá nhẹ, các mặt hàng thịt heo, gạo đều điều chỉnh tăng giá theo diễn biến chung của giá thị trường.

"Giá trứng cách đây nửa tháng khoảng 25.000 – 27.000 đồng/chục thì nay lên 32.000 – 33.000 đồng/chục. Thịt heo cũng lên mức trung bình 120.000 – 130.000 đồng/kg tùy loại. Giá gạo cũng nhích lên vài ba giá. Cứ mỗi thứ tăng lên một chút cũng tạo gánh nặng không nhỏ với người tiêu dùng, nhất là những người lao động phổ thông trong bối cảnh thị trường việc làm vẫn chưa mấy sáng sủa", chị Thu Hòa thông tin.

"Giá cả tăng chung đâu có chọn người", chị Minh Trang - lao động tự do chia sẻ: "Chúng tôi làm trong một công ty tư nhân về dệt may. Tăng lương ai cũng muốn nhưng với những người làm công việc ăn lương khoán như chúng tôi, việc tăng lương là không dễ bởi mấy năm nay, đầu ra sản phẩm rất khó khăn, công ty cố duy trì công việc cho người lao động đã là may mắn lắm rồi".

Không nằm trong các đối tượng được tăng lương nên chị Minh Trang cũng như nhiều người lao động tự do khác vô cùng lo lắng vì lo ngại các khoản chi phí sinh hoạt của gia đình bị đội lên khi lương tăng. Điều mà họ mong mỏi lúc này đó là các cơ quan Nhà nước sẽ có những biện pháp quyết liệt để kiểm tra, ngăn chặn tình trạng "bão giá".

Trao đổi với phóng viên Báo Công Thương, chuyên gia kinh tế Đinh Trọng Thịnh cho hay, thực tế nhiều năm nay, phản ứng thông thường của thị trường là lương tăng thì giá cũng tăng theo, thậm chí giá cả thị trường còn tăng trước khi chính sách tăng lương có hiệu lực và sau khi tăng lương, giá lại tiếp tục có lần điều chỉnh tăng một lần nữa .

Tình trạng giá tăng theo lương thường tập trung vào những mặt hàng tiêu dùng thiết yếu và ở những giai đoạn, thời điểm hệ thống phân phối còn mỏng, nguồn cung hàng hóa của doanh nghiệp hạn chế, dễ đứt gãy, khả năng điều tiết, can thiệp thị trường yếu nên mới có tình trạng đầu cơ, nâng giá...

Các chuyên gia kinh tế cho rằng, nếu loại trừ yếu tố tâm lý đầu cơ, tăng lương không phải là nguyên nhân chính, trực tiếp làm gia tăng lạm phát. Tuy nhiên, tăng lương cơ sở lần này ở mức cao nên cũng không loại trừ nhiều đối tượng lợi dụng chính sách này để đẩy giá hàng hóa, dịch vụ tăng cao.

Bảo đảm ý nghĩa chính sách tăng lương, bình ổn thị trường

Theo báo cáo của Bộ Tài chính, bình quân 5 tháng đầu năm nay, CPI tăng 4,03% so với cùng kỳ năm 2023. Trong mức tăng này, có 10/11 nhóm hàng hóa và dịch vụ có chỉ số giá tăng, chỉ có 1 nhóm hàng có chỉ số giá giảm (nhóm viễn thông, giảm 1,46% so với cùng kỳ năm 2023). Trong đó, đáng chú ý là nhóm giáo dục tăng 8,7%; nhóm thuốc và dịch vụ y tế tăng 6,87%; nhóm nhà ở và vật liệu xây dựng tăng 5,49%.

Đợt cải cách tiền lương từ 1/7 tới đây được rất nhiều công chức, viên chức, người lao động trông chờ, bởi mức lương hiện nay chỉ đáp ứng các điều kiện sống cơ bản. Việc cải cách tiền lương với mức tăng khoảng hơn 30% cho công chức, viên chức trở thành một trong những niềm vui với rất nhiều người làm công ăn lương.

Tuy nhiên, niềm vui đó sẽ trọn vẹn nếu không có nỗi lo thường trực, đó là giá cả tăng theo lương. Nếu giá cả thị trường tăng quá cao thì đối tượng công chức, viên chức và người nghỉ hưu, đối tượng chính sách xã hội, người có công, nhất là lao động nghèo lại gặp khó khăn vì tăng lương không theo kịp giá cả thị trường.

Liên quan đến vấn đề này, tại họp báo thường kỳ quý II/2024 của Bộ Tài chính vào ngày 18/6, bà Lê Thị Tuyết Nhung - Phó Cục trưởng Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) - thông tin, Bộ Tài chính với vai trò là cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo điều hành giá đã, đang và tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các bộ, cơ quan liên quan theo dõi sát diễn biến giá cả thị trường; đồng thời chủ động dự báo, tính toán và cập nhật kịch bản lạm phát để tham mưu với cấp có thẩm quyền xây dựng kịch bản điều hành giá tổng thể, cũng như triển khai các giải pháp cụ thể.

