Không để thiếu đường
Diễn biến phức tạp của tình trạng hạn hán và nhiễm mặn trên diện rộng đang ảnh hưởng không nhỏ đến diện tích canh tác nói chung, cũng như ngành mía đường nói riêng.
Thị trường đường liệu có bị ảnh hưởng trong thới gian tới? Chúng tôi đã có cuộc trao đổi với ông Phạm Hồng Dương - Chủ tịch HĐQT Công ty CP Mía đường Thành Thành Công Tây Ninh (TTCS) - về vấn đề này.
Ông có thể cho biết, tình trạng hạn hán đã ảnh hưởng thế nào đến diện tích mía?
Hạn hán và ngập mặt trên diện rộng đã ảnh hưởng đến sản lượng mía niên vụ 2015 – 2016, hiện giảm khoảng 10% so với cùng kỳ. Hiện nay, nhìn chung các nhà máy đường trên cả nước đã tăng giá mua mía lên khá nhiều để hỗ trợ nông dân trồng mía.
Riêng với TTCS và các công ty đường thuộc Tập đoàn TTC, chuáng tôi đã chủ động với các giải pháp cày sâu và áp dụng linh hoạt các hình thức tưới như tưới tăng cường, tưới hữu hiệu và tưới cứu mía để giảm thiểu các tác động của việc thiếu nước.
Về cơ bản, tính đến thời điểm hiện tại, chúng tôi kiểm soát được các yếu tố năng suất và chất lượng mía. Với việc chủ động tưới tiêu cho toàn bộ diện tích là trên 30%, riêng tại Đông Nam bộ là 45%, thì sản lượng niên vụ 2016 – 2017 tới sẽ được duy trì ổn định, dự kiến năng suất mía cao hơn niên vụ này khoảng 5%.
Ông Phạm Hồng Dương - Chủ tịch HĐQT Công ty CP Mía đường Thành Thành Công Tây Ninh (TTCS)
Với dự báo về tình hình hạn hán và ngập mặn còn nhiều phức tạp, việc thiếu đường hoặc giá đường bị đẩy lên cao liệu có xảy ra không, thưa ông?
Sản lượng sản xuất đường từ mía cả nước trong niên vụ 2015 – 2016 khoảng 1,25 triệu tấn, cộng với quota năm nay là 85.000 tấn. Mặc dù các cơ quan chức năng đã tích cực chống buôn lậu đường, nhưng do đường biên giới quá dài, tình trạng cõng lậu đường vẫn tiếp tục xảy ra, ước tính lượng đường thẩm lậu qua các kênh nhỏ lẻ vào khoảng 350.000 tấn, cùng với việc năm nay đường trắng không thể xuất khẩu tiểu ngạch đi Trung Quốc, nên tổng lượng đường về cơ bản là không giảm so với niên vụ trước.
Với tinh thần chuẩn bị cho việc đấu giá hạn ngạch thuế quan nhập khẩu đường 2016 dự kiến là 85.000 tấn, sắp tới theo chỉ đạo của Chính phủ, cộng với lượng đường tồn kho tại các công ty mía đường Việt Nam, theo ước tính của chúng tôi, đến thời điểm hiện nay là trên 400.000 tấn thì chắc chắn không xảy ra tình trạng thiếu đường tiêu dùng trong nước.
Vậy TTCS có cam kết gì để đảm bảo quyền lợi và sự ổn định cho khách hàng tiêu thụ đường trong nước ?
Với thế mạnh của TTCS là cung cấp cho khách hàng công nghiệp lớn trong lĩnh vực sản xuất thực phẩm và nước giải khát, chúng tôi luôn hướng đến mục tiêu hợp tác bền vững. Bên cạnh nỗ lực cho việc đấu giá hạn ngạch sắp tới, TTCS cũng chuẩn bị phương án sẵn sàng đóng thuế nhập khẩu đường để đảm bảo lượng nhập khẩu đường thô đạt 120.000 tấn nhằm đáp ứng nhu cầu của khách hàng và bình ổn thị trường. Theo khả năng này, chúng tôi đã chủ động tìm hiểu nhu cầu của các khách hàng công nghiệp để đảm bảo luôn cung cấp đủ nhu cầu của khách hàng.
Đến thời điểm này, có thể khẳng định, ngoài kênh công nghiệp ra thì các kênh tiêu dùng như siêu thị, tiệm tạp hóa hay các chợ không có tình trạng thiếu đường. Vừa qua, có một số thông tin về việc thiếu hụt đường hay người dân phải mua đường với giá cao, chúng tôi khẳng định giá bán lẻ đường tại các kênh siêu thị, tiệm tạp hóa vẫn giữ ổn định từ năm trước đến năm nay không thay đổi.
Xin cảm ơn ông!