Trong đó, tập trung vào các giải pháp như theo dõi sát diễn biến cung cầu, giá cả thị trường các mặt hàng thiết yếu để có biện pháp điều hành phù hợp; đảm bảo thông suốt hoạt động cung ứng, lưu thông, phân phối hàng hóa, dịch vụ, nhất là đối với các mặt hàng chiến lược. Chú trọng, tăng cường công tác quản lý, điều hành giá trong dịp lễ; chuẩn bị sớm phương án điều hành giá các mặt hàng Nhà nước định giá, các dịch vụ công theo lộ trình thị trường.

Về phía Bộ Công Thương cũng cho biết sẽ tiếp tục phối hợp với các Bộ, ngành địa phương theo dõi sát diễn biến tình hình thị trường, bảo đảm đủ nguồn cung các mặt hàng thiết yếu phục vụ nhu cầu người dân, nhất là trong các dịp cao điểm lễ, Tết, không để xảy ra tình trạng thiếu hàng, sốt giá. Đồng thời, phối hợp với các Bộ ngành trong việc tham mưu điều hành giá các mặt hàng do nhà nước quản lý giá, trong đó có mặt hàng xăng dầu nhằm bảo đảm cung ứng xăng dầu trên thị trường, góp phần kiểm soát lạm phát chung theo mục tiêu của Chính phủ.

Bảo đảm ý nghĩa chính sách tăng lương, bình ổn thị trường, ngày 22/6/2024, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa ký ban hành Công điện số 61/CĐ-TTg gửi Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ; Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc tăng cường các biện pháp quản lý, điều hành giá.

Theo đó, Thủ tướng yêu cầu các Bộ: Công Thương, Y tế, Giáo dục và Đào tạo, Lao động – Thương binh và Xã hội theo chức năng, nhiệm vụ được giao khẩn trương rà soát, báo cáo, đề xuất cụ thể lộ trình gắn với mức độ và dự kiến thời điểm thực hiện điều chỉnh giá các mặt hàng, dịch vụ thuộc lĩnh vực quản lý (dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh; điện; dịch vụ giáo dục...); Phối hợp chặt chẽ với Bộ Tài chính, Tổng cục Thống kê và các cơ quan liên quan để đánh giá kỹ tác động đến chỉ số giá tiêu dùng và mục tiêu, kịch bản kiểm soát lạm phát cụ thể, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước ngày 30/6/2024.

Thủ tướng cũng giao Bộ Tài chính chủ trì phối hợp với Bộ Kế hoạch Đầu tư, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Tổng cục Thống kê, các cơ quan, địa phương liên quan đẩy mạnh triển khai công tác tổng hợp, phân tích, dự báo giá thị trường, cập nhật kịch bản điều hành giá chi tiết, cụ thể, kịp thời cho các tháng còn lại trong năm để tham mưu cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ các biện pháp phù hợp, kịp thời; Bảo đảm mục tiêu kiểm soát lạm phát năm 2024 trong giới hạn 4-4,5% theo đúng Nghị quyết của Quốc hội trong mọi tình huống, phấn đấu khoảng 4%;

Chủ động đôn đốc, tổng hợp việc thực hiện công tác quản lý, điều hành giá của các Bộ, cơ quan ngang Bộ, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương báo cáo Ban chỉ đạo điều hành giá chỉ đạo xử lý theo thẩm quyền, vượt thẩm quyền thì báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

Cùng với việc kiểm soát giá cả, Thủ tướng yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương không để xảy ra tình trạng thiếu hàng, gián đoạn nguồn hàng gây tăng giá đột biến như: với mặt hàng xăng dầu, lương thực thực phẩm, vật liệu xây dựng…

Đối với mặt hàng điện, dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh và các mặt hàng xem xét điều chỉnh giá, cần rà soát kỹ các yếu tố hình thành giá, đánh giá kỹ tác động đối với kinh tế - xã hội, mặt bằng giá để chủ động có phương án điều chỉnh theo thẩm quyền hoặc trình cấp có thẩm quyền xem xét phương án điều chỉnh giá phù hợp với diễn biến, mặt hàng giá thị trường theo đúng quy định với mức độ và thời điểm điều chỉnh phù hợp, tránh gây cộng hưởng lạm phát chi phí đẩy, tạo ra lạm phát kỳ vọng của nền kinh tế. Thủ tướng cũng giao các Bộ, ngành liên quan xử lý nghiêm trường hợp tung tin thất thiệt gây hoang mang cho người tiêu dùng, gây bất ổn thị trường.

Tình trạng "lương chưa tăng, giá đã tăng" là vấn đề đã xảy ra nhiều lần trước đây, dẫn đến việc tăng lương nhưng không tạo tác động thực chất cho các đối tượng hưởng lương. Tuy nhiên, chuyên gia kinh tế Đinh Trọng Thịnh cho rằng, trong nhiều năm trở lại đây, Chính phủ, bản thân thị trường và người dân đã có thích ứng để không bị tác động đến tâm lý khi thực hiện tăng lương. Và với những giải pháp chủ động hiện nay của Chính phủ và các cơ quan quản lý, hi vọng, đợt điều tăng lương sẽ đem lại niềm vui trọn vẹn cho người lao động.


Theo Nguyễn Hạnh

Công thương

Trở lên trên